Nhớ mùa săn chuột đồng

10:01, 16/01/2024

Chuột đồng bao đời nay là kẻ thù của người nông dân, bởi nó luôn đứng đầu bảng trong các loài vật phá hoại mùa màng.

 

Bắt chuột vào mùa lúa chín.Ảnh: THẢO LY
Bắt chuột vào mùa lúa chín.Ảnh: THẢO LY

Chuột đồng bao đời nay là kẻ thù của người nông dân, bởi nó luôn đứng đầu bảng trong các loài vật phá hoại mùa màng.

Bất kể cây gì người nông dân trồng xuống cho tới khi thu hoạch đều là nguồn thức ăn của chuột, từ củ khoai, củ mì dưới đất, từ trái bắp trên thân, thậm chí trái dừa cao tít trên ngọn… chuột đều không từ. Riêng cây lúa, chuột có thể ăn từ hồi còn là đòng đòng trong thân cho tới khi bông lúa ngậm sữa, rồi lúa chín, cả lúc lúa đã vô bồ…

Những thập niên trước, người nông dân các tỉnh Nam Bộ chủ yếu làm một vụ lúa mùa, việc cấy hái gieo trồng cũng phải rủ nhau làm cho đồng loạt, bởi ruộng nào trổ sớm, chín sớm hoặc trổ trễ, chín trễ, chuột cả đồng gom về thì coi như thất trắng.

Nhưng, nói gì thì nói, thịt chuột đồng vô cùng hấp dẫn, thịt nhiều lại săn chắc, khi chế biến đúng cách thì rất thơm ngon. Đã là dân ruộng, từ người già cho chí trẻ con, từ cánh đàn ông ưa thích lai rai cho tới cánh phụ nữ ngồi với nhau bên nồi cơm nguội, gần như không ai không khoái khẩu món thịt chuột đồng.

Chuột ở ngoài đồng, chủ yếu ăn lúa, gọi là chuột đồng, còn gọi là chuột cơm; chuột ở trong nhà gặp gì cũng ăn, gọi là chuột nhà, bao gồm chuột cống, chuột lắt và chuột xạ. Gặp tháng nước triều lên cao cộng với mưa dầm nước nổi ngập linh láng, chuột cơm lũ lượt tìm cách vượt khỏi bờ tre vào nhà. Mưa vừa ngơn ngớt, lúa bắt đầu làm đòng, chuột cơm lại rủ nhau rời nhà ra đồng đào hang khắp các bờ ranh, bờ cái…

Săn chuột đồng là một thú vui của rất nhiều trai làng thời đó, bởi nó vừa tạo ra nguồn thực phẩm giá trị trong gia đình vừa góp phần bảo vệ mùa màng cho xóm ấp. Việc săn bắt chuột đồng có thể kéo dài quanh năm suốt tháng nhưng cao điểm là những tháng mùa khô nông nhàn.

Đặc biệt, sau Tết Nguyên đán cho tới hết tháng Giêng, việc thu hoạch lúa mùa vừa xong xuôi, phần lúa rơi rụng còn vương vãi khắp ruộng xa ruộng gần nên chuột đồng lớn nhanh như thổi, con nào con nấy mập lù, rất bắt mắt.

Không kể những cách cũng bắt được chuột nhưng mang tính lẻ tẻ, rình rập như chĩa, đặt bẫy… thì hai cách săn vui hơn là giậm cù và đào hang.

Hồi đó, một trong những cách thu hoạch lúa mùa truyền thống của người nông dân Nam Bộ là đập bồ. Công việc xong xuôi, dưới chân bồ bao giờ cũng còn lại khá nhiều lúa hột rơi rụng lẫn với bui bui, lúa kẹ và rơm rạ.

Chuột đồng ban ngày trốn kỹ trong hang, đợi đêm xuống là kéo nhau ra ăn, riết quen nên khá dạn dĩ, rồi ở luôn qua ngày khỏi phải di chuyển về hang. Nắm được tập tính đó, vài người đi săn rủ nhau mang tấm đăng tre cặm bao quanh đống rơm chân bồ, chân đăng nhọn dễ cặm xuống đất, không để chuột có thể chạy thoát ra ngoài.

Đợi nắng lên, người đi săn cùng nhau giậm mạnh lên rơm rạ xung quanh, để chuột hoảng sợ chạy dồn vào giữa, vừa giậm vừa thít chân đăng vào. Cuối cùng, diện tích bên trong chân đăng còn chừng vài thước vuông mà lũ chuột bị nhốt trong đó cũng vài chục, có khi vài trăm con. Một hoặc hai người lòn vào bên trong, lần theo rơm rạ mà chụp từng con chuột một…

Sau này, hình thức giậm cù cũng có sự cải tiến, người ta không dùng tấm đăng tre cồng kềnh mà thay bằng tấm lưới mùng và một góc lưới có chừa “cửa” để lũ chuột cùng đường chui tọt vào cái “lú”. Cửa lú và mỗi ngăn lú đều cài chiếc “hom” để chuột chỉ có thể chạy vào mà không cách nào chạy ngược trở ra.

Đào hang bắt chuột cũng là một thú vui không kém. Do chưa có đê bao, cống đập như bây giờ nên giữa các thửa ruộng bao giờ cũng có bờ chia ranh đất cũng là nơi phơi phóng lúa bó sau gặt; cách vài ba thửa đất lại có một bờ cái to cao hơn, ít bị nước triều ngập như lối mòn giao thông.

Chuột rất ưa thích làm hang theo những bờ cái này. Ban đêm, chúng ra ngoài kiếm ăn còn ban ngày rúc sâu vào hang. Người đi săn vác theo cây cuốc, chiếc dao phai và cái giỏ tre và cứ đi dọc theo các bờ cái tìm hang chuột.

Chuột có thói quen mỗi ngày đào hang thêm sâu, rồi mỗi lứa chuột lớn lên lại đào cho mình cái ngách riêng một đầu thông vào hang chính, đầu còn lại thông ra bên ngoài bờ, ngụy trang khéo léo dưới bụi lứt hay lùm cỏ nào đó như lối “thoát hiểm” khi cần thiết.

Lượng đất đào trong ngày có dạng giống như viên phân dê được chúng đẩy ra, phần lớn tuôn ra ngoài miệng hang, lẩn với rơm rạ, vỏ trấu… phần còn lại, chúng khéo léo ngụy trang bằng cách bít cửa hang, theo kiểu đùn bít. Lượng đất phía ngoài miệng hang càng lớn chứng tỏ hang càng xa, có nhiều ngách và nhiều lứa chuột trong đó.

Chọn được hang chuột vừa ý cũng chớ vội bửa cuốc đào liền, mà chia nhau lần hai bên mé bờ, cả mặt trên bờ, vạch từng bụi lứt, gốc cỏ… tìm cho ra và lấy đất cứng, ém hết các lối “thoát hiểm” mà bầy chuột khéo léo ngụy trang. Người có kinh nghiệm, chỉ cần nhìn vào lượng đất mà chuột đẩy ra miệng hang, có thể ước lượng được chiều dài hang đi bao xa mà ém cho hết miệng ngách. Sơ sẩy, khi hì hục đào, chuột túa hết ra ngoài thì có nước xách giỏ về không.

Sau vài nhát cuốc, vượt qua lớp “đùn bít” ngụy trang ngoài cửa, hang chuột lộ ra mà thành hang luôn mòn lẵn bởi sự cọ xát khi chuột ra vào. Vừa đào, vừa hết sức chú ý để không bỏ sót các cửa ngách cũng bị “đùn bít” y như cửa hang chính. Đôi khi gặp cùng lúc vài ba cửa ngách cũng cứ bình tĩnh, chọn một ngách tiếp tục đào, sau khi đã lấy đất cứng ém cửa hang chính và các cửa ngách còn lại, đánh dấu để đó kẻo quên.

Cần liên tục quan sát khi đào, bởi loài chuột rất nhanh nhẹn, có thể phóng ra bất cứ lúc nào. Đào theo chút nữa, chắc chắn sẽ gặp rọ rơm rạ mà chuột làm ổ khi đẻ, rọ cũ nát là gặp bầy chuột lứa năm bảy con, rơm rạ mới nguyên là chuột cái đang nằm nuôi con hoặc sắp đẻ.

Khi nhác thấy rọ rơm rạ, người đào lấy lưỡi cuốc ém ngay cửa hang lại, sau đó lấy cục đất cứng thay vào, rồi từ từ “thu hoạch” bằng cách lấy mũi dao phay moi thành cái lỗ nho nhỏ thông vào rọ.

Bầy chuột bên trong vừa động vừa bí, chí chóe kêu la, liên tục xoay trở tìm đường thoát thân và rồi một cái đuôi ló ra để người đào nắm lấy, từ từ lôi ra. Hết bầy chuột lứa, lại thấy cửa ngách bị “đùn bít” và cứ tiếp tục đào, rất có thể bên trong là một lứa khác nhỏ hơn, bởi chuột đồng rất mắn đẻ.

Xử lý xong một ngách, trở về chỗ đánh dấu ban nãy để đào vào ngách khác. Xong tất cả các ngách, người đào tập trung đánh vào hang chính. Đây chính là “sào huyệt” cuối cùng của bầy chuột đồng, trong đó có thể có vài ba lứa chuột lứa và một lứa chuột con, do một “mẹ xề” cai quản.

Chuột đồng là món ăn dân dã, có nhiều cách chế biến và cách nào cũng ngon. Người ta xếp từng con chuột thành hàng thui qua lửa rơm cho cháy hết lông, rồi lột bỏ da, móc bỏ bộ đồ lòng và rửa, bóp muối thật kỹ, để thật ráo cho bán hết mùi, trước khi tẩm ướp gia vị. Chuột trưởng thành, thịt nhiều và săn chắc thì ngon nhất là nướng hoặc khìa nước dừa, xào lăn. Chuột lứa nhiều xương, thịt nhão thì bằm xào lá cách, lá nhàu, kho rau răm…

Ngày nay, hầu hết các cánh đồng miền Tây Nam Bộ đều chuyển lên sản xuất hai, ba vụ hoặc xen canh cây lúa, cây màu hoặc nuôi trồng thủy sản giúp cho đời sống người nông dân đỡ chật vật hơn. Các biện pháp thâm canh đó đã hạn chế môi trường sinh sôi, phát triển của nhiều chủng loài động thực vật hoang dã, trong đó có chuột đồng. Thỉnh thoảng, ra chợ vẫn thấy bà bạn hàng bày bán vài ba ký chuột đã làm sạch và lớn tiếng khẳng định đó là chuột đồng.

Người mạnh miệng mua vài con về ăn thử, phần đông lắc đầu rồi đi chỗ khác, bởi họ biết ngoài ruộng bây giờ chuột đồng hầu như vắng bóng.

Thú vui săn chuột đồng và ăn thịt chuột đồng một thời ấy đang dần lùi xa vào dĩ vãng.

TRẦN DŨNG 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh