Vũng Liêm phát huy hào khí Nam Bộ kháng chiến

05:09, 24/09/2022

Ngày 23/9/1945 đã đi vào lịch sử, mở đầu 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp gian lao mà anh dũng của quân dân miền Nam. Cùng với Nam Bộ và cả nước, quân và dân Vũng Liêm đã kiên cường bám trụ, anh dũng chiến đấu để bảo vệ nền độc lập tự do mà Cách mạng Tháng Tám mang lại bằng cuộc kháng chiến trường kỳ 30 năm, góp phần làm nên đại thắng mùa xuân 1975 lịch sử.

Viếng khu nhà lưu niệm Thủ tướng Võ Văn Kiệt- người con của quê hương Vũng Liêm anh dũng. Ảnh: NGUYỄN HÒA BÌNH
Viếng khu nhà lưu niệm Thủ tướng Võ Văn Kiệt- người con của quê hương Vũng Liêm anh dũng. Ảnh: NGUYỄN HÒA BÌNH

(VLO) Ngày 23/9/1945 đã đi vào lịch sử, mở đầu 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp gian lao mà anh dũng của quân dân miền Nam. Cùng với Nam Bộ và cả nước, quân và dân Vũng Liêm đã kiên cường bám trụ, anh dũng chiến đấu để bảo vệ nền độc lập tự do mà Cách mạng Tháng Tám mang lại bằng cuộc kháng chiến trường kỳ 30 năm, góp phần làm nên đại thắng mùa xuân 1975 lịch sử.

Rạng sáng ngày 23/9/1945, thực dân Pháp lại nổ súng xâm chiếm nước ta một lần nữa với hy vọng nhanh chóng bình định Nam Bộ để làm bàn đạp đánh chiếm miền Trung, miền Bắc Việt Nam như đã từng làm trong cuộc chiến tranh xâm lược lần trước.

Trước dã tâm xâm lược của kẻ thù, quân dân Nam Bộ đã nhất tề xông lên đánh đuổi thực dân Pháp với tinh thần “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.

Hội nghị Liên tịch giữa Xứ ủy lâm thời và UBND Nam Bộ ở số nhà 107 đường Cây Mai đã hạ quyết tâm chiến đấu. Ủy ban Kháng chiến được thành lập do đồng chí Trần Văn Giàu làm Chủ tịch.

Sáng ngày 23/9, UBND Nam Bộ ra tuyên cáo quốc dân kêu gọi đồng bào kháng chiến, đáp ứng nguyện vọng của toàn dân. Nam Bộ bước vào cuộc chiến trực diện với kẻ thù. Quân và dân Vũng Liêm cũng bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ với thực dân Pháp.

Ngày 10/3/1946, Pháp dùng một Trung đoàn lính lê dương có cơ giới đánh chiếm Vũng Liêm. Sau khi chiếm được Vũng Liêm, Pháp tung quân đóng đồn tháp canh theo Trục lộ 7 thuộc 4/9 xã ven lộ, chúng ruồng bố nhằm tiêu diệt lực lượng kháng chiến, các cơ sở kinh tế và vùng nông thôn của ta.

Được Xứ ủy Nam Kỳ lãnh đạo, Tỉnh ủy Vĩnh Long trực tiếp chỉ đạo Huyện ủy Vũng Liêm tiến hành củng cố lực lượng vũ trang, Mặt trận Việt Minh, Mặt trận Liên Việt và các đoàn thể cứu quốc.

Vũng Liêm bắt đầu thành lập Ủy ban Kháng chiến cùng Mặt trận Việt Minh tổ chức động viên toàn dân tích cực xây dựng chính quyền, thực hiện tốt chủ trương “tiêu thổ kháng chiến” của Chính phủ.

Sau đó đã có hàng ngàn người ở huyện lỵ, chợ xã và các vùng địch chiếm, họ đã chuyển tất cả những thứ cần thiết ra vùng kháng chiến và tự tháo dỡ nhà mình, kể cả đình, chùa, công sở tề xã, quyết không để địch chiếm đóng lại được.

Các đường sá giao thông thủy, bộ, Nhân dân cùng du kích ngày đêm tấp nập kéo ra phá hoại để cản bước tiến quân của địch.

Đường lộ 7, Hương lộ 39 (nay là Tỉnh lộ 39 và 21), nhiều đoạn được san bằng mặt ruộng, cầu sắt Vũng Liêm, cầu Giồng Ké, cầu Mây Tức bị phá sập. Vàm sông Măng Thít, Đình Đôi (Trung Ngãi), kinh Ngã Chánh, Nhân dân đã huy động hàng vạn cây tre, sao, dầu, dừa để xốc cản ngăn tàu Pháp...

Ngày 22/12/1946, Trung ương Đảng ra Chỉ thị Toàn dân kháng chiến. Nêu rõ đây là cuộc kháng chiến trường kỳ, toàn dân, toàn diện.

Thực hiện chỉ thị, toàn quân và dân Vũng Liêm cùng với Nam Bộ và cả nước bước vào cuộc trường kỳ kháng chiến, quyết tâm đánh địch.

Kết quả từ tháng 4- 12/1953, quân và dân huyện Vũng Liêm dấy lên thành cao trào chiến tranh du kích, đánh mạnh vào kế hoạch “bình định gấp rút và phản công quyết liệt” của địch.

Nổi bật ở các xã Trung Ngãi, Trung Thành, Trung Hiệp và Quới An, địa phương quân cùng du kích đã bao vây đồn bót, đồng thời cắt đứt đường tiếp tế của chúng; lúc bấy giờ phong trào “binh, tề, địch vận” được đẩy mạnh, trong vòng 2 tháng làm tan rã trên 150 binh lính về với Nhân dân.

Từ tháng 3- 5/1954, địa phương quân và du kích hợp đồng tiêu diệt và bứt rút 7 đồn bót ở các xã. Ngày 1/5/1954, địa phương quân và du kích đánh tiêu diệt công sở tề Giồng Ké, xã Trung Ngãi, đồng thời liên tục phục kích đánh các đoàn xe trên Tuyến lộ 7, ta làm chủ nhiều ngày trên trục lộ này.

Đến cuối năm 1954, quân dân Vũng Liêm đã tiêu diệt 516 tên địch (có 26 tên Pháp) làm bị thương 825 tên, bắt sống 160 tên, làm rã ngũ 315 tên, thu 420 súng các loại, phá hủy 25 xe quân sự của địch... góp phần vào chiến thắng Điện Biên Phủ.

Với những chiến công to lớn này, huyện Vũng Liêm đã được Chính phủ tặng danh hiệu “Vũng Liêm anh dũng”.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, tiếp tục phát huy hào khí Nam Bộ kháng chiến, quân và dân Vũng Liêm bước vào chặng đường 21 năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, giành thắng lợi giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước ngày 30/4/1975.

Sau 36 năm (1986- 2022) thực hiện đường lối đổi mới đất nước, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Vũng Liêm đã đoàn kết, nỗ lực phấn đấu không ngừng, vượt qua nhiều khó khăn thử thách và giành được nhiều thắng lợi trên các lĩnh vực.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Đời sống nhân dân không ngừng được nâng lên, thu nhập bình quân đạt 181 triệu đồng/ha.

Diện mạo nông thôn ngày càng đổi mới, toàn huyện có 14 xã đạt chuẩn nông thôn mới (trong đó có 4 xã nông thôn mới nâng cao), 3 ấp nông thôn mới kiểu mẫu.

Các lĩnh vực văn hóa- xã hội có nhiều tiến bộ, giáo dục- đào tạo tiếp tục được củng cố, có 37/68 trường học đạt chuẩn quốc gia; mạng lưới y tế phát triển, 20/20 xã, thị trấn có trạm y tế đạt “Bộ tiêu chí quốc gia về y tế”.

Quốc phòng- an ninh được tăng cường và giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Hệ thống chính trị không ngừng được củng cố, kiện toàn và nâng chất.

Hào khí, tinh thần Nam Bộ kháng chiến đã và đang tiếp tục được các thế hệ cách mạng đời sau phát huy, nỗ lực đưa huyện Vũng Liêm phát triển xứng đáng với kỳ vọng của các thế hệ đi trước. 

QUYÊN TRẦN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh