ĐBSCL được thiên nhiên ưu ái nhiều sản vật, trở thành nguồn nguyên liệu phong phú để làm nên nhiều món ngon trứ danh. Nói đến ẩm thực vùng đất này là phải nhắc đến lẩu mắm, món ăn đặc sản mang đậm nét đặc trưng của Tây Nam Bộ. Đặc biệt vào mùa nước nổi, lẩu mắm lại càng thơm ngon, hấp dẫn đúng điệu.
ĐBSCL được thiên nhiên ưu ái nhiều sản vật, trở thành nguồn nguyên liệu phong phú để làm nên nhiều món ngon trứ danh. Nói đến ẩm thực vùng đất này là phải nhắc đến lẩu mắm, món ăn đặc sản mang đậm nét đặc trưng của Tây Nam Bộ. Đặc biệt vào mùa nước nổi, lẩu mắm lại càng thơm ngon, hấp dẫn đúng điệu.
Lẩu mắm miền Tây. Ảnh: KIỀU MAI |
Mắm cá linh, cá sặc là những nguyên liệu chính để làm nên nồi lẩu mắm ngon. Trong đó, cá linh vốn là đặc sản của mùa nước nổi ở ĐBSCL. Thêm vào đó, những rau bổi ăn kèm, như: bông điên điển, bông so đũa, bông súng… đều là sản vật ngon nhất của mùa nước. Lẩu mắm ngon bởi sự hòa quyện đậm đà của các nguyên liệu từ nhiều loại cá, thịt và rau đã tạo nên một hương vị khó quên.
Mắm là một phần không thể thiếu trong ẩm thực dân dã của cư dân vùng ĐBSCL. Theo chia sẻ của những đầu bếp miệt vườn, để có nồi lẩu mắm ngon thì nước lèo là thành phần quyết định. Mắm ở miền đất này thì rất đa dạng nhưng để nấu lẩu mắm người ta thường hay chọn mắm cá linh và mắm cá sặc, bởi vì thịt cá ngọt, xương mềm. Mắm được cho vào nước dừa tươi và nấu đến khi thịt rã, sau đó rây ra bỏ xương. Phần nước dùng này được giữ lại để hòa quyện với nước dùng từ thịt và xương. Thịt để nấu lẩu mắm là thịt ba chỉ, xắt lát vừa ăn; được ướp chút gia vị và xào sơ với hành tím, sả băm, sau đó mang thịt để vào nước dùng đã nấu từ xương ống trước đó. Nước dùng từ thịt và nước dùng từ mắm đổ chung, hòa quyện với nhau mới tạo nên nước lèo của lẩu mắm. Lúc này cho thêm ngải bún (loại củ màu vàng có hình dáng như gừng, nghệ) đập dập, cà tím và khổ qua đã sơ chế vào nước dùng, nêm nếm gia vị vừa ăn là hoàn thành nước lèo đặc trưng của lẩu mắm.
Điểm nhấn làm nên sức hút của lẩu mắm chính là nguyên liệu ăn kèm. Tùy theo sở thích, nguyên liệu chính có thể là lươn, cá lóc, cá basa, tép, mực, cá kèo… hay độc đáo hơn là cá hủn hỉn. Cá hủn hỉn là tên gọi chung của các loại cá non, cá nhỏ, như: cá lòng tong, lòng ròng, chốt, sặc… thịt mềm, ngọt. Ngoài ra, lẩu mắm còn hấp dẫn với nhiều loại rau ăn kèm, như: cù nèo, bông điên điển, bông so đũa, rau muống, bắp chuối bào, bông súng, rau nhút…
Lẩu mắm là món ăn đặc trưng của miền Tây với những sản vật đa dạng từ thịt cá, hải sản đến các loại rau củ đủ sắc màu, mùi vị thể hiện cho sự trù phú, đa dạng vùng sông nước miền Tây. Vì thế khi ghé ĐBSCL du khách nên một lần trải nghiệm món lẩu mắm đặc trưng.
Theo Minh Nhiên (Báo Cần Thơ)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin