Kỳ cuối: Chuyện không của riêng Đồng Tháp Mười

07:10, 12/10/2023

Mùa nước nổi các loài cá theo về Khu bảo tồn (KBT) đất ngập nước Láng Sen- khu Ramsar thứ 2.227 của thế giới và thứ 7 của Việt Nam, trú ẩn, sinh sản và đồng thời bổ sung thêm nguồn thức ăn cho các loài đang sinh sống tại đây. 

Mùa nước nổi các loài cá theo về Khu bảo tồn (KBT) đất ngập nước Láng Sen- khu Ramsar thứ 2.227 của thế giới và thứ 7 của Việt Nam, trú ẩn, sinh sản và đồng thời bổ sung thêm nguồn thức ăn cho các loài đang sinh sống tại đây.
 
Đó là một quy luật tự nhiên đến hẹn lại lên, nhưng đang tiềm ẩn nhiều mối nguy, trong đó có việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi “phá rào” quy hoạch tác động đến môi trường sinh thái. 
Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen là “ngôi nhà” của nhiều loài thực vật, chim, cò, cá… quý.
Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen là “ngôi nhà” của nhiều loài thực vật, chim, cò, cá… quý.
“Thành phố công nghiệp tôm” 
 
Ở Đồng Tháp Mười hôm nay, mùa nước nổi dữ hay hiền, lên đồng nhiều hay ít, có lẽ không còn là quan tâm lớn của người dân. Trong ô đê bao khép kín, việc lên liếp trồng cây ăn trái hay đào ao nuôi cá tra, cá lóc… đã không còn xa lạ.
 
Nhưng khiến chúng tôi bất ngờ nhất khi qua QL62 thuộc xã Tân Lập (huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An) hoặc theo ĐT819 dọc Kênh 79, chính là các ruộng tôm hiện đại và quy mô không khác gì “thành phố công nghiệp tôm”. Nuôi tôm vốn là thế mạnh của các vùng biển duyên hải. 
 
Tìm hiểu “lịch sử” được biết vào năm 2016, vài hộ dân ở xã Tân Lập đào ao trên đất trồng lúa để nuôi tôm thẻ chân trắng, chỉ 2ha. Mặc dù vùng Đồng Tháp Mười (tỉnh Long An) là vùng nước ngọt, nhưng người dân đã “hóa giải” bằng cách khoan giếng khai thác nguồn nước mặn tại chỗ, bổ sung muối vào ao nuôi.
“Thành phố công nghiệp tôm” bên ĐT819, được đầu tư hạ tầng, trang thiết bị hiện đại.
“Thành phố công nghiệp tôm” bên ĐT819, được đầu tư hạ tầng, trang thiết bị hiện đại.
 
Vậy mà thắng lớn, lợi nhuận nuôi tôm gấp nhiều lần so với trồng lúa. Phong trào đào đất trồng lúa nuôi tôm từ đó vượt khỏi phạm vi huyện Mộc Hóa và lan ra các huyện Tân Hưng, Tân Thạnh, Thạnh Hóa và TX Kiến Tường. 
 
Không chỉ chính quyền địa phương lo ngại, mà các nhà khoa học cũng khuyến cáo “việc đưa tôm thẻ chân trắng vào nuôi ở vùng nước ngọt hoàn toàn không phù hợp”. Bởi vùng Đồng Tháp Mười là vùng sinh thái nước ngọt chỉ trồng lúa và một số hoa màu. Dưới tầng sâu của khu vực này không phải là nước mặn mà là nước bị nhiễm mặn (nước lợ), khi người dân khoan giếng lấy nước lên không đủ mặn sẽ pha thêm muối.
 
