Mùa lũ năm nay được cho là "tương đối hiền", nước đã lên đồng nhưng thấp. Hơn nữa, con nước ở đồng bằng đang ngày càng diễn biến bất thường hơn và kéo theo nhiều bất lợi cả trước mắt cũng như lâu dài.
Đầu tháng 10/2023, trong khi các đô thị lớn ở hạ nguồn sông Cửu Long như TP Vĩnh Long, TP Cần Thơ… ngập lút do triều cường lên cao và người dân thành thị phải chật vật tìm mọi cách để ứng phó. Thì tại 3 xã bờ Đông (Vĩnh Hậu, Vĩnh Lộc, Phú Hữu, huyện An Phú, tỉnh An Giang) và một số khu vực biên giới thượng nguồn sông Mekong thuộc tỉnh Đồng Tháp, Long An lại gần như… đói lũ.
Mùa lũ năm nay được cho là “tương đối hiền”, nước đã lên đồng nhưng thấp. Hơn nữa, con nước ở đồng bằng đang ngày càng diễn biến bất thường hơn và kéo theo nhiều bất lợi cả trước mắt cũng như lâu dài.
Từ chuyến ký sự này, chúng tôi phản ánh thực tế sản xuất và đời sống người dân mùa nước nổi, với niềm vui sản xuất được mùa được giá lẫn nhiều đau đáu, trăn trở.
Kỳ 1: Nước lên “cá tép mặc sức mà ăn”!
|
Làng bè mùa nước nổi ở TX Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp). |
Câu nói từng là hãnh diện của người dân vùng Tứ giác Long Xuyên, Đồng Tháp Mười gợi nhớ những mùa “lũ đẹp” thiên nhiên hào phóng ban tặng đầy ắp sản vật theo mùa nước nổi về, nhưng những năm gần đây lại cảm thán, nuối tiếc nhiều hơn.
Mùa nước nổi ở 3 xã bờ Đông
Ngày cuối tháng 9, từ TT An Phú phía bờ Tây, chúng tôi lên phà qua 3 xã bờ Đông thuộc huyện An Phú (An Giang) tìm mùa nước nổi.
Ông Phùng Thế Vinh- Trưởng Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện, cho biết: “3 xã bờ Đông sông Hậu hiện được Trung ương, tỉnh đầu tư Dự án Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững ĐBSCL (Dự án WB9), trong đó có đầu tư hệ thống đập tràn bê tông kiên cố, có cao trình không vượt lũ (so đỉnh lũ năm 2000). Đây là vùng được tỉnh quy hoạch, điều tiết lũ từ phía thượng nguồn đối với các khu vực hạ lưu nói chung”.
Tại 3 xã bờ Đông, theo ông Vinh “việc sản xuất 3 vụ chưa đủ đảm bảo an toàn”, nên hiện nay vẫn sản xuất lúa 2 vụ/năm và là một trong những khu vực khá hiếm hoi ở ĐBSCL hàng năm có mùa nước nổi “thoái mái” tràn đồng.
Ông Vinh cho biết: “Lũ năm nay ở An Phú tương đối hiền, đến thời điểm hiện nay hầu như nước đã lên đồng và ngập toàn bộ, tuy thấp hơn năm 2022 so cùng thời điểm, nhưng cũng có khả năng vệ sinh đồng ruộng”.
Trong khi đó, hầu hết các khu vực khác sản xuất lúa ở các tỉnh ĐBSCL dường như đã “quên” mùa nước nổi, hoặc “xả lũ có kiểm soát” theo kế hoạch 3 năm 8 vụ và việc xả lũ đối với người dân như là một sự kiện khá lạ. Báo An Giang đưa tin (ngày 11/9): An Phú xả lũ hơn 1.200ha ở tiểu vùng Bắc mương Tám Sớm và mô tả “đông đảo người dân chứng kiến mở cống xả nước vào ruộng”.
Theo bài báo, việc xả lũ có kiểm soát mực nước, nên không ảnh hưởng nhiều đến vườn cây ăn trái. Mặt khác, khi nước vào ruộng sẽ giúp cải tạo đất, vệ sinh đồng ruộng, hạn chế sâu bệnh gây hại, giúp nông dân sản xuất hiệu quả hơn.
Tại khu vực cầu kênh Vĩnh Lợi, nhiều ghe xuồng đã cắm sào bên bờ ruộng, họ đem theo ngư cụ khai thác cá tôm mùa mước nổi. Nước đã tràn đồng, nhưng còn ít, nên người dân “chưa bung hết lưới”.
Xế trưa trong tiếng gà gáy, cục ta cục tác vang vang từ xóm nhà chân cột cao lênh khênh, chú Tư Sang chống vỏ lãi ra thăm đồng thăm dớn, bảo: “Năm rồi nước rằm tháng 8 âl ngập cả đập tràn. Còn năm nay nước chỉ ngang lưng quần…”.
Đối với người dân “ở đây từ nhỏ tới già” như chú Tư Sang, nước lên như vậy là “chưa nổi”. Những năm “nước lớn cá tép mặc sức mà ăn”- chú Tư Sang nói rồi trầm tư, năm nay “chỉ đủ ăn, hổng có bán đâu”. Chú đặt 2 luồng dớn, cách ngày “cá chạy” được 5-6kg, mớ để lặt ăn, còn mớ dành đem ủ mắm cá linh.
Ở đây nhà nào cũng có đến cả chục cái lu sành tự ủ nước mắm để ăn dần. Mà “hổng thấy nước nôi gì, cá mắm ít”, chú Tư Sang có thời gian cắt cỏ chăm 2 con bò, khi nước lên cao nữa thì đã có rơm khô trữ sẵn cho bò ăn.
|
Chú Tư Sang thăm dớn cá trên cánh đồng 3 xã bờ Đông (thuộc huyện An Phú, tỉnh An Giang). |
Việc chuyển hướng làm ăn, bổ sung nguồn thu nhập cho gia đình không chỉ được người dân linh hoạt, chủ động; chính quyền địa phương cũng tìm hướng tạo sinh kế khác cho bà con nhàn rỗi khi lũ lên.
Tính sinh kế lâu dài
Trao đổi với chúng tôi, ông Võ Thanh Trí- cán bộ nông nghiệp xã Vĩnh Lộc, cho biết năm nay UBND xã tiếp tục hỗ trợ hộ dân Diệp Ngọc Thanh- ấp Vĩnh Phước, thực hiện mô hình trồng nấm bào ngư, với quy mô 10.000-12.000 bịch meo trên diện tích 150m2. Sau thời gian 4 tháng thu hoạch khoảng 3 tấn, giá bán 35.000-47.000 đ/kg, trừ các chi phí còn lời 25-30 triệu đồng/vụ.
Mô hình bước đầu mang lại hiệu quả, giúp nông dân cải thiện thu nhập, tận dụng được thời gian nước ngập đồng. “Tương lai nhân rộng mô hình này cho các hộ có thêm việc làm, tạo điều kiện cải thiện đời sống”- ông Trí nói.
|
Mô hình trồng nấm bào ngư tạo sinh kế cho người dân xã Vĩnh Lộc (huyện An Phú, tỉnh An Giang) mùa lũ lên. |
Từ chuyện chuyển đổi làm ăn, quay sang câu chuyện mùa nước nổi, ông Trí bảo: “Những năm gần đây, nước không còn đi theo chu kỳ mà rất bất thường. Có năm khô rang”. Thông thường mùa nước nổi ở 3 xã bờ Đông lên từ từ đầu tháng 9, lưu lại trên đồng và rút nhẹ nhàng đến đầu tháng 11, nên theo con nước, lịch xuống giống vụ Đông Xuân dao động từ sau giữa tháng 11.
Trong khi đó, “năm 2022 lũ cao hơn cả năm 2018, 2019 và 2020, năm 2021 nước lên không được nhiều. Nhưng năm 2022, nước về cuồn cuộn ngập cả tuyến đập tràn (Phú Hữu, Phú Lộc, Vĩnh Lộc). Mà nước lên rất nhanh, nhưng cũng rút xuống “cái rột” chỉ trong 20-25 ngày. Còn năm nay thì nước đã vô đồng. Mực nước thấp chưa bằng năm rồi. Bà con trông chờ con nước sẽ nhích lên đợt đầu tháng 9 âl tới, nhờ mưa tăng cường và các nước đầu nguồn xả lũ…”- ông Trí phân tích những “bất thường”.
Vì gắn bó cây lúa là chính, nên “nước nhiều, nước ít” có tác động không nhỏ đến năng suất, chi phí sản xuất của bà con. Theo ông Trí, xã Vĩnh Lộc có tổng diện tích hơn 1.133ha, trong đó phần lớn diện tích làm lúa, hơn 100ha trồng màu theo mùa hoặc thị trường chủ yếu là bắp và chỉ 4ha trồng cà na.
Vụ Đông Xuân 2022-2023, lúa được mùa được giá, năng suất đạt 8-8,5 tấn/ha, cá biệt 9 tấn/ha. Vụ Hè Thu vừa qua, năng suất cũng cao hơn vụ năm trước cả tấn/ha, đạt 6,2-6,8 tấn/ha, cá biệt 7 tấn/ha… cộng với giá cao bà con rất phấn khởi.
Chúng tôi hỏi vì sao đạt năng suất cao vậy? Ông Trí liệt kê rất nhiều yếu tố: về giống được cải thiện, nông dân sử dụng giống xác nhận, mật độ sạ thưa, áp dụng các biện pháp tiến bộ khoa học kỹ thuật mới.
Trong đó rất nhiều cái lợi đồng ruộng được tận hưởng từ “nước lũ tràn đồng, cải thiện hữu cơ, tăng lượng phù sa, nguồn nước còn đào thải các độc tố, mầm sâu bệnh trong đất…”- ông Trí phân tích. Và ngược lại, nước về thấp thì chi phí sản xuất lúa sẽ tăng cao, nhiều sâu bệnh gây hại, năng suất thấp…
Mực nước thực đo ngày 4/10/2023 của Trung tâm Khí tượng- Thủy văn An Giang, tại trạm Khánh An (An Phú) 4,03m thấp hơn cùng kỳ năm 2022 là 0,29m, so trung bình nhiều năm thấp hơn 0,28m.
Theo ông Phùng Thế Vinh, hiện nay mực nước trên đồng tuy thấp hơn so cùng kỳ. Tuy nhiên người dân vẫn làm sinh kế để đáp ứng cho cuộc sống hàng ngày như đánh bắt thủy sản, hái rau (rau muống và các loại thủy sinh khác…).
Một số người chuyển sang làm cho các cơ sở sản xuất giống cây con tại địa phương, nhằm chuẩn bị cho vụ Đông Xuân tới…
Định hướng của ngành nông nghiệp huyện là tập trung chuyển đổi những diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao hơn. Cụ thể, cây ăn trái (xoài keo, đến nay đã chuyển đổi trên 2.000ha) và tập trung phát triển diện tích ứng dụng công nghệ cao, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất gắn với liên kết sản xuất thông qua HTX.
Ông Phùng Thế Vinh: Phát triển diện tích sản xuất lúa chất lượng cao
Riêng đối với 3 xã bờ Đông sông Hậu bị ngập lũ hàng năm, do đó huyện định hướng phát triển diện tích sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng an toàn sinh học để nâng giá trị sản phẩm, có liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ và từng bước thực hiện liên kết làm vùng nguyên liệu, kêu gọi đầu tư để đáp ứng chỉ tiêu xuất khẩu gạo ở những thị trường khó tính. Ngoài ra, 3 xã bờ Đông được Dự án WB9 hỗ trợ, tập huấn các kỹ thuật sản xuất, các mô hình sinh kế phù hợp với mùa lũ như: Mô hình dẫn dụ cá kết hợp trồng sen, mô hình trồng sen lấy tơ, mô hình lúa mùa nổi kết hợp dẫn dụ cá… đang được huyện khuyến khích thực hiện giúp người dân phát triển kinh tế.
|
Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC
>> Kỳ sau: Lúa xanh Hồng Ngự đến Mộc Hóa