Hiện nay ở một số địa bàn trong tỉnh Tiền Giang, nông dân tự phát phá bỏ vườn cây khác để trồng sầu riêng ngoài vùng quy hoạch mà tương lai chưa biết ra sao.
Hiện nay ở một số địa bàn trong tỉnh Tiền Giang, nông dân tự phát phá bỏ vườn cây khác để trồng sầu riêng ngoài vùng quy hoạch mà tương lai chưa biết ra sao.
Tự phát trồng sầu riêng ngoài vùng quy hoạch, thậm chí phá bỏ vườn cây khác để trồng cây sầu riêng ồ ạt mà tương lai chưa biết ra sao là thực trạng đang diễn ra tại nhiều nhà vườn ở tỉnh Tiền Giang. Tình trạng này phát sinh do gần đây, giá trái sầu riêng ở mức kỉ lục, đã giúp nhiều nhà vườn ở tỉnh Tiền Giang làm giàu.
Ông Nguyễn Thành Vinh, ở xã Bàn Long, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang cũng như nhiều nông dân khác tại địa phương này, đã đốn bỏ vườn dừa đang cho trái, để trồng cây sầu riêng thay thế. Ông Vinh cho biết, trong một thời gian dài giá dừa khô và dừa tươi đều rớt thê thảm. Trồng dừa không có hiệu quả kinh tế; trong khi đó trồng cây sầu riêng thu nhập quá cao.
“Trái dừa khi bán có 18.000 đồng/chục (12 quả) làm sao đủ sống nên không hiệu quả. Cây sầu riêng hiện nay những vườn lân cận bán giá cao và ổn định, trong khi đó nhu cầu của Trung Quốc quá lớn. Hiện người dân không biết trồng cây gì, chọn cây gì nên tạm thời trồng sầu riêng”, ông Vinh chia sẻ.
Một vườn dừa tại huyện Châu Thành đang cho trái, nông dân cũng đốn bỏ để trồng lại cây sầu riêng |
Tại các xã Bình Trưng, Vĩnh Kim, Đông Hòa, Bàn Long (huyện Châu Thành) hiện có nhiều vườn dừa, vú sữa lò rèn, sa pô, bưởi…được nhà vườn cưa bỏ, cải tạo đất và lên mô trồng cây sầu riêng.
Theo các nông dân, vườn cây sầu riêng đầu tư trồng mới đúng quy cách, kỹ thuật khoảng 200 triệu đồng/ha và sau 5 năm mới cho thu hoạch. Một số vườn cây kém năng suất nông dân đã lên mô trồng xen cây sầu riêng để thay thế.
Tại vùng đất còn nhiễm phèn cao thuộc vùng Đồng Tháp Mười, huyện Tân Phước nông dân cũng đầu tư trồng sầu riêng mong có nguồn thu nhập cao như các nơi khác.
Ở huyện Cái Bè diện tích cây sầu riêng tăng đột biến với hơn 9.000 ha, trong đó có nhiều diện tích trồng trên nền đất lúa. Gần đây, một số nhà vườn còn phá cây xoài cát Hòa Lộc chuyển sang trồng cây sầu riêng.
Việc trồng ngoài vùng quy hoạch hay phá bỏ các loại cây ăn quả khác để trồng cây sầu riêng là do các nhà vườn tự phát, chạy theo “phong trào”. Chính quyền và ngành nông nghiệp tỉnh Tiền Giang chỉ tuyên truyền, khuyến cáo nhưng chưa có biện pháp chế tài nào xử lý mạnh tay.
“Tại xã có vài chục ha trồng sầu riêng đang ra hoa. Bây giờ một số nhà vườn dừa thực hiện đốn dừa, anh em trong xã có đến tuyên truyền nhưng bà con còn cự cãi.
Người dân nói trái dừa bây giờ rẻ lại khó bán nên để khô mà không thu hoạch”, ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành cho biết.
Nhà vườn trồng xen cây sầu riêng vào vườn cây sa pô (hồng xiêm) |
Theo ông Nguyễn Văn Bườn, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tân Phước, cây sầu riêng trồng trong vùng Đồng Tháp Mười tuy khá xanh tốt, có năng suất nhưng trái không đạt chất lượng như các địa phương khác. Huyện không có chủ trương nhân rộng cây ăn quả này.
“Trên địa bàn huyện có khoảng 5ha trồng sầu riêng, cây vẫn cho năng suất nhưng chất lượng không đạt do điều kiện thổ nhưỡng, đất đai…
Người dân tự phát trồng sầu riêng trong đê bao, huyện không cấm nhưng không khuyến khích phát triển cây sầu riêng trên địa bàn”, ông Bườn thông tin.
Tỉnh Tiền Giang có vườn cây sầu riêng thương phẩm trồng lâu năm và diện tích lớn nhất khu vực ĐBSCL. Trước đây, cây sầu riêng trồng chủ yếu tại các xã ven sông Tiền thuộc huyện Cai Lậy.
Do hiệu quả kinh tế cao nên mô hình này đã nhân rộng ra hơn 22.000 ha, nhiều nhất là huyện Cai Lậy, Cái Bè, Thị xã Cai Lậy, huyện Châu Thành. Năm qua, trái sầu riêng xuất khẩu mạnh sang thị trường Trung Quốc, có thời điểm giá tăng từ 100.000 – 150.000 đồng/kg (tùy loại), nhà vườn có thu nhập hơn 1 tỷ đồng/ha và được mệnh danh là “cây tỉ phú”.
Thời gian qua, chính quyền và các ngành chức năng tỉnh Tiền Giang đã có nhiều biện pháp, giải pháp hỗ trợ nhà vườn, DN trồng và xuất khẩu trái sầu riêng, như quy hoạch vùng trồng, chuyển giao kỹ thuật chăm sóc vườn cây, xây dựng hệ thống thủy lợi chống hạn mặn, cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói.
Tuy hiệu quả kinh tế cao, nhưng chủ trương của tỉnh Tiền Giang là khuyến khích nông dân trồng trong vùng quy hoạch, chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm không chạy theo “phong trào” nhất là phá bỏ vườn cây khác đang cho thu hoạch để trồng cây sầu riêng.
Một vườn dừa tại xã Bình Trưng, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang vừa bị phá bỏ, cải tạo mặt đất trồng cây sầu riêng |
Ông Võ Văn Men, Chi cục Trưởng Chi cục trồng trọt - bảo vệ thực vật tỉnh Tiền Giang cho biết thêm, hiện nay, dư địa nhu cầu trái sầu riêng ở Trung Quốc rất lớn. Theo đề án phát triển cây sầu riêng của tỉnh đã vượt quá diện tích. Tỉnh đã có văn bản gửi đến các địa phương điều tra lại diện tích cũng như dự toán khả năng tăng lên trong thời gian tới.
“Chủ trương của Chi cục là nếu diện tích trồng sầu riêng tăng lên, sẽ đề nghị UBND tỉnh điều chỉnh kế hoạch phát triển cây sầu riêng đến năm 2030 trong vùng được chuyển đổi thôi.
Chi cục cũng đã lấy mẫu đất phía Bắc quốc lộ 1, vùng nào được chuyển đổi, vùng nào không thích nghi đã khuyến cáo người dân không nên trồng, chỉ cây trồng nào không có kinh tế mới thức hiện chuyển đổi”, ông Men cho biết thêm.
Cây sầu riêng hiện nay cho hiệu quả kinh tế cao, nhưng vẫn phụ thuộc vào thị trường ngoài nước và đòi hỏi kỹ thuật canh tác rất cao so với các loại cây trồng khác, nhất là kém thích ứng với hạn mặn.
Do đó, nông dân tỉnh Tiền Giang cần cân nhắc, thận trọng khi phát triển vườn cây này ồ ạt, không theo quy hoạch và khuyến cáo của ngành chức năng. Thực tế cho thấy, nhiều loại nông sản khi phát triển ồ ạt, khi “cung vượt cầu” sẽ dẫn đến tình trạng dội hàng, rớt giá và nông dân phải chịu thua thiệt.
Theo Nhật Trường/VOV