Những nhân vật trong bài viết này bị lây nhiễm COVID-19 trong quá trình công tác. Sau thời gian ngắn "chiến đấu" với virus SARS-CoV-2, họ đã "hạ gục" chúng hoàn toàn. Thông qua Báo An Giang, họ kể lại "cuộc chiến" mình đã trải qua, chia sẻ kinh nghiệm của bản thân đến cộng đồng.
Những nhân vật trong bài viết này bị lây nhiễm COVID-19 trong quá trình công tác. Sau thời gian ngắn “chiến đấu” với virus SARS-CoV-2, họ đã “hạ gục” chúng hoàn toàn. Thông qua Báo An Giang, họ kể lại “cuộc chiến” mình đã trải qua, chia sẻ kinh nghiệm của bản thân đến cộng đồng.
Giữa tháng 7/2021, ông Lữ Văn Chài (sinh năm 1978, ngụ phường Mỹ Phước, TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang) đến xã Bình Thạnh (huyện Châu Thành, tỉnh An Giang), chuẩn bị tâm thế cho chuyến công tác nhiều ngày, khi công ty thực hiện “3 tại chỗ”. Lúc ấy, dịch bệnh đã bùng phát râm ran tại địa phương, nhưng ông nghĩ, nơi mình phụ trách đang an toàn, không nằm trong tâm dịch.
Bốn giờ sáng ngày 23/7, ông tỉnh giấc bởi 1 cuộc điện thoại, thông báo trong khu vực xuất hiện ca F0. Ông hoảng hốt, không nghĩ mọi chuyện lại tệ đến như thế. Điều này chứng tỏ, mầm bệnh đã ủ sẵn, giờ bắt đầu bộc phát. Vậy xung quanh ông, ai đang nhiễm bệnh, ai an toàn?
Ngày 25/7, tất cả nhân viên, người dân trong khu vực được test PCR. Trái với lo lắng mấy hôm nay, kết quả PCR của ông âm tính. Thở phào nhẹ nhõm chưa được bao lâu, ông lại hoảng hốt một lần nữa, khi ngày 26-/, có 2 F0 được phát hiện, mà 2 người này thường xuyên nấu nước trà và nấu cơm cho ông ăn.
“Tôi linh cảm mình không thể thoát được trận này, vì vậy chủ động cách ly với mọi người xung quanh. Chẳng biết có phải do yếu tố tâm lý hay không, đến ngày 27/7, tôi bắt đầu thấy cơ thể bất thường, mệt mỏi hơn hẳn. Ngày 28, tôi tự test nhanh COVID-19 (bằng dụng cụ trang bị sẵn), thấy 2 vạch đỏ xuất hiện, tôi biết chắc chắn mình đã “dính đòn”. Mà ngộ lắm, trước đó tôi rất lo lắng, sợ hãi. Nhưng khi xác định nhiễm bệnh, tôi trở nên bình tĩnh hơn lúc nào hết, nhanh chóng thu dọn đồ đạc, điện thoại cho địa phương, nhờ họ đưa đi điều trị. Kể từ thời điểm đó, tôi hiểu mình bước vào quá trình chiến đấu, mà bản thân không được phép thua cuộc” - ông Chài kể lại.
Lạc quan để chiến thắng dịch COVID-19 |
Nói thì nói vậy, chứ mấy ngày đầu vào khu điều trị, ông lo đủ thứ, giấc ngủ trằn trọc chỉ được 1-2 tiếng rồi giật mình tỉnh dậy. Nhưng bù lại, ông nhận được sự động viên rất lớn trong “cuộc chiến”. Đó là người vợ ở xa, hàng ngày dõi theo diễn tiến bệnh tình của ông. Đó là những người lãnh đạo công ty ông làm việc, họ thường xuyên khích lệ tinh thần, sẵn sàng chi trả chi phí chữa bệnh cho ông, dù tốn kém đến đâu. Đó là đội ngũ y, bác sĩ nơi ông điều trị, họ tận tình hỗ trợ, không nề hà vất vả, nguy hiểm.
Những điều đó xốc lại tinh thần cho ông. Cùng với kiến thức được trang bị sẵn, ông cố gắng không để bản thân gục ngã: “Từ lúc biết mình bệnh, tôi uống nước ấm liên tục, kể cả khi chưa thấy khát. Làm như vậy sẽ tránh bị sốt. Một khi sốt, cơ thể bị “vật” ngay. Đến ngày thứ 7-8, bắt đầu xuất hiện triệu chứng mất vị giác, khứu giác, hoàn toàn không cảm nhận được gì lúc ăn uống. Cơ thể yếu hơn bình thường 70-80%. Bệnh “đánh” vào phổi, nên tôi rèn luyện hít thở thường xuyên theo các bài tập yoga nhiều lần trong ngày. Phổi phải khỏe thì mới chống chọi được căn bệnh. Rồi tôi tập thể dục, đi bộ xung quanh khu điều trị…”.
Ông nói vui, mọi người bầu ông làm “tổ trưởng” trong phòng. Tâm lý chung, người nhiễm bệnh nào cũng yếu sức, yếu lòng. Ông “la rầy” họ: “Nếu không chiến đấu, chúng ta sẽ chết. Muốn chiến đấu được thì phải tập hợp lực lượng, chuẩn bị lương thực đầy đủ”. Ông ép họ cùng ăn uống, cùng tập thể dục, vận động. Từng ngày, từng ngày như thế, đến ngày thứ 10, cơ thể bắt đầu hồi phục. Kết quả, hầu hết người cùng phòng với ông đều "bình bình an an" vượt qua căn bệnh, lần lượt khỏe mạnh trở về nhà. Bản thân ông, vào khu điều trị ngày 30/7, đến 19/8 kết thúc “trận chiến”, cùng chiến thắng tuyệt đối!
Tương tự, bà T. (sinh năm 1979, ngụ TP. Long Xuyên) bị nhiễm bệnh sau chuyến công tác đến địa bàn phụ trách. Khi biết mình thuộc diện F1 nguy cơ, đang ở cơ quan làm việc, bà chủ động đi cách ly tập trung, chẳng kịp mang bất cứ đồ tùy thân gì. Trong quá trình cách ly, đến ngày thứ 7, bà bị đau đầu, nóng lạnh, mất khứu giác.
“Thật sự, tôi rất hoang mang, lo lắng khi trở thành F0. Nhưng với trách nhiệm của cán bộ nhà nước, tôi buộc phải giữ vững tinh thần, truyền năng lượng tích cực đến mọi người xung quanh. Tôi vận động họ cùng ăn, cùng tập thể dục, xông hơi, súc miệng sát khuẩn. Tôi dặn họ đừng buồn lo, hạn chế uống thuốc, thay vào đó hãy tự tạo kháng thể cho bản thân. Suốt quá trình điều trị, tôi chẳng dùng viên thuốc nào” - bà T. chia sẻ.
Những F0 trên đã trở lại công việc và khỏe mạnh như trước. Trao đổi với tôi, họ tự nhận bản thân rất may mắn, khi trải qua quá trình điều trị COVID-19 một cách nhanh chóng, nhẹ nhàng. Từ kinh nghiệm cá nhân, họ rút được 3 điều quan trọng. Thứ nhất, cần giữ khoảng cách an toàn khi tiếp xúc, thực hiện đúng thông điệp “5K”, vì không biết ai đang mang mầm bệnh trong người. Thứ hai, nếu đã nhiễm bệnh, xin đừng để lây nhiễm cho người khác, phải tự cách ly ngay. Thứ ba, luôn giữ tinh thần lạc quan, tích cực, không để cơ thể thiếu nước; ăn uống đầy đủ để có sức chống lại bệnh tật. Đó chính là liều thuốc mang tính chất quyết định để đánh bại virus SARS-CoV-2!
Vượt qua nỗi sợ bị kỳ thị vì đã từng là F0; không ngại đưa câu chuyện của mình lên mặt báo, họ muốn bày tỏ sự tri ân đến những người đã làm chỗ dựa tinh thần cho mình suốt nhiều ngày điều trị. Đồng thời, họ muốn tiếp thêm sức mạnh cho những F0 khác, giúp mọi người trở thành “chiến sĩ quả cảm”, quyết tâm chiến thắng COVID-19. Kể cả khi lành bệnh rồi, họ vẫn là “chiến sĩ” trên mặt trận tuyên truyền, tiếp sức cho cộng đồng cùng vượt qua đại dịch.
Theo GIA KHÁNH (Báo An Giang)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin