Cuối mùa nước nổi, hoạt động đánh bắt cá tôm thưa dần. Trên những nẻo đường quê ở An Giang lại rộn ràng mùa làm khô, làm mắm. Có nhà chỉ vỏn vẹn vài rổ trước sân, còn những hộ chuyên làm để kinh doanh thì đầy ắp đủ loại phơi kín lối trước, ngõ sau… dậy lên cái mùi mặn mòi đặc trưng.
Cuối mùa nước nổi, hoạt động đánh bắt cá tôm thưa dần. Trên những nẻo đường quê ở An Giang lại rộn ràng mùa làm khô, làm mắm. Có nhà chỉ vỏn vẹn vài rổ trước sân, còn những hộ chuyên làm để kinh doanh thì đầy ắp đủ loại phơi kín lối trước, ngõ sau… dậy lên cái mùi mặn mòi đặc trưng.
Ở vùng đầu nguồn, cá nước ngọt rất dồi dào, nên loại nào cũng được tận dụng chế biến làm khô. Từ cá lóc, cá sặc rằn, cá chạch, cá trèn, đến cá chốt, cá bống, cá lìm kìm, khô nhái…
Chỉ dạo quanh khu vực chợ Tân An (xã Tân An, TX. Tân Châu) cũng có đến chục hộ làm khô. Nguồn cá thiên nhiên khai thác chủ yếu trong mùa nước nổi, phải tranh thủ gom mua thật nhiều để làm khô trữ bán. Qua thời điểm này, số lượng cá đồng, cá sông còn rất ít, phải mua từ Campchia.
Cá tươi đem về được xử lý ngay tại chỗ, sau khi tẩm ướp, phơi 1 nắng, 2 nắng, 3 nắng… theo nhu cầu của khách hàng sẽ bảo quản trong tủ đông.
Cá khô muốn ngon phải nhờ những ngày nắng tốt, quan trọng trước khi chế biến cần ướp cá tươi trong đá lạnh để thịt săn lại, khử bớt mùi tanh và rửa thật sạch qua nhiều nước. Ngày nay, ngoài tiện lợi có tủ đông, khô làm xong có máy hút chân không, đóng gói sạch sẽ, dễ dàng vận chuyển đi xa.
“Con khô phải bảo quản ngon, chất lượng. Khẩu vị bây giờ cũng thay đổi hơn trước, thịt cá ướp vừa ăn, không quá mặn, phơi đủ nắng giữ lại độ dẻo, thịt dày… nhờ vậy gia đình tôi mới được nhiều bạn hàng đặt mua khắp trong và ngoài tỉnh” – bà Phan Kim Đời, một trong những hộ sản xuất cá khô “có tiếng” ở xã đầu nguồn chia sẻ.
Trong những ngày mưa dầm, hay những bữa bận rộn không kịp ra chợ, có sẵn mấy con khô trong nhà là đủ biến tấu bữa ăn ngon lành. Cũng như cá tươi, con cá khô có thể chiên, nấu canh chua, nướng, trộn gỏi, ram với nước sốt cay cay ngọt ngọt…
Món cá khô ra đời từ sự dư thừa sản vật của miền sông nước. Theo thời gian, loại thực phẩm dự trữ ở gác bếp thông thường giờ đã trở thành “món ruột” không thể thiếu trong bữa ăn mọi gia đình. Cá khô cũng trở thành đặc sản, được những người dân miền Tây chọn làm quà để dành tặng bạn phương xa thể hiện lòng thơm thảo, hiếu khách.
Theo Mỹ Hạnh (Báo An Giang)