Độc đáo tranh từ lá thốt nốt

05:12, 27/12/2022

Đa phần người trồng cây thốt nốt thường khai thác sử dụng trái thốt nốt và phần nước lấy từ nhụy hoa. Nghệ nhân Võ Văn Tạng (huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) lại có sáng tạo mới, thổi hồn cho từng tấm lá thốt nốt trở thành những bức tranh sống động từ đường nét nhấn nhá đậm nhạt "có một không hai".

Quá trình vẽ tranh lá thốt nốt trải qua gần 20 công đoạn đầy công phu.
Quá trình vẽ tranh lá thốt nốt trải qua gần 20 công đoạn đầy công phu.

(VLO) Đa phần người trồng cây thốt nốt thường khai thác sử dụng trái thốt nốt và phần nước lấy từ nhụy hoa. Nghệ nhân Võ Văn Tạng (huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) lại có sáng tạo mới, thổi hồn cho từng tấm lá thốt nốt trở thành những bức tranh sống động từ đường nét nhấn nhá đậm nhạt “có một không hai”.

Thổi hồn cho những chiếc lá

Trên đường về huyện Thoại Sơn, chúng tôi đến TT Núi Sập tìm phòng tranh lá thốt nốt của nghệ nhân Võ Văn Tạng. 15 người trẻ ở phòng tranh đang tỉ mẩn chăm chút sáng tạo trên những chiếc lá.

Nghệ nhân Võ Văn Tạng năm nay đã ngoài 80 tuổi. Ông tốt nghiệp ĐH ngành kinh tế và từng công tác ở Ngân hàng Nông nghiệp - PTNT huyện Thoại Sơn.

Yêu thích tranh màu cọ vẽ từ lâu, đến khi về hưu, ông dành toàn bộ thời gian cho nghề vẽ tranh, mở lớp nhận học trò, dạy miễn phí cho các cháu bị khuyết tật.

Nghệ nhân tâm sự: “Vẽ tranh là sự yêu thích nhưng không qua trường lớp chính quy, không thể theo kịp các họa sĩ chuyên nghiệp. Thế là tôi tìm chất liệu riêng để sáng tác”.

Ông vẽ bằng nhiều chất liệu và có lần đã thử nghiệm vẽ trên lá cây thiên tuế phơi khô nhưng không thành công.

Trong một lần đi thẩm định cho vay vốn dự án làm quạt bằng lá thốt nốt của đồng bào Khmer ở xã Vọng Thê (Thoại Sơn), ông Tạng đã nảy ra ý tưởng vẽ tranh trên lá thốt nốt. Tác phẩm đầu tiên “Tùng hạc” ra đời vào năm 1996.

Tranh muốn đẹp phải chọn lá thốt nốt non vì phơi nắng mới ngả màu trắng, lá già thì có màu xanh. Phải lấy lá từ cây thốt nốt đã trồng 8 năm trở lên, cắt vào đầu mùa nắng thì bức tranh mới đạt yêu cầu về chất lượng, độ bền.

Lá thốt nốt đem về phơi khô khoảng 2 tuần, ngâm nước phèn, rồi tiếp tục phơi khô, cắt thành từng phiến thẳng, tùy theo kích cỡ của những họa tiết trong bức tranh.

Các họa tiết này đã được vẽ chi tiết trên khuôn, sau đó dán các phiến lá đã cắt sẵn đúng vị trí của từng họa tiết trên bức tranh.

“Điều kỳ diệu của loại lá này là không bao giờ bị mối mọt. Trong kho chứa lá thốt nốt không hề có chuột vào cắn phá”, ông Tạng chia sẻ.

Nét độc đáo nhất là vẽ tranh không bằng sơn, màu, mà ông Tạng mất hơn 4 năm để “biến hóa” chỉ với 4 màu cơ bản là nâu, đen, vàng sẫm và trắng bằng que hàn điện tử (bút lửa). Que hàn nhấn nhá đường nét đậm nhạt, khắc họa nên những chi tiết làm sống động bức tranh.

Qua gần 20 công đoạn đầy công phu, bức tranh kích cỡ 40x60cm phải vẽ trong 3 ngày, tranh khổ lớn có khi mất cả tháng mới hoàn thành. Tranh vẽ xong sẽ được đánh bóng dầu bảo vệ lá rồi vô khuôn, độ bền hàng chục năm.

Quảng bá nét đẹp quê hương

Kể từ ngày cho ra đời bức tranh đầu tiên vào năm 1996, đến nay, ông Tạng đã thực hiện hàng chục ngàn tác phẩm với nhiều kích cỡ, đề tài khác nhau.

Năm 2010, ông được Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam xác lập 2 kỷ lục là: “Nghệ nhân làm tranh bằng lá thốt nốt nhiều nhất Việt Nam” và kỷ lục bức tranh “Di chúc Bác Hồ làm bằng lá thốt nốt lớn nhất Việt Nam”.

Tranh độc đáo từ lá thốt nốt chỉ với 4 màu cơ bản.
Tranh độc đáo từ lá thốt nốt chỉ với 4 màu cơ bản.

Bức tranh “Di chúc Bác Hồ” lớn nhất Việt Nam có chiều cao hơn 2m, bề ngang 1,22m dán bằng thủ công cỡ chữ lớn, ảnh lớn với hai mặt vẽ chân dung Bác Hồ, 4 ảnh nhỏ là hình ảnh liên quan đến cuộc đời Bác như Bến Nhà Rồng nơi Bác đi tìm đường cứu nước, Bác đọc Tuyên ngôn Độc lập và Lăng Bác.

Mặt còn lại là toàn văn bản Di chúc gồm có 56 dòng với hơn 1.000 từ do nghệ nhân Võ Văn Tạng cùng các học trò miệt mài làm trong suốt 1 tháng.

Bản Di chúc được lồng trong khung gỗ kích thước 2,55x3,55m có chạm trổ tinh xảo với những họa tiết như hình đài sen, rồng, kỳ lân. Hiện nay bức tranh đang trưng bày trang trọng tại Khu du lịch Hồ Ông Thoại, huyện Thoại Sơn.

Cùng với tranh chân dung, nghệ nhân Võ Văn Tạng chăm chút vẽ trên lá thốt nốt những cảnh đẹp của An Giang, những điểm du lịch nổi tiếng như: Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam, Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng, Di tích Óc Eo, núi Cấm, đồi Tức Dụp, rừng tràm Trà Sư…

Từ cơ sở ở TT Núi Sập, tranh lá thốt nốt mang cảnh đẹp An Giang theo chân du khách đến mọi miền, theo chân những chính khách, những đoàn công tác quốc tế, những người con đất Việt đi nhiều nước trên thế giới…

Ông Võ Văn Tạng được Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục “Nghệ nhân làm tranh bằng lá thốt nốt nhiều nhất Việt Nam”.
Ông Võ Văn Tạng được Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục “Nghệ nhân làm tranh bằng lá thốt nốt nhiều nhất Việt Nam”.

Những du khách đến An Giang khi có dịp cũng tranh thủ ghé qua phòng tranh để tận mắt thấy và tìm hiểu quy trình làm tranh. Có những người nhẫn nại ngồi chờ để được vẽ bức tranh chân dung, vẽ gia đình bằng lá thốt nốt.

Tại phòng tranh hiện có 15 lao động tham gia quy trình làm tranh. Trong đó có 3 người tay nghề cao có thể vẽ được chân dung trên lá thốt nốt. “Hy vọng thông qua những lớp dạy nghề, nghệ thuật vẽ tranh trên lá thốt nốt sẽ được bảo tồn, phát triển không bị thất truyền.

Khi du lịch Thoại Sơn phát triển, tôi sẽ đào tạo thêm lao động để phục vụ nhu cầu du khách. Chúng tôi mong cơ sở sản xuất tranh lá thốt nốt như một điểm dừng chân tham quan và thu hút du khách đến An Giang. Và tranh lá thốt nốt góp phần giới thiệu nét đẹp quê hương đến bạn bè gần xa”- ông Tạng kỳ vọng.

Bài, ảnh: PHƯƠNG THƯ

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh