Kể chuyện miệt vườn trên Youtube

08:11, 12/11/2021

Bằng sự nhiệt tình, năng động và cả tấm lòng thương mến quê nhà, nhiều người trẻ đã thực hiện các video- kể những câu chuyện về cuộc sống bình dị cùng với món ăn dân dã miền quê. 

 (VLO) Bằng sự nhiệt tình, năng động và cả tấm lòng thương mến quê nhà, nhiều người trẻ đã thực hiện các video- kể những câu chuyện về cuộc sống bình dị cùng với món ăn dân dã miền quê. Với các bạn trẻ, đây là việc không chỉ thỏa đam mê, thêm niềm vui mà còn để mọi người cùng được sống, được “thưởng thức” không gian thanh bình, cảm nhận giá trị của gia đình, của thiên nhiên.

Rời phố trở về “Cuộc sống miệt vườn”

Do gia đình có biến cố nên 3 năm trước, anh Nguyễn Minh Tuấn (xã Hiếu Thuận- Vũng Liêm) đã rời TP Hồ Chí Minh để trở về quê nhà sinh sống. Lấy cảm hứng từ “game nông trại” từng chơi, anh Tuấn bắt đầu xây dựng khu vườn nhỏ từ nền đất cát san lấp cạnh nhà. Trên mảnh đất 200m2, anh Tuấn trồng rau quả ngắn ngày lo cho mỗi bữa ăn của hai mẹ con.

Kể về một ngày “miệt vườn”, anh Tuấn chia sẻ: Vừa hửng sáng, là khoác chiếc áo, đội nón lá, ra vườn nhặt những chiếc lá úa, bắt sâu rồi cắt mớ rau còn ướt sương mang vào nhà chuẩn bị cho bữa cơm.

Theo anh Tuấn, vườn rau nhà “nói không” với phân và thuốc hóa học nên việc chăm sóc cũng rất khó. Cây đang phát triển tự nhiên “rũ đọt, héo queo”, hay quên vài ngày là bị sâu ăn, chuột gặm. Do đó, phải chăm sóc, theo dõi thường xuyên.

Khu vườn nhà anh Nguyễn Minh Tuấn tại xã Hiếu Thuận- Vũng Liêm.
Khu vườn nhà anh Nguyễn Minh Tuấn tại xã Hiếu Thuận- Vũng Liêm.

Để có thể ngắm hết được vườn rau, ao cá, chuồng gà, anh Tuấn đã thiết kế một góc ghế ngoài vườn. “Mỗi sáng chiều ngồi ngắm những thứ tự tay mình nuôi trồng, cảm thấy thích thú và tự hào làm sao”- anh Tuấn cười vui vẻ.

Nhờ một người em cũng làm kênh Youtube chỉ dẫn nên anh Tuấn cũng bắt đầu làm những video đầu tiên với kênh “Cuộc sống miệt vườn”.

Anh Tuấn chia sẻ: “Những video ghi lại khung cảnh sinh hoạt của gia đình, món ăn, hoa lá và cây trái ở quê, với nhiều người thì có vẻ đơn giản quá, nhưng với những người ở thành thị, vùng miền khác, đặc biệt là người con xa quê thì những cảnh sắc ấy lại luôn là niềm mong mỏi, gợi nỗi nhớ đau đáu về quê nhà”.

Với hơn 70.000 người đăng ký theo dõi, kênh “Cuộc sống miệt vườn” của anh Tuấn đã được đón nhận. Mỗi video có hàng ngàn, hàng chục hàng lượt xem, kèm theo nhiều bình luận như “miền quê bình yên, thật yên ả mùa giãn cách”, “nhìn cảnh quê thật thanh bình, mát mắt, mát lòng”, “nhờ xem mà đỡ nhớ quê”,…

“Từ những phản hồi tích cực của người xem, tôi càng có thêm động lực, mong muốn mang những nét đẹp bình dị của quê hương đến với những người con xa quê và bạn bè trên khắp thế giới. Cuộc sống miền Tây tuy giản dị mà vui, gần gũi, thân thương lắm”- anh Tuấn bày tỏ.

Video của anh Tuấn luôn xuất hiện với hình ảnh của mẹ và những bữa cơm ấm áp do mẹ nấu. Không chỉ là “đầu bếp”, mẹ luôn là người đồng hành giúp đỡ mỗi lúc anh Tuấn cần.

Thước phim đời thường không tô vẽ mà người xem cảm thấy rưng rưng trước hình ảnh quê nhà quá đỗi yên bình. Ngoài thành viên trong gia đình, video còn có cả hàng xóm cùng quây quần hái rau, bắt ốc, nướng cá, chăm chút cho bữa cơm hàng ngày hay chuẩn bị cho ngày giỗ ông bà…

Ngoài việc giới thiệu hình ảnh quê hương, anh Tuấn muốn nhắn gửi đến những bạn trẻ, dù làm bất cứ việc gì cũng đặt hết tâm huyết của mình: “Xây dựng khu vườn thì dễ nhưng cái khó là giữ được nó trong bao lâu. Phải có thời gian dành cho khu vườn, đặc biệt phải thật sự yêu thích công việc tay chân này. Đồng thời, có thêm người bạn đồng hành để cùng xây dựng và tận hưởng thành quả thì càng tốt”.

Thanh Nhí cùng “món ngon của nội”

“Cuộc sống miệt vườn” ấm áp với những bữa cơm mẹ nấu.
“Cuộc sống miệt vườn” ấm áp với những bữa cơm mẹ nấu.

Khoảng 4 tháng nay, những video về bánh dân gian của Nguyễn Thanh Nhí- chàng trai 23 tuổi xứ sở sen hồng Đồng Tháp đã được chia sẻ dày đặc trên Tiktok và Youtube. Trên chiếc xe đạp cà tàng, chàng trai trẻ với ngoại hình nhanh nhẹn, chất giọng hài hước chạy quanh xóm tìm nguyên liệu về để cùng làm bánh với bà nội.

Những video Thanh Nhí đăng tải lên mạng xã hội đã nhận về nhiều lượt yêu thích, chia sẻ và lời khen dễ thương dành cho hai bà cháu, như: “Tui mê giọng anh này quá hà, clip vui mà nhìn bà cháu hạnh phúc quá, món nào cũng ngon mắt, hấp dẫn, thèm chảy nước bọt, chảy nước bọt…”.

Thanh Nhí cho hay: Cũng tại dịch bệnh nên Nhí mới có nhiều thời gian ở quê nhà. Thời còn trẻ, bà nội là thợ bánh, nên khi Nhí có ý định làm video về các món bánh Nam Bộ là nội gật đầu, đồng ý ngay.

Từ chiếc bánh lá mít đầu tiên được nhiều người xem yêu thích, Thanh Nhí và bà nội tiếp tục giới thiệu hàng chục loại bánh dân gian khác như: bánh cam, bánh lọt, bánh ú, bánh men, bánh rây, bánh phục linh, rồi đến sương sa, sương sáo, hay chả phượng,…

“Ngày nay, món bánh hiện đại đang dần thay thế bánh dân gian. Những công đoạn như xay bột bằng tay, nướng bánh bằng củi, nướng bánh bằng cát… cũng dần bị mất đi. Vì vậy, ngoài ôn lại kỷ niệm cùng bà, mình cũng muốn truyền tải một phần hình ảnh “tuy quen mà lạ” của tuổi thơ đến nhiều người”- Thanh Nhí bày tỏ.

Thanh Nhí cùng những món ngon của nội.
Thanh Nhí cùng những món ngon của nội.

Không chỉ cùng bà nội tạo thêm niềm vui, Thanh Nhí còn muốn truyền tải sự gắn kết với xóm giềng qua từng thước phim mộc mạc. Hình ảnh Thanh Nhí đến mượn cái nồi của bà Tám, xin trái dừa nhà cô Tư, xin trái gấc nhà bà Mười,… đã dường như quá quen ở xóm và khi làm ra được loại bánh nào là Nhí mang đi biếu xóm giềng “ăn lấy thảo”.

“Ở quê, nên có gì xin đó, có gì cho đó, xóm giềng cũng gần gũi hơn, anh em xa không bằng láng giềng gần mà”- Thanh Nhí cười.

Trong tương lai, Thanh Nhí cho biết: “Hy vọng phát triển thêm kênh Youtube với chủ đề về văn hóa, du lịch và ẩm thực các vùng miền”. Mong muốn lớn nhất của chàng trai xứ sen hồng là được làm nghề một cách chuyên nghiệp, chỉn chu, trở thành người sáng tạo nội dung trên nền tảng số, giữ gìn và lan tỏa nét đẹp quê nhà.

Bài, ảnh: THÚY LY

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh