Những chuyến đi khắp đồng bằng, không phải để nhìn ngắm mà để thấm, để thấu hiểu hơn một vùng đất đã gắn bó máu thịt đời mình. Và sau mỗi chuyến đi, lại thấy "tự giận mình" đã quá hờ hững, đôi lúc quá vô cảm trước những đổi thay theo chiều hướng ngày một xấu đi của cả một hệ sinh thái vốn từng được xưng tụng là giàu có tài nguyên thủy sản, trù mật phù sa.
Đê biển Tây ở huyện Trần Văn Thời (Cà Mau), phía ngoài là những lớp đê giảm sóng, nhưng rừng phòng hộ vẫn bị sóng biển cuốn phăng. |
(VLO) Những chuyến đi khắp đồng bằng, không phải để nhìn ngắm mà để thấm, để thấu hiểu hơn một vùng đất đã gắn bó máu thịt đời mình. Và sau mỗi chuyến đi, lại thấy “tự giận mình” đã quá hờ hững, đôi lúc quá vô cảm trước những đổi thay theo chiều hướng ngày một xấu đi của cả một hệ sinh thái vốn từng được xưng tụng là giàu có tài nguyên thủy sản, trù mật phù sa.
Những cánh đồng năng suất “khủng” cũng không thể tô màu tươi nét cho nụ cười “mặn chát” của nông dân. Những dòng sông quặn mình vì “lở lói” dọc đôi bờ và “lổ hang” dưới đáy sâu và kiệt quệ vì đủ thứ. Những cửa biển cứ ăn dần vào đất liền, những vạt rừng tự nhiên, phòng hộ bị cuốn phăng…
Liệu tất cả chỉ bởi vì biến đổi khí hậu!.
Đồng bằng mình đã được “sinh ra” như thế!
Đứng trên đê biển Tây ngày mưa tầm tã, sóng dữ tợn từng đợt ập vào bất chấp hàng chục lớp đê giảm sóng từ ngoài xa hàng cây số, vào đến bờ vẫn tung bọt trắng xóa.
Chúng tôi chợt nhớ câu chuyện vua An Dương Vương chạy giặc phương Bắc ra đến biển cùng đường, nhưng thần Kim Quy đã chỉ ra rằng, sự tận diệt không phải là do biển cùng đường, mà kẻ thù chính là ở bên trong.
Chợt nghĩ, chúng ta đang cố sức đổ hàng chục ngàn tỷ đồng xây đê chắn sóng, liệu có phải đã xác định đúng nguyên nhân và giải pháp chưa. Khi mà những nơi không có bờ đê, thì cây mắm vẫn là vai trò xung phong cặm rễ giữ đất tạo nên những bãi bồi lấn biển, và rồi tuần tự như theo hệ sinh thái tự nhiên của ngày xưa: “Mắm trước, đước sau, tràm theo sát gót. Khói bếp nhà ai, dừa nước mọc sau hè”.
Biển cả, cây rừng và con người đã sắp xếp “trật tự thuận thiên” như thế và đã sống an nhiên trên hệ sinh thái giàu có đến nỗi cua, tôm phơi khô không nỗi, phải đổ thành những hố chôn sắp lớp.
Chúng tôi muốn nói về nguồn nước dòng Mekong, bằng câu chuyện bắt đầu từ biển cả. Đó là một sự phối hợp tuyệt vời mà ông trời đã ban cho đồng bằng này từ cái cách mà vùng đất này được “sanh ra” hồi khoảng 6.000 năm trước.
Một đồng bằng non trẻ nhất thế giới, cơ thể đáng ra đang phát triển vào thời kỳ khỏe khoắn nhất, lại đang trở nên kiệt quệ, già cỗi đến oặn lòng.
Khi mà dòng sông Mekong mang hàng triệu tấn sỏi, cát, phù sa từ thượng nguồn đổ xuống cuối nguồn, chính là nhờ sóng biển nhào nặn tạo nên sự bồi lắng, phân phối đều đặn lấn dần ra biển mà thành cả đồng bằng rộng lớn ngày nay.
Vạt rừng phòng hộ Biển Đông thuộc huyện Đầm Dơi (Cà Mau) đang sạt lở. |
Chỉ đến khoảng 2.000 năm trước, cư dân Phù Nam vốn nương tựa vào vùng bán sơn địa Thất Sơn hình thành xã hội đầu tiên, thì sự bành trướng, xây dựng thành quách cũng đã định hình trên những vùng gò cao, giồng cát nước nổi không ngập được và ra xa tới chớn nước lợ mà thôi- có nghĩa là vẫn nương theo nguồn nước ngọt mà định cư.
Chỉ đến khi cư dân Việt vào đây, chỉ với trên dưới 300 năm thôi, những tướng tài, những nhà quản trị kiệt xuất cùng với bao lớp dân phu, nông dân đã hoàn toàn thay đổi diện mạo vùng đất nê địa ngập trũng hoang vu, có thể sinh sống và trồng trọt được và lấn dần ra phía biển.
Cùng với hệ thống sông ngòi tự nhiên, là hệ thống kinh đào nhân tạo còn nguyên giá trị cho đến ngày nay. Đồng bằng sống thoải mái, mở cửa phía trên đón nguồn nước ngọt phù sa và dang tay ra hướng biển đón sóng triều dâng có vai trò tiếp tục bồi tụ các cửa sông. Mà mũi Cà Mau như một biểu tượng tuyệt vời hướng cực Nam của đất nước bồi dài ra biển.
Để rồi, đồng bằng này đã được ông bà ta “quy hoạch” một cách rõ ràng thành các vùng theo cách gọi dân gian: miệt vườn, miệt ruộng, miệt bưng biền và miệt biển. Một di sản đáng tự hào một đồng bằng bao la chan hòa nguồn nước có thể sinh sống, nuôi trồng trên cả các hướng “mặn, ngọt và lợ”.
Vì đâu nên nỗi?
Nên hiểu rằng đồng bằng này nằm trên nền đất yếu, đầy những “túi hữu cơ” bản thân rất dễ sụt lún. Ngày nay, đang “gánh trên lưng” những “quy hoạch” bất chấp các quy luật tự nhiên, ít tiếp thu những đóng góp từ kinh nghiệm văn hóa dân gian.
Lấy tư duy “đê điều” áp đặt để khóa kín đồng bằng như một động thái “cấm cửa” nước ngọt và cả nước mặn, liệu bỏ lên bàn tính thì bài toán kinh tế và bài toán hệ sinh thái, sức khỏe của đất, của nước và của những người trực tiếp sản xuất… đồng bằng đang… lỗ nặng. Và chúng ta đang “ăn mòn” vào di sản hệ sinh thái giàu có của cha ông để lại, rồi những thứ để lại cho thế hệ sau là gì?
Tại sao chúng ta có thể dành một trong những vị trí đẹp nhất còn lại ở đồng bằng để xây dựng nhà máy giấy, nhà máy nhiệt điện, để rồi cả con sông Mái Dầm ô nhiễm đổ vào miệt vườn xanh tươi, và hàng triệu khối nước làm “mát” nhà máy, lại trả xuống dòng sông một “đê nhiệt” đe dọa hệ sinh thái của cả dòng sông.
Đương nhiên, những dự án luôn có hội đồng phản biện từ các chuyên gia, các nhà khoa học, nhưng quyết định cuối cùng vẫn là cuối cùng…
Một nông dân được giao rừng kết hợp nuôi tôm sinh thái. Một giải pháp hiệu quả về bảo vệ rừng và làm kinh tế của tỉnh Cà Mau. |
Nhắc đến Luật Quy hoạch có hiệu lực từ năm 2017, đồng bằng đang vướng đủ thứ. Liệu chúng ta có thể tháo gỡ để “cởi trói” bớt cho đồng bằng này phát triển một cách mạnh mẽ, khỏe khoắn?
Trong Luật Quy hoạch có 3 cấp: Quốc gia, vùng và tỉnh, theo nguyên tắc cấp dưới phải phù hợp với cấp trên trong quy hoạch. Nhưng hiện nay, chúng ta đang còn trong khâu quan trọng là quy hoạch vùng. Do đó, giữa các địa phương đã không thống nhất nhau trong định hướng phát triển chung theo một hệ sinh thái tổng thể.
Khi nói về bảo vệ an ninh nguồn nước, giữ gìn chớ không phải là khai thác kiệt quệ hệ sinh thái, một nhà khoa học tâm huyết đã tâm tình rằng: Khi nói đến an ninh, chúng ta phải xác định mối nguy bên ngoài lẫn bên trong, nhưng đối với đồng bằng hiện nay những nguy cơ từ bên trong, nguy cơ gần như là “thủ phạm chính”.
Nước biển dâng cực đoan xâm nhập sâu vào đất liền là không bình thường, vậy nguyên nhân từ đâu? Chẳng khác nào trên thượng nguồn, con người đang làm thay đổi thủy chế dòng chảy từ trên thượng nguồn cho đến hạ nguồn.
Triều cường cũng đang bị những tác động làm thay đổi đã cộng hưởng với sự nóng lên toàn cầu, dâng cao hơn trung bình và vào sâu đất liền hơn bình thường.
“Bắt mạch đúng bệnh để trị gốc chớ không trị căn”, một nhà khoa học đã ví von như thế.
Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG- PHƯƠNG THÚY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin