ĐBSCL được đánh giá là có tiềm năng, thuận lợi phát triển nhanh du lịch nông nghiệp. Đây không phải là hướng đi mới với các địa phương có thời gian dài phát triển du lịch như Vĩnh Long, Tiền Giang, Bến tre… Tuy nhiên, đang được định hướng phát triển theo chiều sâu, chuyên biệt, phù hợp và đáp ứng nhu cầu của du khách trong bối cảnh mới và xu hướng du lịch mới của thế giới.
Ruộng sen ở huyện Tháp Mười (Đồng Tháp). |
ĐBSCL được đánh giá là có tiềm năng, thuận lợi phát triển nhanh du lịch nông nghiệp. Đây không phải là hướng đi mới với các địa phương có thời gian dài phát triển du lịch như Vĩnh Long, Tiền Giang, Bến tre… Tuy nhiên, đang được định hướng phát triển theo chiều sâu, chuyên biệt, phù hợp và đáp ứng nhu cầu của du khách trong bối cảnh mới và xu hướng du lịch mới của thế giới.
Phù hợp xu hướng du lịch xanh
Ông Phạm Xuân Anh- Giám đốc Công ty Du Ngoạn Việt, cho rằng: “Phát triển du lịch bền vững bao gồm nhiều loại hình, trong đó có du lịch xanh, du lịch sinh thái. Hai loại hình này tăng mạnh hơn bao giờ hết sau đại dịch COVID-19. Do du khách bắt đầu e ngại môi trường khép kín hay đông đúc, thậm chí ngại máy lạnh. Họ chủ động tìm những nơi gần gũi thiên nhiên, ruộng đồng, vườn tược, sông suối, thuận tiện cho các hoạt động trải nghiệm, thân thiện với môi trường”. Tâm lý du lịch này tạo cho đồng bằng phát huy được tiềm năng, nhiều không gian triển khai, xây dựng các chương trình du lịch đáp ứng nhiều tiêu chí, yêu cầu của du khách. Trong đó, du lịch nông nghiệp là một thế mạnh của khu vực này.
Du lịch nông nghiệp trở thành yếu tố góp phần thỏa mãn nhu cầu ăn uống xanh, sống xanh, giải trí xanh, mua sắm sản phẩm xanh cũng như nhu cầu được thâm nhập vào đời sống người dân nông thôn, hiểu người nông dân và môi trường tự nhiên. Du lịch nông nghiệp cũng giúp tăng thu nhập xã hội, tạo cung và cầu tự nguyện giữa nông dân với khách du lịch và nhà tổ chức. Đồng thời, du lịch nông nghiệp cũng là một kênh hữu hiện phân phối sản phẩm OCOP của địa phương.
Chủ tịch Công ty Du lịch Vòng Tròn Việt- Phan Đình Huê- chuyên gia tư vấn phát triển du lịch ĐBSCL, cho rằng: ĐBSCL chính là vùng phát triển du lịch mạnh của cả nước, với nhiều mô hình đa dạng, phong phú như du lịch trên cánh đồng sen, tham quan vườn cây ăn trái, vuông tôm, rừng đước, rừng tràm ngập ngọt, cấy lúa… Du lịch nước ta từ chỗ “rón rén” thử nghiệm, giờ đã trở thành đề án lớn của Bộ Nông nghiệp- PTNT, quy hoạch tích hợp vùng ĐBSCL giai đoạn 2021- 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, du lịch nông nghiệp được đề cập là loại hình dịch vụ cần được phát huy, đẩy mạnh trong thời gian tới.
Rừng tràm miệt bưng ở huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang). |
Đồng bằng hình thành những vùng thổ nhưỡng, hoạt động sản xuất nông nghiệp gắn với đặc trưng miệt ruộng, vườn, bưng, biền. Mỗi vùng có miền sinh thái nuôi trồng khác nhau. Như miệt ruộng trồng lúa, miệt vườn chuyên về cây ăn trái, miệt bưng là vùng ngập nước, hay ven biển là rừng ngập mặn. Từ đó, hình thành sản vật, ẩm thực đặc trưng riêng của từng miệt khác nhau. Du lịch nông nghiệp cần phát huy tính đặc trưng này, làm thành sự hấp dẫn riêng biệt của từng địa phương, tiểu vùng du lịch.
Những kết quả bước đầu
Nhìn chung tất cả các tỉnh- thành đồng bằng đều phát triển du lịch gắn liền ít nhiều với các hoạt động, các sản phẩm nông nghiệp. Nhiều năm qua, Vĩnh Long đã khai thác sản phẩm nhà vườn trên 4 xã cù lao (Long Hồ); Trà Vinh với cồn Chim, cồn Hô; Long An với các trang trại, vườn ngập ngọt ở Đồng Tháp Mười; hay trải nghiệm lấy mật ong ở rừng U Minh Hạ (Cà Mau). Nhiều chủ cơ sở đầu tư các nhà nghỉ, khu nghỉ nhỏ và vừa ven sông, rạch, nhà vườn dạng bungalow hay farmstay ở Tiền Giang, Bến Tre, Sóc Trăng, Cần Thơ… với giá bán phòng ngủ có khi còn cao hơn các khách sạn 4- 5 sao trên địa bàn cùng thời điểm. Những năm gần đây, Đồng Tháp đặc biệt phát triển mạnh mô hình “Hội quán làm du lịch”, đã tạo ra được chuỗi liên kết năng động giữa hàng trăm hội quán ở khắp các địa bàn trong tỉnh.
Theo số liệu của ông Phan Đình Huê, thì những khảo sát gần đây của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ tại các điểm du lịch nông nghiệp ở quận Thốt Nốt và khảo sát của Đồng Tháp tại tất cả các huyện- thị, kết quả cho thấy các trang trại, nhà vườn tham gia làm du lịch, đều có thu nhập tăng lên khoảng 30- 40%, so với chỉ đơn thuần làm nông. Đặc biệt, vuông tôm làm điểm du lịch nông nghiệp tại Sân Tiên farmstay ở vùng gần cửa sông Hậu (xã An Thạnh Nam, huyện Cù Lao Dung, Sóc Trăng), có thu nhập từ 300- 400 triệu đồng/tháng chỉ từ dịch vụ tham quan, ăn uống, lưu trú của khách nội địa.
Cái lợi trước mắt của du lịch nông nghiệp là nông sản được bán thông qua dịch vụ nên tăng cao lợi nhuận cho nông dân. Thông qua làm du lịch, góp phần làm đẹp thêm cảnh quan môi trường, nhà ở nông thôn do thường xuyên được chăm sóc, vệ sinh chu đáo, nâng cao ý thức của người dân nông thôn. Vấn đề lớn đặt ra là cần đẩy mạnh sự liên kết trong quá trình phát triển du lịch đồng bằng, trong đó, TP Hồ Chí Minh được xem là mối liên kết mang tính đột phá cho du lịch nông nghiệp ở ĐBSCL.
Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin