Thong dong "thưởng thức" chợ mắm Châu Đốc

05:11, 06/11/2023

Chợ Châu Đốc còn có cách gọi khác là "chợ mắm", nét độc đáo của ngôi chợ miền Tây với sản phẩm đặc trưng, là mắm! Hàng trăm loại mắm trứ danh nói lên sự phong phú của vùng đất với đa dạng các loài cá cua, tôm tép… mà hễ nhắc đến ai cũng "bắt thèm". 
 

Du khách như lạc vào “thiên đường” mắm vô cùng “bắt ghiền”, khó cầm lòng đậu nên phải mua “vài thứ” mang về.
Du khách như lạc vào “thiên đường” mắm vô cùng “bắt ghiền”, khó cầm lòng đậu nên phải mua “vài thứ” mang về.
Chợ Châu Đốc còn có cách gọi khác là “chợ mắm”, nét độc đáo của ngôi chợ miền Tây với sản phẩm đặc trưng, là mắm! Hàng trăm loại mắm trứ danh nói lên sự phong phú của vùng đất với đa dạng các loài cá cua, tôm tép… mà hễ nhắc đến ai cũng “bắt thèm”. 
 
Chúng tôi ghé chợ mắm Châu Đốc không phải ngày cuối tuần, trùng dịp lễ hội nên chợ khá vắng, nhờ vậy mà thưởng thức được trọn vẹn mùi vị rất đặc trưng ngôi chợ nổi tiếng bậc nhất miền Tây này.
 
Chợ mắm gắn với nghề làm mắm và thương hiệu mắm ở An Giang 
 
An Giang là tỉnh nằm ở đầu nguồn sông Cửu Long, giữa hai con sông Tiền, sông Hậu và rất nhiều sông nhỏ, kênh rạch… nên nguồn cá tự nhiên phong phú. Đây là nguồn nguyên liệu dồi dào cho người dân làm mắm tạo nên nghề làm mắm lâu đời. An Giang có trên 200 loài cá, trong đó các loài cá phổ biến được chế biến mắm như cá lóc, cá linh, cá chốt, cá sặt, cá trèn, cá mè vinh… Nghề mắm đã tạo nên thương hiệu riêng cho vùng đất này. 
 
Theo ông Võ Thanh Trí (xã Vĩnh Lộc, huyện An Phú), vào mùa nước nổi người dân thường dùng dớn, lưới, lọp… bắt cá trên cánh đồng nước mênh mông. Nhiều nhất là cá linh “đổ dớn rất chạy”, nên ở xứ này nhà nào cũng có năm bảy đến vài chục cái lu sành ủ mắm cá linh.
 
“Các loại cá như cá linh, cá sặt, cá chốt, cá trèn, cá thiểu, cá heo… nhiều xương, ít ai ăn nên được ủ làm nước chấm, làm mắm sống để dự trữ ăn dần. Hồi trước, có người làm mắm bán nhỏ lẻ hoặc để tặng người thân xa xứ. Theo thời gian mắm An Giang được người dân trong và ngoài tỉnh ưa chuộng nên xuất hiện các cơ sở chế biến công phu hơn, có bí quyết ướp mắm riêng. Từ đó, hình thành nghề làm mắm và thương hiệu mắm độc đáo”- ông Trí nói. 
 
An Giang có hàng trăm người sống bằng nghề mắm, có thương hiệu mắm cá theo từng vùng, như huyện Tri Tôn có mắm cá chốt của bà “Tư chín ngón”, hay mắm các loại của cô Tư Ấu tại TP Châu Đốc, TX Tân Châu có món mắm cá mè vinh nổi tiếng. Tại Tân Châu có rất nhiều cơ sở chế biến mắm nhưng món chủ lực vẫn là mắm cá mè vinh.
 
Có nhiều nơi làm mắm cá mè vinh nhưng nói đến mắm mè vinh thì không nơi nào ở miền Tây ngon bằng Tân Châu. Theo Phòng Kinh tế TP Châu Đốc, chỉ riêng tại Châu Đốc, mỗi năm sản xuất hàng trăm ngàn tấn mắm cá các loại.
 
Các cơ sở chế biến mắm tập trung ở phường Núi Sam, phường Châu Phú A, TP Châu Đốc tạo nên “chợ mắm” nổi tiếng. Châu Đốc có các thương hiệu mắm nổi tiếng như mắm Bà Giáo Khỏe, Bà Giáo Thảo, Cô Tư Ấu, Bà Giáo Thắm… Chủ cơ sở mắm Bà Giáo Khỏe 55555 cho biết, làng mắm sôi động nhất từ tháng 12 dương lịch cho đến hết tháng 7 năm sau do lúc này du khách các nơi nườm nượp kéo về Châu Đốc vui chơi, giải trí, đi hành hương.
 
Chợ Châu Đốc hiện đại 
 
Đến chợ trung tâm TP Châu Đốc hôm nay, du khách nhận thấy được diện mạo mới ở khu chợ trung tâm thành phố du lịch khang trang, thông thoáng, hiện đại hơn. 
 
Theo UBND TP Châu Đốc, thành phố đã và đang tập trung kiến thiết nhằm đạt được mục tiêu Châu Đốc là đô thị du lịch văn minh, hiện đại; từng bước trở thành một trong những trung tâm lớn của tỉnh trên lĩnh vực; đầu mối giao thông của tỉnh và khu vực, thúc đẩy sự phát triển kinh tế- xã hội vùng biên giới. Chợ trung tâm Châu Đốc bố trí các sạp buôn bán theo các tuyến đường: Trần Hưng Đạo, Lê Công Thành, Phan Đình Phùng, Chi Lăng, Bạch Đằng, Đống Đa. TP Châu Đốc đã xây dựng bờ kè sông Châu Đốc kết hợp xây dựng chợ cá mới.
 
Theo Ban Quản lý chợ Châu Đốc, cùng với chính quyền địa phương, bà con tiểu thương đang chung tay tạo diện mạo của thành phố xứng tầm đô thị loại II, chợ Châu Đốc ngày càng xanh sạch đẹp, văn minh đô thị. Cùng với chủ trương di dời, xây dựng khu chợ mới, bố trí bà con tiểu thương và sắp xếp lại từng khu vực kinh doanh ổn định, nhận được sự đồng thuận cao của bà con tiểu thương. 
 
Bà Lê Thị Thanh- hiệu mắm Ngọc Thanh, cho biết: “Trước đây tôi ngồi bán mắm lề đường cho khách hành hương. Khi vô chợ mới lô sạp đẹp, có thứ tự, dần khách đã quen điểm bán ở khu chợ mới. Từ khi đường thông thoáng, khách đến chợ đông vui hơn, các cửa hàng mở cửa khuya hơn.
 
Bà con mừng lắm”. Gần đó, sạp hàng của chị Bé Hai Kiệt như một tiệm tạp hóa thu nhỏ, chị mời khách “mua giùm em đi” với đủ loại nước chấm, còn có Tương Sư Cô nổi tiếng, bánh tráng trộn, hành phi, tỏi phi, dưa kiệu, ngó sen, cà pháo… chỉ cần thêm một tô cơm trắng là có thể no căng bụng. 
Bài, ảnh: YÊN HƯƠNG 
 
 
Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh