Nước về miền xuôi...

Cập nhật, 05:44, Thứ Năm, 10/08/2023 (GMT+7)
Khi nước về hạ nguồn thì những dòng sông cũng đỏ nặng phù sa.Ảnh: Ngọc Liễu
Khi nước về hạ nguồn thì những dòng sông cũng đỏ nặng phù sa.Ảnh: Ngọc Liễu

(VLO) Từ giữa tháng 7, sông Mekong gia tăng dòng chảy, nước từ thượng lưu đổ nhanh về hạ nguồn. Nước sông Cửu Long trở nên đục ngầu, dâng lên dần. Nước về miền xuôi, về ĐBSCL tạo thành mùa lũ được dân trong vùng gọi bằng cái tên hiền hòa là "mùa nước nổi"…

Lũ về mang nhiều phù sa, thủy sản nước ngọt

Theo Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam, những năm gần đây, mỗi năm, sông Mekong đem về cho ĐBSCL từ 453-455 tỷ m3 nước, cộng với lượng nước nội địa từ 20-22 tỷ m3, hình thành tổng lượng dòng chảy trong vùng 474 tỷ m3 nước (tương ứng với lưu lượng nước khoảng 15.035 m3/giây), trong đó, tổng lượng mùa lũ (từ tháng 6-11) ước đạt 337 tỷ m3 (chiếm 71,1% tổng lượng nước cả năm).

Ở Vĩnh Long, vào tháng 10, lưu lượng lớn nhất tại Mỹ Thuận (sông Tiền) từ 20.000-22.000 m3/giây, tại nhánh Cổ Chiên từ 1.814-19.540 m3/giây và tại Cần Thơ (sông Hậu) lớn nhất từ 21.000-23.000 m3/giây. Tổng lượng nước sông Hậu đổ ra biển khoảng 200 tỷ m3/năm (chiếm 41% tổng lượng nước của sông Mekong).

Nước về miền xuôi chứa nhiều phù sa. Ở giai đoạn từ năm 2000-2003, sông Mekong hàng năm chuyển về cho ĐBSCL khoảng 120-130 triệu tấn phù sa. Hàm lượng phù sa tại Tân Châu và Châu Đốc dao động từ 500-1.000 mg/l và tại các cửa sông vào nội đồng khoảng 200-300 mg/l.

Phù sa được chuyển tải về, một phần bồi lấp cho vùng ngập lụt của đồng bằng, một phần được hệ thống sông, rạch nối sông Tiền, sông Hậu vận chuyển bồi đắp cho vùng đồng bằng ven biển, một phần theo dòng chính các cửa sông ra biển và theo các dòng hải lưu vận chuyển đến các vùng biển ven bờ và từ đó thủy triều lại vận chuyển vào hệ thống kinh, rạch nội đồng vùng ven biển.

Kết quả này giúp cho đồng bằng hàng năm tiến ra biển vài chục đến hàng trăm mét.

Càng về hạ lưu và càng vào nội đồng, hàm lượng phù sa giảm dần và hạt bùn cát tải theo cũng nhỏ dần do mất năng lượng khi vượt qua rào cản của bờ kinh, rạch khúc khuỷu, các cây cỏ, công trình... ven kinh, rạch như đê bao, cống, đập thủy lợi.

Tại Vĩnh Long, hàm lượng phù sa tại các vàm sông dao động từ 98,32-102,09 mg/l, trong nội đồng từ 48,37-82,07 mg/l.

Vùng ven sông Tiền, sông Hậu, mỗi năm phù sa bồi lấp mặt đất dày khoảng từ 5-7cm, vùng sâu trong nội đồng dao động từ 6-7,5cm và khoảng 8,5cm ở quanh vùng giáp nước.

Lũ từ sông Mekong đã tạo ra một “mùa nước nổi” trên diện tích rộng lớn của ĐBSCL, thủy sản nước ngọt, cây thủy sinh thích hợp phát triển.

Các hoạt động nuôi trồng, khai thác thủy sản, trồng cây thủy sinh (rau nhút, rau muống, ấu…) cũng “ăn theo” vào các tháng mùa lũ. Nguồn thủy sản tự nhiên và các loài thủy sinh theo lũ qua kinh, rạch vào đồng sinh sống, sinh sản.

Nước lũ về, lũ vào đồng ngoài tác dụng làm bồi bổ dinh dưỡng cho đất canh tác sau quá trình thâm canh tăng vụ làm cho đất bạc màu còn là dịp để rửa chua phèn, nhiễm mặn cho ruộng, vườn, vệ sinh đồng ruộng sau mùa vụ và là môi trường tốt để các loài thủy sinh sinh sống.

Nước về miền xuôi càng ít dần

Lũ ở ĐBSCL, thống kê trong 60 năm trước năm 2000, bình quân cứ 2 năm thì có một năm lũ vượt báo động cấp 3 (mực nước ở Tân Châu vượt 4,2m).

Tuy nhiên, sau 3 năm lũ lớn 2000-2003 (đỉnh lũ năm lớn hơn 4,5m), quy luật đó dần bị phá vỡ, lũ về đồng bằng có xu hướng là lũ nhỏ, nhiều nơi “khát lũ”.

Theo Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam, trong vòng 20 năm qua, tần suất xảy ra lũ lớn là từ 7-10%, tần suất xảy ra lũ vừa, lũ nhỏ là từ 90-93%, 10-15 năm mới xảy ra một lần lũ lớn.

Nhưng dự báo đến năm 2040, tần suất xảy ra lũ lớn là dưới 1%, tần suất xảy ra lũ vừa, lũ nhỏ là trên 99%, lũ lớn hầu như
không còn.

Nước lũ về hạ lưu sông Mekong càng ít đi do nhiều nguyên nhân như: Xây dựng các dự án, công trình thủy nông, thủy điện ở thượng, trung nguồn sông Mekong càng gia tăng, do tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu- nước biển dâng...

Nước về miền xuôi càng ít nhưng vùng hạ nguồn, trong đó có Vĩnh Long là vùng ảnh hưởng triều. Triều cường gặp lũ thượng nguồn đổ về càng làm cho mực nước sông, rạch dâng cao thêm.

Những dòng sông chính sông Tiền, sông Hậu, sông Cổ Chiên là những bể chứa nước, nước lên cao buộc phải phân lũ, tràn vào những sông, kinh, rạch nhánh nối với sông chính.

Sinh kế của người dân nông thôn Vĩnh Long trong mùa nước nổi.Ảnh: Tư liệu
Sinh kế của người dân nông thôn Vĩnh Long trong mùa nước nổi.Ảnh: Tư liệu

Nhưng nhiều năm qua, thủy lợi khép kín trong vùng ĐBSCL được đầu tư lớn, dòng lũ đã bị chặn đứng ngoài dòng kinh bởi hệ thống đê bao, cống đập đóng kín.

Dòng lũ không vào đồng được, buộc phải dâng cao ở sông ngòi, kinh, rạch ngoài đê bao, dẫn đến cảnh vỡ đê, tràn bờ, ngập nặng ở vùng chưa có đê bao không vững chắc (phần lớn là các đô thị và vùng ven sông chưa có đê bao hoặc không thể làm đê bao).

Cũng theo Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam, lượng lũ giảm, lượng phù sa về đồng bằng giảm hẳn so với trước đây. Từ năm 2003-2018, lượng phù sa về đồng bằng còn từ 35-50 triệu tấn (chiếm 30-40% so với giai đoạn từ năm 2000-2002).

Dự báo từ sau năm 2040, lượng phù sa về đồng bằng hầu như không đáng kể, chỉ còn từ 4-6 triệu tấn (3-4%).

Ở Vĩnh Long, theo báo cáo hiện trạng môi trường tỉnh giai đoạn 2015-2020 (công bố vào đầu tháng 3/2021), lượng phù sa giảm mạnh so với ở những năm trước đó (2010-2015).

Thông số TSS (tổng độ khoáng hóa) có giá trị trung bình dao động từ 28,15-84,33 mg/l. Đặc biệt, vào năm 2021, giá trị TSS tại các điểm quan trắc dao động từ 18,33-85,33 mg/l.

Lũ nhỏ có lợi cho lĩnh vực trồng trọt, nhất là rau màu, lúa vụ Thu Đông, nhưng đang là vấn đề môi trường nghiêm trọng, tác động làm suy giảm hệ sinh thái, đa dạng sinh học và nguồn lợi thủy sản đối với vùng hạ nguồn.

Mức lũ, diện phân bố lũ và thời gian lưu nước trên đồng càng ngắn làm cho môi trường sinh sống của các loài thủy sản trên đồng cũng ngắn theo; nghề khai thác, nuôi trồng thủy sản mùa lũ bị thất thu, các mô hình sản xuất trong mùa lũ mất dần theo lũ nhỏ.

Đó là thực trạng đã, đang và sẽ tiếp tục xảy ra trong tương lai. Vì vậy, từ đây, người dân đồng bằng cần trân trọng nguồn nước lũ từ thượng nguồn về, cần linh hoạt phân lũ, xả lũ, trữ lũ vào đồng và khai thác lợi thế của nguồn nước về miền xuôi, đồng thời điều chỉnh lại sản xuất, nhằm đảm bảo cho các hoạt động kinh tế- xã hội và sinh kế của nhân dân trong vùng ổn định, phát triển bền vững.

Bài, ảnh: TRUNG CHÁNH

Các tin khác: