Bước sang năm 2024, khu vực Cần Thơ và 10 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long vẫn đang thiếu máu cho cấp cứu và điều trị, đặc biệt là dịp Tết cận kề.
Bước sang năm 2024, khu vực Cần Thơ và 10 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long vẫn đang thiếu máu cho cấp cứu và điều trị, đặc biệt là dịp Tết cận kề.
Máu được cung cấp cho Cần Thơ. |
Tiến sĩ, bác sĩ Trần Ngọc Quế, Giám đốc Trung tâm Máu Quốc gia, Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương cho biết, trong 3 tháng Tết, Viện Huyết học cần 120.000 đơn vị máu cho cấp cứu và điều trị.
Đặc biệt, dịp này, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và Cần Thơ vẫn chưa giải quyết được tình trạng tiếp nhận máu, nên Trung tâm mỗi tuần phải tiếp tục cung cấp 1.000 đơn vị máu cho Cần Thơ, vì vậy, nhu cầu máu tăng cao hơn các năm trước.
Lý giải về lý do thiếu máu điều trị kéo dài tại khu vực này, Tiến sĩ Trần Ngọc Quế cho hay, từ tháng 3/2023, Bệnh Viện Huyết học-Truyền máu TP Cần Thơ không đấu thầu được hoá chất, sinh phẩm và đến tháng 6 cùng năm không mua được túi máu,…nên không tiếp nhận được máu, dẫn đến tình trạng thiếu máu cung cấp cho các bệnh viện ở Cần Thơ và 74 bệnh viện trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Trước tình hình đó, Bộ Y tế chỉ đạo Trung tâm Máu Quốc gia, Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Huyết học-Truyền máu TP Hồ Chí Minh cung cấp máu và các chế phẩm máu cho Cần Thơ.
Tính từ tháng 3 đến tháng 12/2023, 3 đơn vị trên đã cung cấp cho Cần Thơ hơn 103.000 đơn vị máu và các chế phẩm máu. Riêng Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương cung cấp 50.000 đơn vị.
Sang năm 2024, Cần Thơ mới khắc phục được thiếu sinh phẩm, hoá chất, nhưng chưa đấu thầu được quà tặng cho người hiến máu và tiếp tục có công văn gửi Trung tâm Máu Quốc gia đề nghị hỗ trợ cung cấp máu đến tháng 3.
Theo Giám đốc Trung tâm Máu Quốc gia, do Cần Thơ không tiếp nhận được máu, nên Viện phải giải quyết. Tuy nhiên, việc lấy máu hộ đã tạo ra nghịch lý khi chi phí vận chuyển máu, trang thiết bị bằng đường hàng không rất lớn.
Tiến sĩ Quế cho biết, do chi phí vận chuyển rất lớn, nên Trung tâm chỉ giải quyết được nhu cầu máu thông qua một số chương trình như Lễ hội xuân hồng, Chủ nhật Đỏ… còn lại để cho Ban Chỉ đạo các tỉnh làm.
"Chúng tôi không thể tiếp nhận thay mãi được. Về cơ bản, Bệnh Viện Huyết học-Truyền máu Cần Thơ phải phát triển lớn mạnh để đủ cung cấp máu cho cấp cứu và điều trị trong khu vực”, TS Quế nói.
Khan hiếm máu trong dịp Tết Nguyên đán, nếu chỉ trông chờ vào nguồn máu cung cấp từ nơi khác mà không khắc phục được tình trạng thiếu hoá chất, sinh phẩm để tiếp nhận máu, trong trường hợp có tai nạn hàng loạt, hoặc cấp cứu thảm hoạ, thì lúc đó sẽ cực kỳ nguy hiểm.
Tại kho của Trung tâm Máu Quốc gia luôn dự trữ khoảng 12.000-15.000 đơn vị máu, tuy nhiên, hiện nay số lượng đang sụt giảm vì hàng tuần vẫn phải cung cấp cho Cần Thơ 1.000 đơn vị.
Vì vậy, để bảo đảm cho cấp cứu và điều trị trong dịp Tết, Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương kêu gọi người dân hãy đến các điểm hiến máu cố định để hiến máu, đặc biệt người có nhóm máu O, B vì đây là hai nhóm máu đang thiếu.
Tiến sĩ Quế bày tỏ, Trung tâm đang tìm mọi cách làm sao tiếp nhận lượng máu nhiều nhất để điều tiết cho các khu vực, cung cấp đủ cho các vùng sâu, vùng xa vào dịp Tết. Đặc biệt, kêu gọi người dân hiến tiểu cầu vì tiểu cầu chỉ lưu trữ được 5 ngày.
Mỗi ngày, cả nước cần 5.500 người hiến máu, nhưng đến nay mới chỉ đáp ứng được khoảng 80%, vì vậy rất cần và duy trì người hiến máu thường xuyên, người hiến máu nhắc lại.
Theo THIÊN LAM/Báo điện tử Nhân dân