Về lâu dài, tài nguyên đất đai và nước của khu vực chắc chắn sẽ bị suy thoái nghiêm trọng, phá vỡ hệ sinh thái. Năm 2020, Hội thảo khoa học về nuôi tôm thẻ chân trắng vùng Đồng Tháp Mười tại huyện Mộc Hóa từng đánh giá: Nuôi tôm tác động tiêu cực đến mạch nước ngầm do khai thác quá mức, gây thiếu nước vào mùa khô, sụt lún đất đai. Hơn nữa, việc xả thải, thẩm thấu nước nhiễm mặn từ các ao nuôi ra môi trường bên ngoài gây nhiễm mặn cho vùng nước ngọt, ảnh hưởng đến sản xuất lúa và các cây trồng khác. 
 
Trong khi đó, diện tích nuôi tôm không ngừng tăng, đến nay tổng diện tích nuôi tôm tại Đồng Tháp Mười khoảng 350ha. Sở Nông nghiệp-PTNT tỉnh Long An cho biết: Không có chủ trương cho người dân chuyển đổi nuôi tôm trên khu vực Đồng Tháp Mười vì nơi đây là hệ sinh thái nước ngọt. Các ngành chức năng địa phương kiên quyết xử lý không để phát sinh diện tích nuôi mới. 
 
Rõ ràng việc “phá rào” chuyển đổi tự phát, không theo quy hoạch không chỉ làm khó khăn cho ngành quản lý, mà các tác hại về môi trường cũng đã được tính tới.
 
Ngành nông nghiệp Long An từng kiến nghị đề xuất để giải quyết bài toán về mặn, ngọt. Năm 2021, trước việc chuyển đổi ồ ạt từ đất lúa sang nuôi tôm, ngành chức năng đã khoanh vùng, đánh giá theo dõi tình hình nuôi tôm tác động đến môi trường nước. Qua 2 năm theo dõi cho thấy, nước thải nuôi tôm xả ra bên ngoài có một phần ảnh hưởng môi trường. Song, để xác định rõ nguyên nhân, phải tiếp tục theo dõi. 
 
Láng Sen tìm lối đi hài hòa và thích ứng
 
Để tìm hiểu thêm những tác động đến môi trường nước, chúng tôi tìm đến KBT đất ngập nước Láng Sen nằm dọc tuyến Kênh 79 và được “bao bọc” bởi hoạt động sản xuất nông nghiệp vô cùng sôi động bên ngoài.
 
Ông Trương Thanh Sơn- Giám đốc KBT đất ngập nước Láng Sen, cho biết: “Trong thời gian qua, KBT đã cảm nhận và bị tác động rõ ràng từ biến đổi khí hậu, thời tiết thay đổi và cực đoan xuất hiện nhiều hơn. Đặc biệt là đợt hạn hán lịch sử năm 2016, năm 2020, hay mưa trái mùa ở những năm qua xuất hiện nhiều hơn, nước lũ hàng năm về ít, ảnh hưởng đến các sinh cảnh và loài đang trú ngụ tại KBT. Có thể có nhiều nguyên nhân ảnh hưởng trực tiếp đến công tác bảo tồn, gìn giữ giá trị sinh thái nơi đây”.
 
KBT đất ngập nước Láng Sen (nằm trên địa bàn 3 xã Vĩnh Lợi, Vĩnh Đại và Vĩnh Châu A, huyện Tân Hưng), với diện tích gần 2.000ha.
Nhân viên Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen tuần tra bảo vệ khu bảo tồn vào ban đêm.
Nhân viên Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen tuần tra bảo vệ khu bảo tồn vào ban đêm.
 
Trong khi nguồn cá tôm bên ngoài đang ngày càng cạn kiệt, thì ở Láng Sen, “đàn cá lóc bông ngày một lớn và sinh sôi, đàn cá nhiều con bự trảng, có con bự hơn chục ký”- anh Võ Văn Đẹp- nhân viên bảo vệ KBT, nói và trăn trở: “Tui gắn bó ở đây hơn 20 năm, nhận thấy nguồn nước hàng năm thay đổi nhiều. Nhiều năm mùa nước nổi cao 2-3m, có năm nước lớn, nước nhỏ. Nhưng năm nay nước ít, cá trên kênh, sông càng hiếm”. Do vậy, nhiệm vụ bảo vệ các loài chim, cá nước ngọt sinh sống ở KBT khỏi sự “dòm ngó”, xâm nhập KBT đánh bắt, đối với anh Đẹp “càng nặng nề, trách nhiệm hơn”. 
 
Theo Ban Quản lý KBT đất ngập nước Láng Sen, đặc trưng hệ sinh thái vùng đất ngập nước Láng Sen bao gồm: rừng tràm, ruộng lúa, đồng cỏ ngập nước theo mùa, thảm thực vật thân gỗ, dây leo chịu ngập, bãi lầy ven sông… phong phú các loài thực vật, nhiều nhất là các loài sen, súng, năn ngọt, lúa ma, cỏ ống, lục bình, rau dừa... Khoảng 148 loài với hơn 20.000 cá thể chim nước trú ngụ. Riêng vùng lõi KBT đất ngập nước Láng Sen có 12 tiểu khu được bao bọc bởi sông Vàm Cỏ Tây và tách biệt với khu dân cư.
 
Trước tác động của biến đổi khí hậu, theo ông Trương Thanh Sơn, KBT đã đưa ra nhiều giải pháp cụ thể nhằm bảo tồn, gìn giữ giá trị sinh thái. Hàng năm nhân giống và trồng các loài cây bản địa như gáo, cà na, lộc vừng, bứa, tre gai… Thường xuyên chăm sóc, quản lý cánh đồng lúa hoang, cánh đồng sen, cánh đồng năn kim là nơi cung cấp thức ăn và trú ngụ của nhiều loài chim nước. Cùng với nâng cao giá trị kinh tế trên vùng đất đa dạng sinh học Láng Sen, KBT đã và đang xây dựng nhiều mô hình hay để tạo sinh kế bền vững cho người dân địa phương.
Rút tơ sen là một trong những dự án tạo sinh kế giúp phát triển kinh tế cho người dân vùng đệm khu bảo tồn.
Rút tơ sen là một trong những dự án tạo sinh kế giúp phát triển kinh tế cho người dân vùng đệm khu bảo tồn.
 
Ông Trương Thanh Sơn cho biết: “Những hộ dân quanh KBT đa số có hoàn cảnh khó khăn, công việc chính là sản xuất nông nghiệp, làm thuê, khai thác nguồn lợi thủy sản. Do vậy, người dân nơi đây thường xuyên xâm nhập trái phép vào KBT nhằm đánh bắt thủy sản và động vật hoang dã, gây ảnh hưởng đến công tác bảo tồn.
 
Thời gian qua, Ban Quản lý KBT phối hợp với Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) tiếp tục hoạt động 9 nhóm cộng đồng bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, điều tra đa dạng sinh học, thực hiện các mô hình sinh kế.
 
Trong đó có các mô hình nuôi thủy sản mùa lũ như cá sặt rằn, cá rô, cá lóc,… trồng lúa thích ứng với biến đổi khí hậu. Hay như phối hợp Liên minh Quốc tế bảo tồn thiên nhiên và tài nguyên thiên nhiên (IUCN) thực hiện các mô hình sinh kế về trồng sen ngó, sen gương; trồng lúa mùa nổi; tổ chức lớp tập huấn kỹ thuật rút tơ sen nhằm phát triển kinh tế người dân vùng đệm”.
Định hướng phát triển du lịch sinh thái
Ông Trương Thanh Sơn: Bảo tồn hệ sinh thái đất ngập nước bằng cách định hướng phát triển chương trình du lịch hợp lý, không ảnh hưởng đến các loài động- thực vật, sinh cảnh, môi trường và hoạt động PCCC. Phối hợp với các đơn vị liên quan và địa phương xử lý các vụ vi phạm đánh bắt thủy sản và động vật hoang dã, bảo vệ đa dạng sinh học; nhất là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học tới mọi tầng lớp Nhân dân địa phương để quản lý, bảo vệ toàn diện Khu Ramsar Láng Sen.
Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC
Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh