Nghi lễ Ok Om Bok được tổ chức vào thời điểm mà người Khmer cho rằng: Bầu trời trong sáng, khí hậu mát mẻ, mặt trăng xuống thấp gần mặt đất nhất và tỏa ánh sáng đẹp nhất trong năm… Vào thời gian này, đồng bào Khmer đều cảm thấy sảng khoái hòa mình với thiên nhiên, cũng là lúc cả cộng đồng hào hứng chuẩn bị thu hoạch mùa màng.
Đua ghe ngo - nét đẹp văn hóa của người Khmer Nam Bộ. |
Nghi lễ Ok Om Bok được tổ chức vào thời điểm mà người Khmer cho rằng: Bầu trời trong sáng, khí hậu mát mẻ, mặt trăng xuống thấp gần mặt đất nhất và tỏa ánh sáng đẹp nhất trong năm… Vào thời gian này, đồng bào Khmer đều cảm thấy sảng khoái hòa mình với thiên nhiên, cũng là lúc cả cộng đồng hào hứng chuẩn bị thu hoạch mùa màng. Cùng thời điểm này, Sóc Trăng đang tưng bừng tổ chức Ngày hội văn hóa Khmer Nam Bộ, cùng với cuộc đua ghe ngo khu vực ĐBSCL vào các ngày 7- 8/11.
Lễ vật hàng đầu để cúng trong lễ Ok Om Bok là phải có cốm dẹp (om bok), được chế biến từ lúa nếp đầu mùa. Ngoài ra, còn có nhiều loại nông sản, gồm: trái cây, hoa tươi, mía, ngũ cốc được chế biến thành các loại bánh theo tập quán dân tộc...
Đây là dịp đồng bào Khmer tạ ơn thần Mặt trăng trong năm qua đã ban phúc cho con người về sức khỏe và giúp đỡ con người trong nghề nông (trồng trọt, chăn nuôi,...). Qua đó, bày tỏ ước nguyện cho năm tới: Cầu mong thần Mặt trăng tiếp tục đem lại những điều kiện tốt cho nghề nông, như mưa thuận gió hòa, ngăn cản sâu bệnh, mưa bão, lũ lụt, khô hạn, hỏa hoạn... cho các cây trồng bội thu, cho các vật nuôi sinh sôi nảy nở; phù hộ cho mọi thành viên trong cộng đồng tránh khỏi bệnh tật để sống khỏe, sống vui, sống hạnh phúc... Vào đêm lễ Ok Om Bok, khi mặt trăng vừa nhô lên khỏi bụi tre, mọi người đứng trước mâm lễ vật, hướng về mặt trăng, cử hành nghi lễ. Mỗi mâm lễ có một người đại diện điều hành nghi lễ Ok Om Bok và đọc những lời cầu khấn tạ ơn. Nghi thức được thực hiện tại nhà và sau đó cùng với cộng đồng là tại chùa.
Đặc biệt, trong nghi lễ này, cộng đồng người Khmer rất quan tâm đến những ước nguyện của trẻ em, sau lễ trẻ em được “hưởng lộc” đầu tiên và dưới trăng sáng, người già truyền dạy cho trẻ những bài học về luân lý, khuyên nhủ các em siêng học, siêng làm.
Theo thời gian, hòa vào dòng chảy lịch sử - văn hóa, lễ Ok Om Bok đã có thêm những sắc thái mới, không chỉ mang dấu ấn từ sự ảnh hưởng tác động của tôn giáo ngoại lai, mà còn chịu sự chi phối bởi môi trường sinh thái - nhân văn tại chỗ, ở mỗi vùng, miền, nơi cộng đồng Khmer cư ngụ. Để rồi, có một hiện tượng phổ biến là: trong lễ Ok Om Bok có sự góp mặt của những nghi lễ khác và quy tụ nhiều loại hình sinh hoạt thuộc phạm trù văn hóa - thể thao; đặc biệt, đua ghe ngo như hoạt động chính thu hút đông đảo đồng bào náo nức tham gia. Và như thế, từ một lễ nghi nông nghiệp đơn sơ để tỏ lòng thành kính, Ok Om Bok phát triển thành một lễ hội dân gian đa sắc màu văn hóa.
TS Phú Văn Hẳn - Viện Phát triển bền vững vùng Nam Bộ, cho rằng: “Về cội nguồn, lễ hội Ok Om Bok khởi phát từ những lễ nghi, trước nhất là những lễ nghi nông nghiệp. Lúc đầu, lễ hội Ok Om Bok mang tính chất hội mùa, chứa đựng nhiều lễ nghi nông nghiệp hướng tới những nhiên thần; rồi theo dòng chảy của thời gian, lịch sử, lễ hội ngày càng đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung xã hội, văn hóa… hướng tới những đối tượng thiêng liêng, thể hiện ước muốn (như cầu an, cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt bội thu, mừng công thành danh toại, thành đạt)”. Lễ hội Ok Om Bok cũng được nâng lên thành lễ hội cấp quốc gia, dân tộc có quy mô to lớn, chi phối sâu rộng tới mọi thành viên trong cộng đồng dân tộc Khmer Nam Bộ.
Hào hứng đua ghe ngo. |
Theo ThS Lâm Quang Vinh - Trưởng Bộ môn Văn hóa Khmer (ĐH Trà Vinh): Ngày nay trong điều kiện của thời đại mới, xu thế phát triển du lịch ngày càng mạnh, với những nhận thức mới ngày càng đầy đủ hơn về lịch sử - văn hóa và trình độ dân trí được tiếp tục nâng lên, nhu cầu trẩy hội của nhân dân Khmer và các dân tộc trong vùng, trong nước và du khách ngày càng lớn. Việc tổ chức tốt các lễ hội cần phải tính đến quy mô và chất lượng, sao cho đạt hiệu quả cao của chức năng bồi đắp tâm hồn, cốt cách, tri thức và kích thích niềm phấn chấn của những người tham gia; làm cho mỗi người trẩy hội vừa là khách thưởng ngoạn, vừa là người trong cuộc, vừa thưởng thức để thỏa mãn nhu cầu hiểu biết, vừa soi mình vào vẻ đẹp của văn hóa lễ hội để tự điều chỉnh và tham gia sáng tạo văn hóa, góp sức bài trừ mê tín dị đoan, bảo vệ di sản văn hóa dân tộc, giữ gìn sạch đẹp môi trường, góp phần làm giàu sắc màu vui tươi của lễ hội.
Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin