Cần Thơ: Sở hữu giống tre lạ cho măng bốn mùa, lão nông kiếm tiền triệu mỗi ngày

01:05, 04/05/2022

Giống tre ông Cua trồng rất lạ, cho măng quanh năm, kể cả tháng hạn. Tận dụng điểm ưu việt này, ông canh tác măng mùa nghịch, bán được 35.000-40.000 đồng/kg, đút túi tiền triệu mỗi ngày.

Giống tre ông Cua trồng rất lạ, cho măng quanh năm, kể cả tháng hạn. Tận dụng điểm ưu việt này, ông canh tác măng mùa nghịch, bán được 35.000-40.000 đồng/kg, đút túi tiền triệu mỗi ngày.

Từng trồng vô số loại cây ăn trái như sầu riêng, bưởi, mít thái và dừa ta nhưng các mô hình đều không mang lại hiệu quả như mong muốn khiến ông Nguyễn Văn Cua (61 tuổi, ngụ phường Tân Phú, quận Cái Răng, Cần Thơ) nhiều lần phải đốn bỏ. 

Lão nông Nguyễn Văn Cua sống khỏe nhờ trồng tre tứ quý (Ảnh: Bảo Kỳ).
Lão nông Nguyễn Văn Cua sống khỏe nhờ trồng tre tứ quý (Ảnh: Bảo Kỳ).

Cơ duyên đến với ông Cua cách đây khoảng 10 năm. Trong một lần xem thời sự, ông nghe nói ở miền Tây có trồng loại tre đặc biệt tên là tre tứ quý, cho măng quanh năm. Sau đó ông nhờ người cháu mua giúp 80 nhánh tre về trồng xen trong vườn dừa sau nhà. Không ngờ chỉ ít lâu sau giống tre lạ giúp ông Cua đổi đời.

"Lúc mua về nhiều người bán tín bán nghi vì làm gì có loại tre nào cho măng quanh năm được, đặc biệt vào các tháng khô hạn lại càng không thể. Có người còn nói tôi khùng, bị lừa. Lòng cũng hoang mang nhưng tôi nghĩ bụng thôi đã mua rồi nên trồng thử xem sao", ông Cua cho hay. 

Vườn tre tứ quý giúp ông Cua kiếm tiền triệu mỗi ngày (Ảnh: Bảo Kỳ).
Vườn tre tứ quý giúp ông Cua kiếm tiền triệu mỗi ngày (Ảnh: Bảo Kỳ).

 

Tre tứ quý cho măng ngay cả trong thời tiết khô hạn, không có mưa (Ảnh: Bảo Kỳ).
Tre tứ quý cho măng ngay cả trong thời tiết khô hạn, không có mưa (Ảnh: Bảo Kỳ).

Do ban đầu còn trồng dừa nên ông Cua xen tre vào giữa những cây dừa. Về sau, khi tre lớn hơn, ông đốn bỏ dừa mở rộng diện tích tre. Theo đó, tre được lão nông trồng theo mật độ 2,5m/bụi, mỗi bụi chừa khoảng 5 hoặc 6 cây tre mẹ. 

"Từ lúc ghim nhánh đến lúc ra măng mất 8 tháng thôi. Tôi không để tre mọc um tùm mà giới hạn số lượng tre mẹ trong từng bụi, cứ hết một năm tôi sẽ đốn bớt để gốc được trống, nhờ thế tre mới lớn nhanh, cho măng nhiều", lão nông U70 bật mí. 

Mỗi năm ông Cua sẽ đắp gốc tre giữ ẩm để kích thích tre ra măng (Ảnh: Bảo Kỳ).
Mỗi năm ông Cua sẽ đắp gốc tre giữ ẩm để kích thích tre ra măng (Ảnh: Bảo Kỳ).

Sau ít năm trồng thấy tre cho măng đều, bán có giá, từ 80 bụi tre ban đầu ông Cua quyết định chiết nhánh làm giống, phá bỏ hết dừa ta, chuyển hẳn sang trồng tre tứ quý. 

Chia sẻ về giống tre "hái ra tiền", ông Cua bày tỏ sự tâm đắc, bởi lẽ bản thân loại tre này đã sở hữu đặc điểm ưu việt khi cho măng bốn mùa, ít tốn công chăm sóc, không cần phân thuốc. Mỗi năm ông chỉ tốn công đắp ủ gốc tre một lần để tre cho măng. 

Măng tươi mùa nghịch giá rất cao, dao động từ 35.000 đến 40.000 đồng/kg (Ảnh: Bảo Kỳ).
Măng tươi mùa nghịch giá rất cao, dao động từ 35.000 đến 40.000 đồng/kg (Ảnh: Bảo Kỳ).

Cũng theo ông Cua, trọng lượng măng tre tứ quý khá hạn chế, dao động từ 1,2 đến hơn 2kg/mục măng. Giá bán mùa thuận chỉ 15.000 đồng/kg nhưng mùa nghịch lên đến 35.000-40.000 đồng/kg, măng vừa đến chợ đã có người mua sạch. Để có lợi nhuận cao, ông Cua tập trung sản xuất măng vào mùa nghịch, các tháng mưa ông nuôi cây và chiết nhánh bán giống, giá 25.000 đồng/nhánh. 

"Sáng sáng, tôi ra vườn kiếm vài mục măng đem ra chợ bán, thế là bỏ túi được vài trăm thậm chí cả triệu đồng. So với những loại cây từng trồng qua thực sự trồng tre tứ quý rất khỏe. Hiện tôi có 2 vườn tre với tổng diện tích 8.000m2, mỗi tháng kiếm trên 25 triệu đồng", lão nông Tây Đô cười nói. 

Theo Bảo Kỳ/Báo điện tử Dân trí

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh