Phát triển hạ tầng giao thông tạo đột phá cho ĐBSCL

06:12, 07/12/2021

"Giai đoạn tới đây, từ nay đến 2030, hệ thống hạ tầng giao thông của ĐBSCL sẽ có bước phát triển đột phá, vượt bậc"- Phó Thủ tướng Lê Văn Thành- Chủ tịch Hội đồng Thẩm định quy hoạch, nhấn mạnh như vậy tại hội nghị thẩm định Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

(VLO) “Giai đoạn tới đây, từ nay đến 2030, hệ thống hạ tầng giao thông của ĐBSCL sẽ có bước phát triển đột phá, vượt bậc”- Phó Thủ tướng Lê Văn Thành- Chủ tịch Hội đồng Thẩm định quy hoạch, nhấn mạnh như vậy tại hội nghị thẩm định Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Hạ tầng giao thông tạo động lực cho ĐBSCL phát triển.
Hạ tầng giao thông tạo động lực cho ĐBSCL phát triển.

Theo trang Chinhphu.vn, trước đó 3 tuần, dự thảo Quy hoạch đã được đưa ra lấy ý kiến tại hội nghị trực tuyến của Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL giai đoạn 2021- 2025 (vào 3/11). Đây là quy hoạch đầu tiên trong số 6 quy hoạch vùng của cả nước được hoàn thành, trình hội đồng thẩm định.

Tại hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng: phát triển “thuận thiên” và đảm bảo nguồn tài nguyên nước là cốt lõi của khu vực ĐBSCL.

Đại diện cơ quan chủ trì xây dựng quy hoạch, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, khẳng định quy hoạch đã được xây dựng một cách chặt chẽ, khoa học, đúng quy định của pháp luật, đảm bảo chất lượng: “Tài nguyên nước là yếu tố cốt lõi, bảo đảm an ninh nguồn nước, an ninh lương thực, chủ động thích nghi, sống chung với lũ, ngập, nước lợ, nước mặn, coi nước mặn, nước lợ là nguồn tài nguyên thiên nhiên theo Nghị quyết 120 của Chính phủ”.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, việc phân vùng sinh thái nông nghiệp và phân vùng chức năng của nguồn nước thành 3 vùng (vùng ngọt, vùng chuyển tiếp ngọt- lợ, vùng mặn- lợ) là phù hợp với định hướng chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp của vùng thích ứng với biến đổi khí hậu.

Để thực hiện điều này, đòi hỏi có sự thay đổi trong tư duy, quan điểm về quản lý, khai thác sử dụng tài nguyên nước và thay đổi cách thức vận hành hệ thống công trình thủy lợi phù hợp với chuyển đổi mô hình sinh kế nông nghiệp tại từng tiểu vùng sinh thái.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp-PTNT Nguyễn Thanh Nam cho rằng: Quy hoạch cần phân bố theo nhu cầu sản xuất từng ngành hàng chủ lực và nhu cầu liên kết, theo thế mạnh từng vùng và sẽ có những trung tâm động lực, điều phối liên kết vùng; nếu quy hoạch gắn với đơn vị hành chính thì khó có thể thành công.

Bên cạnh đó, phân bổ vùng sản xuất phải gắn với hệ thống hạ tầng đường bộ, đường thủy, cảng sông, cảng biển.

Một số ý kiến nêu rõ, tài nguyên quan trọng nhất là tài nguyên nước, do đó phải chủ động thích ứng, tập trung xử lý nút thắt lớn là hạ tầng giao thông, việc hình thành trục logistic quan trọng không kém việc lập các trung tâm (hub) sản xuất của vùng.

Đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp thay vì sản xuất “phó mặc cho trời”, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Mặt khác, câu chuyện “đường ra quốc tế” của các sản phẩm của vùng ĐBSCL phải thông qua TP Hồ Chí Minh trong khi hệ thống giao thông quá tải, các tuyến cao tốc như TP Hồ Chí Minh- Trung Lương- Cần Thơ thường xảy ra tắc nghẽn.

Do đó, đẩy mạnh xuất khẩu trái cây, thủy sản rất cần có cảng biển xứng tầm với tiềm năng phát triển của vùng, quy hoạch đường bộ, đường thủy logictics gắn với cảng biển.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đánh giá cao ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các chuyên gia, nhà khoa học, thành viên hội đồng cũng như nỗ lực của đơn vị tư vấn đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, 13 địa phương trong vùng để nghiên cứu một cách kỹ lưỡng, thận trọng, khoa học, bám sát các quan điểm, đường lối của Đảng và Nghị quyết 120 của Chính phủ với quan điểm phát triển ĐBSCL theo hướng
“thuận thiên”.

Trong nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước đã dành nhiều ưu tiên, trong xây dựng chính sách, huy động nguồn lực phát triển kinh tế- xã hội ĐBSCL (giai đoạn 2016-2020, tỷ trọng ngân sách của Trung ương đầu tư cho các tỉnh ĐBSCL chiếm 17%).

Ngành nông nghiệp cần đẩy mạnh cơ cấu lại để thích ứng trong bối cảnh biến đổi khí hậu.
Ngành nông nghiệp cần đẩy mạnh cơ cấu lại để thích ứng trong bối cảnh biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, ĐBSCL chưa khai thác hết tiềm năng, đầu tư chưa xứng tầm với tiềm năng, lợi thế của vùng. Đặc biệt, đầu tư cho hạ tầng giao thông chưa cao so với các vùng khác.

Vì vậy, việc sớm xây dựng, thẩm định, phê duyệt để triển khai đồng bộ Quy hoạch Vùng ĐBSCL có vai trò, ý nghĩa đặc biệt quan trọng để định hướng, xác định được trọng tâm, trọng điểm thu hút nguồn lực đầu tư phát triển trên cơ sở các tiềm năng, lợi thế của vùng.

Phó Thủ tướng yêu cầu đơn vị chủ trì và đơn vị tư vấn lập Quy hoạch vùng ĐBSCL phải đặc biệt chú trọng hệ thống hạ tầng giao thông, bảo đảm kết nối đồng bộ, thông suốt.

Cụ thể, ưu tiên phát triển hệ thống đường cao tốc có ý nghĩa chiến lược của vùng. Trước mắt, ngay trong thời gian từ nay đến 2025 sẽ triển khai đầu tư các tuyến cao tốc Cần Thơ- Cà Mau; Sóc Trăng- Châu Đốc- Cần Thơ- Trần Đề (khoảng 400km).

Đồng thời, mở rộng Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ, đầu tư, khai thác hiệu quả hệ thống đường bộ ven biển, cảng biển (trong đó có Cảng Trần Đề) và giao thông thủy, hạ tầng hàng không, hệ thống các công trình dịch vụ- hậu cần nhằm giảm chi phí logistic, hỗ trợ hiệu quả cho việc sản xuất, chế biến, xuất khẩu nông sản của vùng.

Bên cạnh đó, quy hoạch vùng ĐBSCL cũng cần chú ý hệ thống phúc lợi xã hội (y tế, giáo dục), bảo tồn, tôn tạo và phát triển bản sắc văn hóa, các công trình văn hóa, di tích lịch sử cách mạng.

Nhắc lại phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11 rằng “văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh việc, giữ gìn và phát huy các di sản thiên nhiên, lịch sử, văn hóa của từng địa phương và toàn vùng ĐBSCL, để tạo ra “sức mạnh mềm” trong phát triển kinh tế- xã hội nói chung, du lịch, dịch vụ nói riêng.

Bài, ảnh: LÝ AN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh