Tại sự kiện Việt Nam Festival 2021 tổ chức đầu tháng 12/2021 ở Nhật, có một gian hàng khiến không chỉ người Nhật mà cả người Việt cũng tò mò, đó là mật hoa dừa. Đây là nông sản lạ và nhiều người lần đầu tiên biết tới.
Tại sự kiện Việt Nam Festival 2021 tổ chức đầu tháng 12/2021 ở Nhật, có một gian hàng khiến không chỉ người Nhật mà cả người Việt cũng tò mò, đó là mật hoa dừa. Đây là nông sản lạ và nhiều người lần đầu tiên biết tới.
Hoa dừa được dạt một mặt để lấy mật - Ảnh: MẬU TRƯỜNG |
Mật hoa dừa ở miền Tây Nam Bộ từng được dùng làm đường tự nhiên giống như đường thốt nốt, mật mía... nhưng rồi không thể thương mại hóa nên rốt cuộc đã "ngủ quên" thành trái trên những cây dừa theo năm tháng.
Khởi nghiệp từ truyền thống
Cũng chỉ 2-3 năm trở lại đây, cô thạc sĩ công nghệ thực phẩm người Khmer Thạch Thị Chal Thy cùng chồng, thạc sĩ ngành điện Phạm Đình Ngãi, đã quyết tâm và thành công trong việc đánh thức tiềm lực bị bỏ quên này khi họ quyết định rời TP.HCM, về lại quê nhà Trà Vinh lập nên nông trại hạnh phúc Sokfarm để phát triển các sản phẩm từ mật hoa dừa. Tới nay, Sokfarm là công ty duy nhất tại Việt Nam sản xuất mật hoa dừa và các sản phẩm từ nó.
Các nhân viên trong phòng chế biến sản phẩm mật hoa dừa của Sokfarm - Ảnh: P.Đ.N |
Vợ chồng Ngãi thường nói vui, họ may mắn được thần dừa "độ trì" nên khó khăn nào rồi cũng có thể vượt qua.
Sau khi mất cả nửa năm tìm tòi cách làm, hai vợ chồng mới học hỏi được kỹ thuật khai thác mật hoa dừa truyền thống của người Khmer, rồi điều chỉnh công nghệ cô đặc chân không ở nhiệt độ 55oC để tối ưu hóa cho sản phẩm của mình. Hai vợ chồng, một người lo giải pháp công nghệ cô đặc, một người lo thiết kế máy móc để sản xuất sản phẩm này.
Một người công nhân đang lấy mật hoa dừa cho Sokfarm - Ảnh: P.Đ.N |
Tới nay, sau khi thành lập công ty từ tháng 6-2019, nông trại Sokfarm của cặp vợ chồng Ngãi - Thy đã tạo được công ăn việc làm cho 25 công nhân toàn thời gian với mức lương tháng từ 6-9 triệu đồng/người.
Họ cũng hợp tác mua mật với nhiều nông dân có tổng diện tích khoảng 25ha dừa tại địa phương, giúp họ có mức thu nhập tăng từ 3-5 lần so với bán trái. Khoảng 90% lao động đang làm và hợp tác với Sokfarm là người Khmer.
"Tôi cảm thấy việc khai thác mật hoa dừa rất phù hợp với người dân quê tôi. Phần lớn chúng tôi theo đạo Phật, luôn lấy đủ làm hạnh phúc. Người nông dân gắn bó với cây dừa mỗi ngày, có thể vui buồn, giận hờn với nó. Có thể nhiều người không tin, nhưng khi họ làm việc trong niềm vui và hạnh phúc, cái cây cũng cho họ nhiều mật hơn bình thường" - Ngãi chia sẻ.
Vợ chồng Ngãi, Thy bên nông trại của họ - Ảnh: P.Đ.N |
Nông sản Việt xứng đáng để mua, không phải giải cứu
Sản xuất tại Trà Vinh, nhưng tư duy làm ăn thì đang tiệm cận với quy mô quốc tế, nói vậy có lẽ là không quá khi nhìn lộ trình mà "ông bà chủ" của Sokfarm đang theo đuổi. Tin rằng "nông sản Việt xứng đáng để mua chứ không phải để giải cứu", Ngãi đã chủ động tìm kiếm những thị trường lớn phù hợp bên cạnh thị trường trong nước để đưa các sản phẩm của Sokfarm đến với người dùng.
Sau khi đã tiếp cận được thị trường Hà Lan, Campuchia, mới nhất mật hoa dừa của Sokfarm đã tới Nhật, qua một "bà đỡ" mát tay nhưng đầy nhiệt tâm là chị Lưu Thị Hằng. Sống ở Nhật bao năm, Hằng luôn suy nghĩ về việc vì sao Việt Nam là nước đứng thứ 7 thế giới về diện tích trồng dừa nhưng hàng hóa từ trái dừa bán ở Nhật đều có xuất xứ từ Philippines, Thái Lan.
Lô hàng mật hoa dừa đầu tiên xuất đi Nhật Bản trong tháng 10-2021 - Ảnh: P.Đ.N |
Chưa từng kinh doanh nhưng tiếp cận sản phẩm mật hoa dừa theo một cách không hề "tay ngang", Hằng đã tự học hỏi, tìm tòi tất cả những thông tin cần thiết để có thể làm được điều cô muốn: đưa mật hoa dừa Việt Nam - một nông sản đã chế biến của người Việt - sang thị trường Nhật.
Hằng tin nếu người Nhật đã ưa dùng mật cây phong của Canada và nhiều sản phẩm thuần thiên nhiên khác thì mật hoa dừa của người Việt hoàn toàn có thể là lựa chọn tiếp theo của họ. Ý tưởng thì cụ thể, rõ ràng, nhưng hành trình để đưa sản phẩm từ Việt Nam qua lại rất gian nan với quá nhiều thấp thỏm, hồi hộp từ cả hai "đầu cầu" Nhật - Việt.
Sau một thời gian gần như ngày nào cũng trao đổi với Hằng, Ngãi quyết định mang sản phẩm đi đăng ký kiểm định chất lượng để "vượt vũ môn" vào Nhật. Cho tới tháng 9-2021, hơn 300 chỉ tiêu chất lượng về an toàn thực phẩm đã phải vượt qua, hơn 100 lần chỉnh sửa nhãn bao bì sản phẩm với các yêu cầu tỉ mỉ tới cả font chữ, chưa kể công đoạn soạn thảo hồ sơ kỹ lưỡng để thuyết phục thành công cơ quan quản lý Nhật.
Chị Lưu Thị Hằng (ngoài cùng bên phải) chụp cùng anh Tạ Đức Minh (cạnh chị Hằng) - tham tán thương mại Việt Nam tại Nhật, và các bạn người Việt khác tại gian hàng nông sản Việt có dừa bật nắp uống liền, thanh long và mật hoa dừa ở sự kiện Việt Nam Festival 2021 diễn ra vào ngày 11-12/12 trong công viên Ueno, Tokyo, Nhật Bản - Ảnh: L.T.H |
Gần đây Hằng đã đưa được sản phẩm mật hoa dừa lên sàn Rakuten, một trong hai sàn thương mại điện tử phổ biến nhất tại Nhật, bên cạnh Amazon.
Ngãi cho biết Sokfarm cũng đã gửi mẫu hàng mật hoa dừa tới nhiều quốc gia khác và hy vọng những thị trường ấy sẽ sớm mở rộng cửa với mật hoa dừa Việt Nam.
Nhận giải thưởng ASEAN
Năm 2021, Sokfarm là doanh nghiệp duy nhất tại Việt Nam đoạt giải thưởng ASEAN Business Awards ở hạng mục Inclusive Business (Doanh nghiệp phát triển bao trùm).
Năm nay, Thạch Thị Chal Thy, một trong hai nhà sáng lập Sokfarm, cũng là một trong số 57 cá nhân được trao giải thưởng Lương Định Của 2021.
Theo D.KIM THOA/Tuổi Trẻ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin