Những ngày này nông dân làng hoa kiểng Sa Đéc (Đồng Tháp) đang tất bật vào vụ Tết. Trong điều kiện bình thường mới với việc thương lái trở lại tiêu thụ ngày càng nhiều, người trồng hoa kiểng cũng hồ hởi hơn. Tuy nhiên, thị trường hoa kiểng Tết vẫn khá "ngập ngừng" khi dịch bệnh còn phức tạp và người trồng cũng phải tính toán kỹ cơ cấu từng loại giống, cây trồng để chủ động cho đầu ra.
Nhà vườn Sa Đéc chuẩn bị các mặt hàng hoa phục vụ thị trường Tết. |
Những ngày này nông dân làng hoa kiểng Sa Đéc (Đồng Tháp) đang tất bật vào vụ Tết. Trong điều kiện bình thường mới với việc thương lái trở lại tiêu thụ ngày càng nhiều, người trồng hoa kiểng cũng hồ hởi hơn. Tuy nhiên, thị trường hoa kiểng Tết vẫn khá “ngập ngừng” khi dịch bệnh còn phức tạp và người trồng cũng phải tính toán kỹ cơ cấu từng loại giống, cây trồng để chủ động cho đầu ra.
Nhịp điệu bình thường đang trở lại
Đến TP Sa Đéc, chúng tôi cảm nhận một mùa xuân mới đang đến. Trên những cánh đồng hoa, nông dân tất bật với đủ mọi công việc tưới nước, tỉa đọt, bón phân… cho các loại hoa kiểng phục vụ Tết. Nhịp sống lao động bận rộn của người dân hòa với sắc màu tươi mới của hoa lá, nơi đây dường như tạm quên đi những lo toan và khó khăn của dịch bệnh vẫn còn hiện hữu.
Mỗi vườn có loại hoa đặc trưng, tạo nên sự đa dạng cho sản phẩm làng hoa. |
Thời gian này, làng hoa gần như vắng hẳn du khách tham quan nhưng thương lái và người mua bán nhỏ “lượn tới lượn lui” nhiều hơn. Mỗi vườn đều có mặt hàng hoa, lá đặc trưng, mối lái cứ đi thẳng vào vườn lựa chọn, tùy kích cỡ chậu 7, chậu 10, cây cao 5- 7 tấc hay mét mấy… mà chủ vườn định giá tiền. Trong khi thương lái thành phố lớn đặt một lần “vài chục vườn mới gom đủ hàng giao”, thì những người mua bán nhỏ rảo qua từng vườn, lựa từng cây cho đến khi xe máy “chở hết nỗi” mới quay ra.
Vườn của cô Trúc ở phường Tân Quy Đông trồng đủ loại hàng lá: ngọc ngân, phú quý, vạn lộc, huỳnh anh, dứa vàng, cây lá màu… Mối lái đã quen, cứ vào lựa cây nào để nghiêng trên giàn là chủ vườn biết khách đã chọn. Còn vườn của chú Thanh Sơn kế bên chuyên kiểng mini tứ quý, cần thăng…
Vừa quấn kẽm định hình chậu tứ quý cho trái lúc lỉu, chú Sơn cho biết năm nay trồng chỉ 300 chậu (bằng phân nửa năm rồi) vì không biết thị trường ra sao, nhưng hiện thương lái đã đặt cọc hết, rằm tháng Chạp lấy hàng. Thương lái đặt cọc là tín hiệu vui cho nông dân, nên cũng bớt lo phần nào.
Những người mua đi bán lại thường mất thời gian đi từng vườn để tìm kiếm các mặt hàng mình cần và được khách đặt trước. Các vườn và vựa hoa kiểng cũng có giá sỉ và lẻ cho từng đối tượng khách hàng. Vườn của chú Út Hải chuyên các loại cây nội thất: đại phú gia, vạn niên thanh, đại đế, cung điện vàng, kim phát tài, trúc bách hợp… rất đa dạng, có nhiều loại đã phổ biến trên thị trường nhưng cũng có loại đang được chú trồng thử nghiệm.
“Chẳng hạn đuôi công, đuôi phụng cũng có vài chục loại, “họ” đế vương cũng đếm không xuể: đế vương xanh, đế vương vàng, đế vương nâu, còn “họ” trầu bà thì tới sáu bảy chục loại… kể không hết”- chú Út Hải cho biết. Còn có rất nhiều hàng lá độc, lạ “dân Sài Gòn thích săn tìm”, nhưng năm nay do dịch bệnh, nên lượng khách này hầu như không có.
Mối lái chỉ cần “nghiêng chậu” và trả tiền, khi nào gom đủ hàng “a lô” và cho biết địa điểm, chủ vườn lần lượt chở hàng đã được gói, bó cẩn thận giao cho khách. Tài xế xe ba gác, xe tải luôn có sẵn, họ nhìn một lượt để sắp “đồ”- hàng lá hay hàng hoa trước- sau, trên- dưới để đảm bảo không làm hư hao hàng của khách.
Sự đa dạng chủng loại hoa kiểng và linh hoạt trong cách làm dịch vụ của người làng hoa Sa Đéc đã biến nơi đây trở thành chợ đầu mối hoa kiểng hàng đầu ở miền Tây. Cái nhịp điệu sản xuất, dịch vụ nghề hoa (chậu, phân bón…) và cả vận chuyển không hẹn mà phối hợp cùng nhau rất nhịp nhàng, đã hỗ trợ rất lớn về “hậu cần” đầu ra cho người trồng hoa kiểng.
“Ngập ngừng” trên cánh đồng hoa
Dù nhịp điệu sản xuất, giao thương ở làng hoa kiểng đang dần bình thường trở lại, nhưng chúng tôi cũng nhận thấy sự “ngập ngừng” của người trồng hoa kiểng trước diễn biến khó đoán định của thị trường Tết năm nay. Do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, lượng hoa Tết năm nay chỉ bằng 60% so với năm ngoái và người trồng hoa cũng chủ động tìm hướng đi mới.
Theo cô Sáu Mai ở phường An Hòa, năm nay chỉ trồng 2.500 giỏ hoa vạn thọ, cúc mâm xôi, cát tường và đã giảm hơn phân nửa so với năm ngoái. Trồng hoa đã thành cái nghề mấy chục năm của gia đình, nên dù lo ngại dịch bệnh nhưng cũng không bỏ trồng hoa vụ Tết được.
Cúc mâm xôi xuống giống từ tháng 6 âm lịch, hiện bắt đầu nhú nụ tròn đầy và nhiều thương lái cũng đã tìm đến coi hàng, ngã giá. Năm nay thời tiết khá thuận lợi mưa ít và nắng ấm, nhưng giá vật tư, phân bón cao khiến người trồng hoa như cô Sáu Mai cứ than “chi phí tăng cao làm sao có lời!”.
Theo Phòng Kinh tế TP Sa Đéc, càng gần Tết sức mua hoa kiểng càng “nóng” sau hơn 3 tháng gần như bất động, việc hoa kiểng được tiêu thụ mạnh trở lại từ khi thực hiện “bình thường mới” giúp nông dân rất vui mừng. Hiện làng hoa Sa Đéc có hơn 2.300 hộ trồng với tổng diện tích làng hoa gần 700ha. Người trồng hoa kiểng luôn linh hoạt, chủ động lai tạo, tìm tòi các giống hoa mới, làm cho làng hoa Sa Đéc thêm phong phú, hấp dẫn.
Vườn hoa của chú Thiện ở phường Tân Khánh Đông, ngoài các loại hoa dừa cạn, hừng đông, cát tường… chú còn trồng thêm mai vạn phúc, các loại hàng lá, kiểng ăn trái mới, như: nho thân gỗ, phúc bồn tử, bàng Singapore… để vừa đa dạng mặt hàng cho khách lựa chọn, vừa bớt phụ thuộc vào thị trường Tết.
Cùng với hướng đi đó, nhiều nông dân chủ động tìm tòi các giống mới để bổ sung cho sản phẩm hoa kiểng ngày càng đa dạng hơn. Trong khi vườn của anh Tuy chuyên hoa giấy, độc đáo năm nay là hoa giấy Mỹ ngũ sắc “vừa chơi hoa, vừa có bộ đế đẹp”.
Bến lên xuống hoa kiểng tấp nập xe tải “ăn hàng”. |
Vườn chú Sáu chuyên các loại hoa trâm ổi, bông bụp, panse, kim đồng, cúc mặt trời, hoa mười giờ cũng đủ giống từ Mỹ, Thái, Úc, còn có phát tài đỏ mà theo chú Sáu “là giống Nhật, tui mới bán đi Sài Gòn hơn trăm chậu”. Vườn chị Oanh chuyên các loại hàng treo. Nhiều vườn khác chuyên hoa hồng, hoa trang, sứ, cẩm tú cầu… Cẩm tú cầu mini để bàn cũng là sản phẩm độc đáo được trồng thành công tại làng hoa Sa Đéc, thời gian hoa nở kéo dài đến 2 tháng.
Sự khác biệt của thị trường hoa kiểng Tết năm nay còn là nhiều nhà vườn đã tận dụng Facebook, Zalo… để bán hàng. Trên mạng xã hội, các loại hoa kiểng Tết đã “đổ bộ” trên các trang bán hàng cá nhân, hội nhóm mua bán. Đây là cách giúp các sản phẩm của nhà vườn tiếp cận khách hàng nhanh nhất và cũng giúp các thương lái dễ dàng tìm được nguồn hàng mà không phải trực tiếp đến tận vườn.
Nông dân đang bận rộn với hoa kiểng Tết, xe chở hàng hối hả ra vào làng hoa Sa Nhiên- Cai Dao, bến lên xuống hoa kiểng nhộn nhịp xe tải nối đuôi nhau “ăn hàng”… Tất cả báo hiệu một mùa Xuân đã đến và làng nghề hoa kiểng Sa Đéc đang dần “bình thường mới” trở lại nhịp điệu cuộc sống náo nức vốn có của “thành phố ngàn hoa” miền Tây.
Bài, ảnh: NGUYÊN HƯƠNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin