"Thủ phủ hoa" Đồng Tháp, sản xuất vụ tết trong lo âu

02:10, 27/10/2021

Từ khoảng giữa tháng 6 đến tháng 10 âm lịch hàng năm, nông dân tại Làng hoa Sa Đéc (Đồng Tháp) đã bắt tay vào việc xuống giống các loại hoa, kiểng phục vụ cho dịp Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của tình hình dịch COVID-19 nên năm nay nhiều vườn hoa chỉ "xuống giống cầm chừng", sản lượng hoa phục vụ Tết Nguyên đán Nhâm Dần ước giảm khoảng 40%.

Nông dân Làng hoa Sa Đéc xuống giống “cầm chừng” vụ hoa tết.
Nông dân Làng hoa Sa Đéc xuống giống “cầm chừng” vụ hoa tết.

Từ khoảng giữa tháng 6 đến tháng 10 âm lịch hàng năm, nông dân tại Làng hoa Sa Đéc (Đồng Tháp) đã bắt tay vào việc xuống giống các loại hoa, kiểng phục vụ cho dịp Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của tình hình dịch COVID-19 nên năm nay nhiều vườn hoa chỉ “xuống giống cầm chừng”, sản lượng hoa phục vụ Tết Nguyên đán Nhâm Dần ước giảm khoảng 40%.

Tại “thủ phủ hoa” lớn nhất Miền Tây này hiện có khoảng 2.300 hộ dân sinh sống bằng nghề kinh doanh- sản xuất hoa kiểng. Năm nay không khí có phần trầm lắng, do dịch bệnh còn phức tạp, điều kiện đi lại, tập trung nhân công chăm sóc hoa kiểng, giao thương tìm đầu ra gặp nhiều trở ngại, khiến cho bà con có tâm lý “e dè” trong sản xuất.

Theo Phòng Kinh tế TP Sa Đéc, để chuẩn bị cho vụ hoa Tết Nguyên đán Nhâm Dần, Làng hoa Sa Đéc dự kiến xuống giống diện tích 70ha, giảm 40ha so với các năm trước.

Theo ông Trần Văn Tiếp- Chủ nhiệm Hội quán “Tôi Yêu Màu Tím” (TP Sa Đéc), hội quán có 20 thành viên, bình quân mỗi năm sẽ cung cấp cho thị trường tết khoảng 150- 200 ngàn chậu hoa. Tuy nhiên, năm nay sản lượng chỉ còn khoảng 50.000 chậu. “Dịch bệnh kinh tế sụt giảm trong khi đó mặc hàng hoa không phải là thiết yếu nên sẽ không được quan tâm nhiều. Đầu ra sẽ rất khó khăn nên bà con không dám trồng nhiều là dễ hiểu!”- ông Tiếp cho biết.

Để duy trì trong thời điểm này, nhiều bà con tại đây đã mạnh dạng chuyển đổi sang trồng các loại cây kiểng công trình. Bởi, theo giải thích của ông Trần Văn Tiếp: “Hoa kiểng công trình trồng rất dễ, chi phí đầu tư thấp nên ít rủi ro hơn trồng hoa. Nếu bây giờ không bán được thì cứ tưới nước để đó bán dần, không phải như hoa đến thời điểm rực rỡ là nhất định phải bán cho kỳ được.”

Tượng tự, chị Đặng Thị Hồng Phượng, ngụ phường Tân Quy Đông (TP Sa Đéc) cho biết, mặc dù vẫn tiếp tục duy trì vụ hoa xuân với khoảng 5.000 chậu, nhưng chủ yếu tăng sản lượng cây kiểng công trình lên 4.000 chậu, còn hoa truyền thống. “Cái nghề rồi, đến mùa không mần buồn lắm nên mần đại. Hy vọng tình hình dịch bệnh ổn định hơn để tôi với bà con đỡ lo.”- chị Phượng chia sẻ.

Giá phân bón bình ổn nhưng ế ẩm.
Giá phân bón bình ổn nhưng ế ẩm.

Trong khi tại các vựa, cơ sở kinh doanh phân rơm, phân bò, xơ dừa giá ổn định, song lại rơi vào cảnh ế ẩm. Ông Nguyễn Văn Út- chủ cở sở kinh doanh phân trồng Út Bình An (ấp Khánh Hòa, xã Tân Khánh Đông- TP Sa Đéc), cho biết: “Buôn bán chán lắm. Nếu như trước đây, hàng tháng cơ sở cung ứng cho thị trường khoảng 5.000 bao tro, 1.000 bao phân rơm, 13.000 bao phân dừa, 3.000 bao phân bò thì giờ sản lượng đã giảm hơn 40%.”.

Một vụ hoa tết “không mong muốn” với người trồng hoa tại “thủ phủ hoa” lớn nhất miền Tây ngay từ đầu vụ. Điều mà người trồng kỳ vọng nhất trong lúc này là dịch bệnh sớm được đẩy lùi, giao thương thông suốt, để việc thu hoạch mua bán, thời điểm cận tết giá cả thuận lợi hơn.

Bài, ảnh: NGỌC LIỄU

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh