Mấy năm nay, người dân địa phương, du khách, nhất là học sinh, thiếu nhi rất thích xem các vở diễn mang đặc trưng vùng đất Nam Bộ của Đoàn nghệ thuật Múa rối nước Dừa Xanh. Đây là đoàn nghệ thuật múa rối nước duy nhất ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long được các nghệ nhân, diễn viên tâm huyết lưu giữ, bảo tồn.
Mấy năm nay, người dân địa phương, du khách, nhất là học sinh, thiếu nhi rất thích xem các vở diễn mang đặc trưng vùng đất Nam Bộ của Đoàn nghệ thuật Múa rối nước Dừa Xanh. Đây là đoàn nghệ thuật múa rối nước duy nhất ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long được các nghệ nhân, diễn viên tâm huyết lưu giữ, bảo tồn.
Các diễn viên tập vở diễn mới phục vụ khán giả. |
Phục vụ hơn 50 ngàn lượt khách
Người có công đầu đưa nghệ thuật múa rối nước độc đáo của cha ông từ phía Bắc về Bến Tre là nghệ nhân Nguyễn Tiến Hòa (sinh năm 1957, ngụ TP. Bến Tre, tỉnh Bến Tre). Năm 1988, nghệ nhân Tiến Hòa ra tận Hà Nội gặp các nghệ nhân nổi tiếng ở đây để học cách biểu diễn, chế tác con rối, viết kịch bản…
Sau đó, ông về Bến Tre phát triển đoàn múa rối nước nhưng chỉ khoảng vài năm phải giải thể vì nhiều lý do khác nhau. Năm 2019, trong một lần ngồi uống trà, nghệ nhân Tiến Hòa kể cho anh Phạm Tấn Vũ, sinh năm 1990 (cán bộ Bảo tàng tỉnh Bến Tre) nghe câu chuyện nghệ thuật múa rối nước từng xuất hiện ở Bến Tre.
Anh Vũ rất muốn hồi sinh nghệ thuật độc đáo của cha ông để góp phần giữ gìn và phát huy các giá trị di sản văn hóa của dân tộc đến với khán giả. Trong đó, có đối tượng là các em thiếu nhi, học sinh và khách du lịch khi đến tỉnh.
Nghệ nhân Tiến Hòa cho biết: “Lúc đó tôi cứ tưởng nghệ thuật múa rối nước độc đáo của cha ông chẳng bao giờ xuất hiện ở tỉnh nên khi nghe Vũ gợi ý sẽ đầu tư để khôi phục lại nên tôi nhận lời ngay.
Sau khi đặt mua 30 con rối từ Hà Nội về, tôi chịu trách nhiệm huy động anh em yêu nghệ thuật múa rối nước để dạy cách biểu diễn và kiêm luôn nhiều việc như: cố vấn, viết kịch bản, dựng sân khấu, chế tác con rối…”.
Năm 2019, Đoàn nghệ thuật Múa rối nước Dừa Xanh ra đời và duy trì hoạt động cho đến nay. Trải qua hơn 4 năm hoạt động, đoàn đã phục vụ hơn 50 ngàn lượt khách.
Các hoạt động, địa điểm phục vụ tiêu biểu như: Sắc xuân trên phố (TP. Cần Thơ); Lễ kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng (An Giang); Lễ hội Đường phố (Tiền Giang); Lễ kỷ niệm 200 năm Ngày sinh, ngày mất Danh nhân Văn hóa Nguyễn Đình Chiểu (Bến Tre).
Ngoài ra, đoàn còn phục vụ tại các trường học trên địa bàn tỉnh, Tiền Giang, Cần Thơ, An Giang… và các khu du lịch trên địa bàn tỉnh. Khách du lịch và học sinh rất thích khi xem biểu diễn múa rối nước.
Em Nguyễn Kim Thư, học sinh lớp 6 (ngụ TP. Bến Tre) cho biết: “Cháu đã 3 lần được cha mẹ dẫn đi xem nghệ thuật múa rối nước rất độc đáo vào dịp lễ. Nhiều bạn đi xem chung ai cũng thích vì rất lạ mắt và được ngắm các con rối thật trên sân khấu chứ không phải xem qua màn ảnh ti vi như trước đây”.
Giữ gìn nghệ thuật múa rối nước
Các nghệ nhân, diễn viên đến với đoàn chủ yếu vì đam mê và hầu hết đều làm nghề khác để mưu sinh. Diễn viên Hồ Văn Bươn, sinh năm 1960, trước đây từng là diễn viên kịch cho biết: “Khi được anh Hòa mời về đoàn, tôi nhận lời đảm nhiệm công việc lồng tiếng, phụ trách âm thanh, chủ yếu mang niềm vui cho trẻ con chứ thu nhập chẳng được bao nhiêu.
Hiện tại, mỗi diễn viên diễn 1 suất khoảng 60 phút nhận thù lao 500 ngàn đồng bao gồm cả việc dàn dựng, tháo lắp sân khấu và biểu diễn...”.
Diễn viên Lê Thanh Hải, sinh năm 2002, chia sẻ: “Nghề nghiệp chính của tôi là tài xế nhưng vì đam mê nên tham gia học nghề biểu diễn múa rối nước từ năm 2019 đến nay.
Hiện tại, mỗi tháng chỉ diễn vài suất, mỗi suất vài trăm ngàn nên anh em diễn viên đều có nghề khác để mưu sinh, khi có sự kiện lớn hay đơn vị nào mời sẽ tập hợp lại để biểu diễn”.
Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn về kinh phí để duy trì hoạt động nhưng anh em trong đoàn luôn quyết tâm giữ gìn nghệ thuật độc đáo của cha ông.
Anh Phạm Tấn Vũ - Quản lý Đoàn nghệ thuật Múa rối nước Dừa Xanh cho biết: “Hiện đoàn có 2 đội biểu diễn với tổng số là 16 diễn viên với rất nhiều ngành nghề như: giáo viên, kỹ sư, tài xế, nhân viên bán hàng, cán bộ về hưu…
Trong đó, nhiều bạn trẻ chỉ mới tuổi đôi mươi nhưng rất nhiệt huyết muốn bảo tồn nghệ thuật múa rối nước”.
Để làm mới các vở diễn mang đặc trưng của vùng đất Bến Tre cũng như các tỉnh Nam Bộ, nghệ nhân Tiến Hòa đã dàn dựng nhiều kịch bản với những câu hò, điệu lý gần gũi đời sống hàng ngày của người dân địa phương.
Nghệ nhân Tiến Hòa cho biết: “Hồn cốt của nghệ thuật múa rối nước là trên cơ sở nền tảng các vở diễn từ múa rối nước ở miền Bắc.
Tuy nhiên, có nhiều biến tấu để phù hợp với đời sống của người dân địa phương. Chẳng hạn múa rối nước ngoài Bắc có “Chú Tễu” thì tôi thay bằng nhân vật “Ba Phì” để gắn liền với đời sống sông nước của người đi khai hoang, lập ấp.
Chất liệu làm con rối là cây sung nhưng ở Bến Tre không có nên tôi thay thế bằng bây quao cũng nhẹ, dễ chế tác thành hình ảnh như cây sung…
Trong đó, các em thiếu nhi rất thích các vở diễn như: Sự tích Chú Cuội, Thánh Gióng, Sự tích Táo quân, trích đoạn Lục Vân Tiên đánh Phong Lai cứu Nguyệt Nga (trong tác phẩm nổi tiếng Lục Vân Tiên)… mang đặc trưng riêng của xứ Dừa”.
Mặc dù còn gặp rất nhiều khó khăn nhưng các nghệ nhân, diễn viên luôn tìm tòi, sáng tạo những kịch bản mới để mang đến cho du khách, các em thiếu nhi những trải nghiệm thú vị, độc đáo. Từ đó, góp phần bảo tồn, gìn giữ nét văn hóa độc đáo của dân tộc.
Hiện tại, đoàn được 2 điểm du lịch tại địa phương đặt hàng để khi khách du lịch có nhu cầu sẽ đến biểu diễn. Ngoài ra, không chỉ ở Bến Tre, các tỉnh trong khu vực biết tiếng cũng thường xuyên mời đoàn đến biểu diễn trong các dịp lễ hội hay cho học sinh xem trải nghiệm. Trong thời gian tới, đoàn sẽ biểu diễn phục vụ tại các tỉnh: Lễ hội Ok Om Bok tại tỉnh Trà Vinh và Kiên Giang; Lễ kỷ niệm 94 năm Ngày mất cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc tại Đồng Tháp và lễ hội Sắc xuân trên phố tại TP. Cần Thơ. |
Theo Thành Châu (Báo Đồng Khởi)