Tương lai tươi sáng cho đồng bằng

11:01, 31/01/2022

Là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất cả nước, ĐBSCL đang đối mặt nhiều thách thức, trong đó, dự báo sẽ tiếp tục chịu tác động nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nhà khoa học thì với Nghị quyết 120, ĐBSCL có một tương lai tươi sáng phía trước và nếu khéo léo còn có thể là hình mẫu cho thế giới.

Là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất cả nước, ĐBSCL đang đối mặt nhiều thách thức, trong đó, dự báo sẽ tiếp tục chịu tác động nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nhà khoa học thì với Nghị quyết 120, ĐBSCL có một tương lai tươi sáng phía trước và nếu khéo léo còn có thể là hình mẫu cho thế giới.

Thích ứng trước những thách thức

Những năm gần đây, tác động, thách thức từ biến đổi khí hậu, yếu tố tác động từ thượng nguồn sông Cửu Long và một số yếu tố khác đã và đang gây tổn thất đến sản xuất, đời sống người dân vùng ĐBSCL.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường- Trần Hồng Hà, 3 nhóm thách thức lớn đối với ĐBSCL là từ nội tại, nhóm thách thức mang tính khu vực và toàn cầu. Trong đó, khai thác nước ngầm quá mức làm mặt đất sụt lún, nước biển dâng làm tăng nguy cơ ngập lụt, thiếu hụt lượng phù sa, bùn cát bổ sung dẫn đến sạt lở…

Trong năm 2022, dựa trên các số liệu mực nước ở các hồ chứa thượng lưu sông Mekong, Tổng cục Thủy lợi dự báo tình trạng xâm nhập mặn trong mùa khô 2021- 2022 ở khu vực ĐBSCL sẽ đến sớm, tác động sâu hơn so với mức trung bình nhiều năm gần đây do mùa lũ năm 2021 khu vực ĐBSCL khép lại với con nước nhỏ. Trước những thách thức, những đe dọa mang tính sống còn này, ĐBSCL đã triển khai nhiều dự án để thích ứng.

Tại Vĩnh Long, ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT cho biết: Để “sống chung” với hạn mặn, nông dân đã nương theo tự nhiên để sản xuất.

Theo đó, hoạt động canh tác nông nghiệp đã có sự chuyển đổi cây trồng theo hướng thích ứng với hạn mặn, dời lịch xuống giống sớm hơn để “né” mặn và một số địa phương không trồng lúa vụ 3. Nông dân cũng đã chuyển sang sử dụng các giống chịu mặn, tập quán sản xuất cũng thay đổi, bà con đã biết trữ ngọt, đo độ mặn để nắm bắt tình hình, sản xuất hiệu quả hơn.

Nông dân ĐBSCL xem nước mặn là tài nguyên, linh hoạt xoay chuyển sản xuất.
Nông dân ĐBSCL xem nước mặn là tài nguyên, linh hoạt xoay chuyển sản xuất.

Tại Trà Vinh người dân đã chủ động, linh hoạt thích ứng, sống chung với hạn mặn. Như ở cù lao Hòa Minh (huyện Châu Thành)- nơi giữa hai dòng mặn ngọt, người dân đã chuyển sang mô hình lúa- tôm, chuyển từ trồng lúa sang chăn nuôi, nhờ vậy mà ổn định sinh kế, đời sống người dân phơi phới, không còn âu lo về hạn mặn.

Một số mô hình liên kết sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu tại Bến Tre cũng chứng minh hiệu quả như: mô hình chuỗi giá trị lúa sạch Thạnh Phú của Hợp tác xã Lúa- tôm huyện Thạnh Phú; mô hình tổ chức nhóm liên kết sản xuất và tiêu thụ dừa thương phẩm ở các huyện Châu Thành, Giồng Trôm và Mỏ Cày Nam…

Bên cạnh đó, Nghị quyết 120 ra đời được xem là bước đột phá lớn- có ý nghĩa định hình chiến lược phát triển bền vững ĐBSCL.

Từ nghị quyết, ĐBSCL đã chuyển mình mạnh mẽ với những tiến bộ trong cả tư duy lẫn hành động, chuyển từ bị động sang chủ động thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu, coi lũ, nước mặn, nước lợ là tài nguyên để phát triển kinh tế; từng bước cải thiện sinh kế, đời sống của người dân.

Chìa khóa là sản xuất nông nghiệp bền vững

ThS. Nguyễn Hữu Thiện- chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái ĐBSCL, cho rằng: “Nghị quyết 120 và quy hoạch tích hợp sẽ phục hồi được sức khỏe đồng bằng. Nếu khéo léo, đồng bằng có thể trở nên thịnh vượng và còn làm hình mẫu cho các đồng bằng khác trên thế giới”.

Để tháo gỡ dần những thách thức của ĐBSCL theo tinh thần Nghị quyết 120, theo ThS. Nguyễn Hữu Thiện, chìa khóa nằm ở nông nghiệp: Nếu chuyển hướng nông nghiệp thì một loạt vấn đề sẽ được tự giải quyết: giảm lúa vụ 3 thì giảm đê bao, giảm phân bón, thuốc trừ sâu, lấy lại phù sa bồi bổ cho ruộng đồng.

Đồng thời, hấp thu nước lũ vào Tứ Giác Long Xuyên, Đồng Tháp Mười, giảm ngập đô thị, đến mùa khô thì nước từ hai vùng trữ tự nhiên này sẽ bổ sung cho dòng chảy, giảm xâm nhập mặn. Như vậy, sông ngòi một lần nữa sẽ được thông thoáng, giảm sử dụng nước ngầm thì bớt sụp lún...

Cho rằng “đây là một suy nghĩ rất đúng”, GS.TS. Võ Tòng Xuân tâm đắc: Nghị quyết 120 đã đưa tới những phấn khởi cho bà con nông dân ĐBSCL.

Nông dân đã có những hành lang pháp lý để nuôi trồng những gì ngoài cây lúa có thu nhập cao hơn. Tuy nhiên, Nhà nước cần có những hỗ trợ, cần định hướng vùng nào trồng cây gì, nuôi con gì.

Chuyển hướng nông nghiệp là chìa khóa hướng tới phát triển bền vững ĐBSCL.
Chuyển hướng nông nghiệp là chìa khóa hướng tới phát triển bền vững ĐBSCL.

Và đặc biệt là cần có đội ngũ doanh nghiệp được đào tạo, ưu đãi gắn với những vùng sản xuất này, tạo điều kiện để họ tiếp cận với thị trường trong nước và nước ngoài. Từ đó, lợi tức của người nông dân và doanh nghiệp tăng lên, GDP của địa phương cũng sẽ tăng.

GS.TS. Võ Tòng Xuân cũng nhấn mạnh rằng, sau những nỗ lực chung tay của các cấp ngành, thì “sau cùng và quan trọng nhất” là phải thay đổi tư duy người nông dân.

“Nông dân bây giờ phải học để sản xuất sạch, để giữ được cái ngon, cái ngọt của cây trồng, của hạt lúa, hạt gạo… Qua đó, góp phần cùng Nhà nước thực hiện được câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Nông dân ta giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh”.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khi còn là Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh tại hội nghị phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu: “Chúng ta không hoảng hốt mà cần tìm ra lối đi, cách làm tốt nhất, khoa học nhất, phù hợp nhất, trong đó đổi mới tư duy, hành động của hệ thống chính trị nhằm mang lại những điều tốt hơn cho cuộc sống của gần 20 triệu người dân, đồng thời cùng vượt qua thách thức để có một tương lai xán lạn. ĐBSCL sẽ là một khu vực giàu có của Việt Nam gần 100 triệu dân. Tôi lạc quan về ĐBSCL của chúng ta”.

PGS. TS. Lê Anh Tuấn

Các nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà ra chính sách ở các địa phương cần tiếp tục phân tích các vấn đề trở ngại của liên kết vùng. Việc liên kết vùng cần đi vào thực chất trên cơ sở cùng có lợi từ nhiều bên thì mới bền vững.

ThS. Nguyễn Hữu Thiện

Đối với nông nghiệp thì phải gia tăng chế biến và hậu cần, phải có cảng biển và giao thông kết nối. Về công nghiệp thì ĐBSCL nên tập trung công nghiệp nhẹ, công nghiệp chế biến để hỗ trợ cho nông nghiệp.

Bài, ảnh: TUYẾT HIỀN- THẢO LY

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh