Dấu ấn Võ Văn Kiệt trên vùng Tứ giác Long Xuyên

06:08, 03/08/2024

Nói như PGS.TS Mai Thành Phụng- nguyên Phó Viện trưởng Viện Nông nghiệp Miền Nam, thì Thủ tướng Võ Văn Kiệt tuyệt đối tin tưởng ý kiến các nhà khoa học, và bài toán mà Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã trình Chính phủ là hoàn toàn khả thi, đi vào thực hiện sớm.
 

 

 

Việc đào kênh T5, sau này được gọi tên là kênh Võ Văn Kiệt, đã giúp rửa phèn, dẫn nước ngọt mang phù sa vào đồng ruộng.  Ảnh: NGỌC LIỄU
Việc đào kênh T5, sau này được gọi tên là kênh Võ Văn Kiệt, đã giúp rửa phèn, dẫn nước ngọt mang phù sa vào đồng ruộng. Ảnh: NGỌC LIỄU
Năm Minh Mạng thứ 13 (1832), vua Minh Mạng trong tiến trình sắp xếp, chia ra các trấn tại Nam Kỳ, chia Vĩnh Thanh trấn thành 2 tỉnh An Giang và Vĩnh Long (2 trong 6 tỉnh đầu tiên ở Nam Kỳ lục tỉnh lúc đó), khi đó, An Giang là vùng đất rộng lớn, trong lịch sử hình thành đã có công khai phá của các bậc tiền nhân.
 
Vùng đất An Giang trong khai thác trị thủy từ thế kỷ XVIII-XIX
 
Thoại Ngọc Hầu (1760-1829), tên thật là Nguyễn Văn Thoại, có vợ là Châu Thị Tế- người dân cù lao Dài (huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long) là hai người đã có nhiều công lao, đóng góp vào việc trị thủy, đào đắp những con kinh lớn trong vùng An Giang.
 
Thoại Ngọc Hầu từng bảo hộ vùng đất Cao Miên, đã lập nhiều công lao trong khai khẩn vùng đất này, nên vào năm 1817, ông được vua Gia Long cử làm Trấn thủ Trấn Vĩnh Thanh.
 
Từ đây, ông tập trung lo cho việc khẩn hoang lập ấp, đào kinh đắp đường, phát triển và bảo vệ vùng đất mới, để lại nhiều công trình lớn cho hậu thế trong thế kỷ XVIII. Trong đó, phải kể đến công lao lớn của Thoại Ngọc Hầu mở ra kênh Thoại Hà. Khi kênh đào xong, vua Gia Long cho lấy tên ông đặt tên núi (Thoại Sơn) và tên kênh (Thoại Hà), mở ra vùng đất rộng lớn cho việc khai phá vùng này vào nửa đầu thế kỷ XIX.
 
Sau này, công lao của những bậc tiền nhân, những danh tướng, sĩ phu lần lượt xuất hiện, khơi dậy các phong trào yêu nước, chống Pháp, tạo tiền đề cho công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập về sau.
 
Đồng thời, cùng đi với khai khẩn vùng đất rộng lớn này, về sau có Nguyễn Hữu Huân- Thủ khoa Huân (1830-1875); Bùi Hữu Nghĩa (Thủ khoa Nghĩa, 1807-1872); đức Quản cơ Trần Văn Thành (không rõ năm sinh, mất 1873), đức Bổn sư Ngô Lợi (1831-1890), Giáo chủ đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, có công khẩn hoang, lập nên làng núi Tượng (Ba Chúc ngày nay) và cũng là một trong những lãnh tụ của phong trào chống Pháp... tại vùng Châu Đốc thuở ấy.
 
Từ đây, việc khai khẩn vùng đất Châu Đốc, Long Xuyên từ khi có kênh đào Vĩnh Tế đến sau ngày giải phóng miền Nam; sau kênh Thoại Hà, đào năm 1918, Trấn thủ Vĩnh Thanh Thoại Ngọc Hầu lại được triều đình trấn chỉ cho đào kênh Vĩnh Tế- là con kênh có tầm chiến lược trong việc bảo vệ biên giới Tây Nam vào 200 năm trước (1824). 
 
Việc đào kênh Vĩnh Tế thật khó khăn, Trấn thủ Vĩnh Thanh phải tranh thủ mọi nguồn lực dân chúng trong vùng và cách chỉ huy hiệu quả để đào một con kênh lớn vẫn luôn thẳng, thuận tiện cho dòng nước lớn đổ về. Sau gần 5 năm liền, một con kênh đào lớn nhất Nam Bộ, trải dài từ Châu Đốc tới Hà Tiên, được triều đình Nhà Nguyễn đánh giá rất cao, cả về giá trị thủy, lẫn bảo vệ một vùng đất rộng lớn ở An Giang và Hà Tiên. 
 
Việc đào con kênh Vĩnh Tế, dài hơn 98km này kéo dài trong 5 năm (1819-1824) hoàn thành đúng 200 năm trước là một công trình thủy lợi chiến lược được sử Triều Nguyễn mô tả “dài 205 dặm rưỡi, rộng 7 trượng 5 thước, sâu 6 thước… Từ đấy, đường sông lưu động, phòng giữ ngoài biên cho tới Nhân dân buôn bán đều được tiện lợi vô cùng”…
 
Vì thế, theo tác giả Nguyễn Văn Hầu: công việc đào kênh này rất cực nhọc: “Tương truyền, trong thời gian sưu dịch, muốn cho mau rồi, nhà chức trách có khi phải bắt dân binh làm việc thâu đêm...
 
Công việc lâu ngày mòn mỏi, lại buồn ngủ vì thức đêm, nên nhiều khi ngủ gục, người ta đập chài vồ vào đầu nhau đến vỡ sọ mà chết” (trang 191-199, SĐD). Như thế, tổng thời gian đi đào kênh Vĩnh Tế hết gần 5 năm, con kênh được khởi công ngày 15/12/1819 và kết thúc vào tháng 5/1824, tức 4 năm 5 tháng, chính thức đào 4 năm 5 tháng), con kênh lớn nhất Nam Kỳ và cả nước lúc đó, mới hoàn thành.
 
Thủ tướng Võ Văn Kiệt- người đi đầu cùng các nhà khoa học trong khai phá vùng Tứ giác Long Xuyên
 
Tầm quan trọng chủ trương khơi dậy khai thác vùng Tứ giác Long Xuyên (TGLX): Sức sáng tạo của chủ trương khơi dậy khai thác vùng TGLX sau năm 1986, bắt nguồn từ khi Phó Chủ tịch HĐBT (tương đương Phó Thủ tướng) Võ Văn Kiệt (Sáu Dân), đảm nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch HĐBT, từ năm 1986.
 
Với chủ trương khơi dậy khai thác cả vùng TGLX rộng lớn sau năm 1986, Phó Chủ tịch HĐBT Võ Văn Kiệt (lúc đó) đã huy động nhiều nhà khoa học am hiểu về địa thế TGLX, khảo sát nắm chắc địa bàn, làm rõ các vấn đề về độ phèn, độ chua, mặn của vùng đất này. 
 
Vùng TGLX thuộc ĐBSCL, nằm trên địa phận của 3 tỉnh: An Giang, Kiên Giang và Cần Thơ; trong đó nằm trên địa bàn tỉnh An Giang chiếm 239.200ha, chiếm hơn 47% diện tích vùng TGLX, tỉnh Kiên Giang là 239.117ha (tương đương 47% diện tích), còn lại là tỉnh Cần Thơ, không nhiều lắm khoảng hơn 8%. 4 cạnh của TGLX, nằm trên vùng biên giới Việt Nam- Campuchia, cùng Vịnh Thái Lan, kênh Cái Sắn và sông Hậu với 4 góc đô thị là TP Long Xuyên, TP Rạch Giá, TP Châu Đốc và TP Hà Tiên.
 
Cách làm đưa lại những hiệu quả cao khai thác TGLX; vùng TGLX có nhiều loại đất khác nhau, nhưng nhìn chung bao gồm 2 nhóm đất. Nhóm đất phù sa và đồi núi chiếm gần 60% diện tích. Nhóm đất nhiễm phèn, mặn có cấu tạo từ trầm tích biển trẻ, chiếm trên 40% diện tích, tập trung ở khu vực Bắc Hà Tiên. Thảm thực vật trong vùng TGLX trước đây rất nghèo nàn, vùng đất này trước đây cây lúa nổi và rừng tràm chiếm ưu thế, do vậy, đời sống Nhân dân trong vùng TGLX gặp rất nhiều khó khăn.
 
Để đi vào thực hiện, Phó Chủ tịch HĐBT rồi Quyền Chủ tịch HĐBT (từ 1988) Võ Văn Kiệt đã đảm nhiệm chính việc đề ra Quyết định số 99/TTg (1996) của Chính phủ và kế hoạch dài hạn của Chính phủ gắn liền trách nhiệm của Đảng bộ, UBND các tỉnh trong vùng, là: An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ và các tỉnh trong vùng ĐBSCL.
 
Việc khai thác vùng TGLX lúc đó có thể phân ra thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 10 năm đầu (1988-1998) là thời kỳ tập trung khai thác TGLX; trong đó từ 1988-1992 là thời kỳ đầu khai thác vùng TGLX với nhiều khó khăn gay gắt, chủ yếu là khai hoang, phục hóa, tăng vụ. Để cho các công trình thủy nông nội đồng, hệ thống giao thông và xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng của toàn bộ vùng TGLX phải xây dựng đồng bộ.
 
Giai đoạn thứ hai là từ năm 1999, là giai đoạn đầu tư phát triển toàn diện cả vùng TGLX theo chủ trương xây dựng NTM, nhất là từ năm 2008 đến nay; tập trung cho việc thâm canh, tăng vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân 3 tỉnh trong vùng.
 
Thực hiện Quyết định số 99/TTg (1996) của Chính phủ, từ năm 1997, An Giang và Kiên Giang đã thực hiện nhiều công trình thủy lợi hoàn chỉnh, nạo vét kênh mương bị bồi lắng, phát triển giao thông nông thôn,... Trong đó, công trình thoát lũ ra biển Tây có ý nghĩa lịch sử và quan trọng, nhất là việc đào thêm các kênh T4, T5, T6… gắn với kênh Vĩnh Tế (có từ 200 năm) tổng chiều dài hơn 100km băng qua khu vực Bắc Hà Tiên đổ vào kênh Rạch Giá và Hà Tiên.
 
Việc đào kênh T5 hay sau này được gọi tên là kênh Võ Văn Kiệt có chiều dài gần 48km, chiều rộng gần 40m, với điểm đầu xã Lạc Quới, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang và điểm cuối đổ ra biển Tây vào những năm 1997-1998 đã giúp dẫn nước ngọt mang phù sa vào đồng ruộng nên vài năm sau đất phèn bị tháo rửa, đất đai trở nên tươi tốt hơn...
 
Đồng thời, các kênh T4, T5, T6 nối liền với kênh Vĩnh Tế nhằm tăng cường khả năng thoát lũ nhanh ra biển Tây, giảm bớt chiều sâu và thời gian ngập lũ ở vùng TGLX, riêng kênh T5 được khẩn trương khởi công, hoàn thành trong một thời gian kỷ lục 4 tháng, đến nay vùng TGLX, đưa sản lượng lúa tăng hàng năm từ 5-7 triệu tấn lúa, góp phần đưa Việt Nam trở thành nước đi đầu về xuất khẩu gạo.
 
Để hoàn thành, nói như PGS.TS Mai Thành Phụng- nguyên Phó Viện trưởng Viện Nông nghiệp Miền Nam, thì Thủ tướng Võ Văn Kiệt tuyệt đối tin tưởng ý kiến các nhà khoa học, và bài toán mà Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã trình Chính phủ là hoàn toàn khả thi, đi vào thực hiện sớm.
 
Các công trình thủy lợi thoát lũ ra biển Tây có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế- xã hội vùng Tứ giác Long Xuyên. Ảnh: NGỌC LIỄU
Các công trình thủy lợi thoát lũ ra biển Tây có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế- xã hội vùng Tứ giác Long Xuyên. Ảnh: NGỌC LIỄU

Năm 1989, sau 4 năm đổi mới, ĐBSCL ngoài có lúa gạo đầy đủ cho Nhân dân 3 tỉnh trong vùng nhiễm phèn nặng, đã có gần 300.000 tấn lúa gạo xuất khẩu đi đầu tiên năm 1999.

Điều này, những người nông dân chân chất tại vùng đất chín rồng, ai cũng hiểu là không có sự quyết tâm của người đứng đầu Chính phủ và thành quả mà các nhà khoa học tìm ra, thì không bao giờ có vùng lúa gạo đứng hàng đầu châu Á, như hiện nay, trong đó có cả tiềm năng lúa gạo của cả vùng TGLX rộng lớn.

Vừa qua, Hội Khoa học lịch sử tỉnh An Giang, Hội Khoa học lịch sử TP Hồ Chí Minh phối hợp với Huyện ủy, UBND huyện Tri Tôn tổ chức Hội thảo “Lịch sử khẩn hoang vùng TGLX từ đầu thế kỷ XVIII đến nay”.
 
Tại hội thảo, các đại biểu đã nghiên cứu 35 bài tham luận của các tác giả, nhà khoa học, trình bày về lịch sử quá trình khai mở vùng TGLX từ giữa thế kỷ XVIII đến nay.
 
Các bài nghiên cứu còn khái quát và đánh giá về hệ thống kênh đào, thủy lợi nội đồng; hệ thống giao thông nông thôn đường thủy, đường bộ mở rộng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội, đưa vùng TGLX trở thành một trong những vựa lúa lớn của cả nước, giữ vững an ninh lương thực quốc gia. Đồng thời, chỉ ra những di sản quý báu của vùng đất TGLX qua 3 thế kỷ xác lập chủ quyền, khẩn hoang lập làng, chiến đấu bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, xây dựng phát triển kinh tế- xã hội.
ThS PHẠM BÁ NHIỄU
 
Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh