ĐBSCL: Xâm nhập mặn sẽ bớt gay gắt

05:03, 11/03/2022

Xâm nhập mặn trong mùa khô năm nay ở ĐBSCL đang trong thời kỳ cao điểm. Tuy nhiên diễn biến từ đầu mùa khô đến nay, mặn không gay gắt như đã xảy ra trong các mùa khô năm trước. Trong đó, 2 yếu tố cơ bản góp phần làm xâm nhập mặn giảm về diện và lượng đó là nguồn nước về đồng bằng nhiều hơn và do ảnh hưởng của hiện tượng La Nina.

 

Cống Cái Tôm là một trong những công trình kiểm soát mặn quan trọng ở huyện Vũng Liêm.
Cống Cái Tôm là một trong những công trình kiểm soát mặn quan trọng ở huyện Vũng Liêm.

(VLO) Xâm nhập mặn trong mùa khô năm nay ở ĐBSCL đang trong thời kỳ cao điểm. Tuy nhiên diễn biến từ đầu mùa khô đến nay, mặn không gay gắt như đã xảy ra trong các mùa khô năm trước. Trong đó, 2 yếu tố cơ bản góp phần làm xâm nhập mặn giảm về diện và lượng đó là nguồn nước về đồng bằng nhiều hơn và do ảnh hưởng của hiện tượng La Nina.

Nguồn nước đầu nguồn về nhiều hơn các năm trước

Số liệu quan trắc của các cơ quan chuyên môn từ đầu mùa khô đến nay cho thấy, xâm nhập mặn năm nay ở vùng ĐBSCL không xuất hiện sớm, bất thường như mùa khô năm 2015- 2016, 2019- 2020 và 2020- 2021.

Phía sông Cổ Chiên, trong khi mùa khô 2019- 2020 (năm mặn lên kỷ lục), mặn xuất hiện rất sớm. Tại tỉnh Vĩnh Long, ngày 8- 9/12/2019, độ mặn 3,5‰ đã xuất hiện trên địa bàn huyện Vũng Liêm (cách cửa biển khoảng 60km). Nhưng từ đầu tháng 1 đến ngày 12/2/2022, mặn chưa xuất hiện ở Vĩnh Long, độ mặn tại các trạm đo đều dưới 1‰.

Đến giữa tháng 2 (vào kỳ triều cao rằm tháng Giêng), độ mặn 3‰ mới bắt đầu ảnh hưởng đến Vĩnh Long (trễ hơn mùa khô 2019- 2020 gần 2 tháng, sớm hơn mùa khô 2020- 2021 hơn nửa tháng), nhưng đỉnh mặn (độ mặn cao nhất) trong đợt này thấp hơn nhiều so cùng kỳ năm trước và cùng kỳ năm 2020.

Đến cuối tháng 2 đầu tháng 3/2022 (vào kỳ triều cao cuối tháng Giêng, đầu tháng 2 âl), đỉnh mặn tại các trạm đo trong tỉnh chỉ ở mức xấp xỉ hoặc thấp hơn một ít so với đợt rằm tháng Giêng.

Một yếu tố quan trọng nhất góp phần làm cho mặn không xâm nhập sâu vào nội vùng là từ những tháng đầu năm 2022, nguồn nước về ĐBSCL đều cao hơn các năm trước.

Theo Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam, từ giữa tháng 12/2021 đến đầu tháng 2/2022, dòng chảy thượng nguồn sông Mekong có xu thế giảm.

Tuy nhiên, do mưa kết thúc muộn đến 12/2021, lượng tích nước tại Biển Hồ (Campuchia) cao hơn so với cùng kỳ các mùa khô năm 2015- 2016, 2019- 2020, 2020- 2021. Ở ĐBSCL, mưa trái mùa xảy ra trên diện rộng, lượng mưa lớn nên dòng chảy từ thượng nguồn về hạ lưu khá lớn.

Từ ngày 19- 24/2/2022, thủy điện Cảnh Hồng (Trung Quốc) gia tăng lượng xả nước hơn 1.000m3/s, tương đương với 2 tổ máy phát điện (trước đó, từ 23/1- 7/2 xả dưới 700m3/s), nhưng từ ngày 1/3 đến nay tăng lên hơn 1.400m3/s, cộng với mưa lớn trái mùa trên diện rộng góp phần làm nguồn nước về hạ lưu gia tăng. Mực nước trên dòng chính sông Mekong tăng với cường suất trung bình 6,7 cm/ngày.

Trong đó, đến ngày 3/3, mực nước tại trạm Kratie (Campuchia) và tại Biển Hồ đều cao hơn so với trung bình nhiều năm (TBNN) và cao hơn mùa khô các năm 2015- 2016, 2019- 2020, 2020- 2021.

Ở đầu nguồn sông Cửu Long, từ ngày 25/2- 3/3, mực nước gia tăng với cường suất trung bình từ 9,2- 11,6 cm/ngày. Đến ngày 3/3, mực nước tại trạm Tân Châu và Châu Đốc cũng cao hơn TBNN và cao hơn các năm 2016, 2020. Ở Vĩnh Long, mực nước tại Mỹ Thuận ngày 3/3 là 1,54m (cao hơn so với TBNN, năm 2016 và 2020 lần lượt là 0,35m, 0,67m, 0,51m).

Ảnh hưởng của hiện tượng La Nina

Theo các cơ quan dự báo khí tượng thủy văn trong nước, hiện tượng La Nina (pha lạnh) đã ảnh hưởng đến nước ta từ tháng 9/2020 và duy trì cường độ yếu đến tháng 3/2022.

Hiện tượng này làm giảm độ mặn của nước biển ở vùng ven biển và hải đảo nước ta; làm nắng nóng không quá gay gắt, gây ra mưa trái mùa, góp phần cung cấp lượng nước đáng kể trong mùa khô.

Từ đầu mùa khô đến nay đã xuất hiện mưa trái mùa rải rác hoặc diện rộng ở vùng ĐBSCL (vào ngày 8/2 và từ ngày 22- 24/2) nên nền nhiệt độ thấp đã góp phần giảm mức độ ảnh hưởng xâm nhập mặn hơn so với dự báo trước đó.

Ở Vĩnh Long, theo Đài Khí tượng- Thủy văn tỉnh, mùa mưa năm 2021 kết thúc muộn đến đầu tháng 12/2021. Tuy nhiên, trong tháng 12/2021 có 2 đợt mưa trái mùa: Đợt từ ngày 9- 10/12 với lượng mưa nhỏ hơn 10mm và đợt từ ngày 26- 28/12 có mưa lớn trên diện rộng, lượng mưa ở trạm Vũng Liêm đo được 38,5mm.

Sau đó, đợt mưa nặng hạt từ 22- 24/2 có lượng mưa đo được tại các trạm ở Vĩnh Long từ 34,5- 54,3 mm/ngày. Tổng lượng mưa tháng 2 cao hơn so với TBNN từ 10- 27mm.

Một yếu tố nữa cũng làm dịu bớt xâm nhập mặn là gió Chướng hoạt động yếu, các xoáy thuận nhiệt đới (bão, áp thấp nhiệt đới) không xuất hiện trên Biển Đông nên không tạo yếu tố thúc đẩy xâm nhập sâu vào nội vùng.

Trong các tháng còn lại của mùa khô năm nay, theo nhận định của các cơ quan chuyên môn, trạng thái La Nina sẽ tiếp tục duy trì trong 3 tháng tới (tháng 3- 5/2022) với xác suất 77% và có khả năng chuyển dần sang trạng thái trung tính từ khoảng tháng 5- 7/2022 với xác suất khoảng 50- 60%.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, trong tháng 3, tổng lượng mưa phổ biến ở vùng ĐBSCL thấp hơn so với TBNN từ 10- 30%.

Mùa mưa có khả năng đến sớm trên khu vực Nam Bộ. Từ tháng 4- 5, tổng lượng mưa cao hơn từ 10- 25% so với TBNN. Tại Vĩnh Long, tổng lượng mưa tháng từ tháng 3 đến tháng 6 ở mức xấp xỉ và cao hơn so với TBNN.

Các yếu tố khí được dự báo nêu trên sẽ góp phần làm cho xâm nhập mặn ở vùng ĐBSCL (trong đó có Vĩnh long) bớt nghiêm trọng hơn các năm trước.

Khu vực ven biển Nam Bộ sẽ có 3 đợt triều cường ở mức cao trong khoảng thời gian từ 14- 19/3 và 28/3- 3/4 kéo theo độ mặn sông rạch cũng tăng theo các kỳ triều này, nhưng không nghiêm trọng như mùa khô năm 2019- 2020.

Tuy nhiên theo Bộ Nông nghiệp- PTNT, xâm nhập mặn ở vùng ĐBSCL còn biến động bất thường ở bất cứ thời điểm nào theo vận hành thủy điện ở thượng lưu và các thời tiết cực đoan, triều cường, gió chướng, có khả năng kéo dài tới tháng 5/2022.

Các địa phương cần thường xuyên theo dõi nguồn nước, sẵn sàng phương án ứng phó đối với các kịch bản hạn hán, xâm nhập mặn xảy ra như đã định trước.

Bài, ảnh: TRUNG CHÁNH

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh