Bà Sáu Mắm đậm đà chất miền Tây

07:03, 06/03/2022

Cái quán bà Sáu nằm tách biệt với chợ Long Hiệp (Long Hồ) nhỏ xíu, cũ kỹ, già nua y như cái tuổi ngoài 70 của bà, nhưng cũng đủ các món ăn mà thứ một ít. Riêng món mắm lóc đồng thì đã gắn bó cùng bà hơn 50 năm nay rồi, thành ra người ta cứ quen gọi bà Sáu Mắm.

 

Bà Sáu Mắm bên cái quán nhỏ của mình.
Bà Sáu Mắm bên cái quán nhỏ của mình.

Cái quán bà Sáu nằm tách biệt với chợ Long Hiệp (Long Hồ) nhỏ xíu, cũ kỹ, già nua y như cái tuổi ngoài 70 của bà, nhưng cũng đủ các món ăn mà thứ một ít. Riêng món mắm lóc đồng thì đã gắn bó cùng bà hơn 50 năm nay rồi, thành ra người ta cứ quen gọi bà Sáu Mắm.

Hồi trước bà bày bán trong chợ, nhưng già yếu bán buôn cũng không có bao nhiêu, đóng tiền thì thêm nặng chi phí nên mấy năm nay bà dời về bán tại nhà cách chợ tầm 100m, nhưng ai có mua mắm, mua rau bào thì mọi người đều chỉ tay về quán bà Sáu. Hai vợ chồng già sống trong căn nhà nhỏ, có 3 người con mà ai cũng làm ăn xa nên thành ra đơn chiếc. Có người con trai cũng trôi dạt đầu này, xứ nọ bà Sáu phải nuôi đứa cháu nội từ hồi nó chưa dứt sữa giờ đã lớn bộn học tới lớp 5 rồi mà chẳng mấy khi thấy cha mẹ nó về thăm. Cả nhà nhờ vào cái quán nhỏ xíu đó, phần già cả chậm chạp nên bán buôn hàng hóa đâu bằng người ta, được cái nhờ nhiều người thương mà ủng hộ.

Gia cảnh rầu rầu vậy, mà bao giờ cũng thấy bà xởi lởi, cười móm mém lại hay bắt chuyện rất vui. Sống nghĩa tình đâu ra đó, gặp người thân quen mua có một món bà Sáu lại hay bốc cho thêm món này, món nọ, thấy mà thương. Nhiều người nói: “Bà Sáu bán lời lóm bao nhiêu mà cứ hay bốc cho thêm”. Bà cười: “Cái nào bán thì bán, cái nào cho thì cho, con ơi. Tình nghĩa mà”.

Chị Quỳnh Châu- đại lý vé số gần nhà, hay phát gạo, phát quà cho bà con, lúc nào cũng ưu tiên nhờ người chở tới nhà bà Sáu trước. Mà khổ, mỗi lần chị Quỳnh Châu muốn ghé mua đồ ủng hộ thì thôi, bà Sáu lăng xăng bỏ thêm đủ thứ món cho thêm đem về ăn lấy thảo cho bà vui. Sáng nay, chị Quỳnh Châu ghé mua có con mắm cá lóc không biết nhiêu tiền, thấy bà Sáu nói bớt cho con đó lấy 40.000 đồng thôi. Vậy mà bà bỏ vô bọc máng lên xe nào là trái khóm, keo mắm tép, nải chuối xiêm, mấy trái chuối sống, trái chanh, cái nem, rồi sực nhớ bà chạy ra sau bếp lấy bịch rau muống đồng bào sẵn biểu: “Xách dìa ăn đi con, rau này ổng lội đi hái hổng có tốn tiền”. Chị Quỳnh Châu mắc cười mà nói: “Mua có con mắm dì Sáu lời bao nhiêu mà cho đủ thứ, lỗ chết, để con trả tiền Sáu ơi!”. Bà Sáu xua tay: “Hông à nghen, con giúp dì quá trời, mang ơn hổng hết. Sống phải có tình nghĩa trước sau chớ con”. Dù có bỏ tiền lại, bà Sáu cũng chạy theo nhét tiền vô mấy bọc thức ăn.

Cái kiểu mua bán ở quán bà Sáu Mắm thường thấy như vậy đó. Nhiều người biết, hồi đứa cháu nội còn nhỏ có khi bà không đủ tiền mua sữa cho nó, vậy chớ bán buôn là không so đo từng cắc, mà lấy cái tình làm trọng. Nghe mà thương, thấy mà cảm động lắm cái chất miền Tây quê xưa đậm đặc trong con người bà Sáu Mắm, làm cho cái quán liêu xiêu nhỏ xíu này như luôn phảng phất một không gian, kiểu sống đậm tình, hiếu khách của người Nam Bộ xưa.

Lại hỏi chuyện về tên gọi bà Sáu Mắm, bà cười hóm hỉnh: “Cháu hổng biết, chớ ở chợ này có tới 3 bà Sáu lận. Bà Sáu Xăng là bả bán xăng bằng ống bơm xăng bằng tay; còn bà Sáu Dài, ngồi đánh bài tứ sắc, vạch vú cho con bú dài lõng thõng người ta kêu bà Sáu Dài, mấy bả chết hết trơn rồi, còn dì bán mắm hồi lấy chồng tới giờ hơn 50 năm nay rồi”.

Bắt qua chuyện làm mắm, bà Sáu như được gãi trúng chỗ ngứa, câu chuyện bà biết làm khô, làm mắm từ hồi 12- 13 tuổi là rành rọt hết. Rồi bà kể tỉ mỉ hồi bà ngoại cho tới má mình chỉ từng chút cách chọn con cá lóc đồng đầu thon, không mập ú mà không ốm để làm mắm, rồi cách rang gạo thơm làm thính, cho tới cách sên đường vừa phải cho con mắm đỏ au mà không bị quá ngọt đường mà dai thịt. Mấy khạp mắm phải để đúng 5- 6 tháng mới chuẩn mắm ngon, chưng con mắm thịt thơm phức vừa chạm đũa là như tan ra mới đúng loại mắm miền Tây xưa. Ngày nay, con mắm làm bán thường bị sên đường quá nhiều thành ra đỏ mà quá ngọt, mà thịt mắm bị dai, ăn dở ẹc hà.

Bà Sáu nhắc cái thời làm mắm mỗi lần cả tấn cá lóc đồng, ủ gần nửa năm trời cho ra được 200- 250kg mắm là cùng. Giờ cá đồng khan hiếm, bà cũng già cả chậm chạp bán từng hũ mắm nhỏ 5- 10kg là cùng. Có khi không có mắm nhà lấy mắm người ta bỏ ăn không ngon “mất tiếng bà Sáu Mắm”.

Mua có con mắm, mà bà Sáu cho nhiêu đồ đó, hỏi còn gì lời.
Mua có con mắm, mà bà Sáu cho nhiêu đồ đó, hỏi còn gì lời.

Mấy nải chuối xiêm có khi bán chậm bị chín quá, lại thấy bà Sáu ngồi cán mỏng, rồi bắc ghế lên phơi trên mái tôn nhà hàng xóm. Những miếng chuối bà làm rất kỹ, thơm ngon, xé một miếng ăn thử rồi hớp chung trà bắc, lại thấy bắt ghiền, ăn thêm miếng nữa, rồi lại bắt nhớ món chuối khô ngào đường với gừng, đậu phộng những ngày tết hồi xưa. Mong bà Sáu mạnh chân, mạnh tay, tiếp tục làm ra những con mắm đậm đà hương vị miền Tây xưa y như con người bà vậy đó.

Thương quá, bà Sáu Mắm Long Hiệp!

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh