Sống cùng lũ nhỏ

07:10, 15/10/2021

Đầu tháng 9 (âm lịch), con nước lũ chỉ lên mấp mé bờ ruộng khiến cho dân câu lưới chồng chất nỗi lo. Để trang trải cuộc sống gia đình, nhiều người đã chọn hướng mưu sinh khác, trong khi vẫn có số ít cố gắng níu giữ hy vọng vào con nước cuối mùa.

 

Người dân câu lưới cố gắng mưu sinh trong lũ nhỏ
Người dân câu lưới cố gắng mưu sinh trong lũ nhỏ

Đầu tháng 9 (âm lịch), con nước lũ chỉ lên mấp mé bờ ruộng khiến cho dân câu lưới chồng chất nỗi lo. Để trang trải cuộc sống gia đình, nhiều người đã chọn hướng mưu sinh khác, trong khi vẫn có số ít cố gắng níu giữ hy vọng vào con nước cuối mùa.

Vất vả mưu sinh

Sáng sớm, con đường cặp kênh Vàm Xáng Vịnh Tre (huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) vắng ngắt bởi người dân hạn chế ra đường do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Thế nhưng, vẫn có mấy chiếc xuồng con lặng lẽ men theo bờ kênh giăng lưới bắt cá. Với ngư dân, lũ về là lúc mẹ thiên nhiên ban cho họ nguồn sống để tích lũy những tháng mùa khô, nhưng con nước năm nay xem chừng đã “keo kiệt” chứ không còn hào phóng như xưa.

Bỏ lại sau lưng những nhịp chèo nặng nhọc, anh Nguyễn Văn Dần (người dân xã Thạnh Mỹ Tây, huyện Châu Phú) thư thả buông từng thước lưới xuống dòng nước đặc quánh phù sa.

Nheo nheo mắt nhìn theo những chiếc vỏ chai làm dấu trôi lềnh bềnh, anh Dần tâm sự: “Cá mắm hổm nay yếu lắm. Sáng giờ thả lưới rồi kéo lên cả chục lần mà dính chưa tới 10 con cá.

Năm nay, nước lên chậm mà nhỏ quá nên đời sống gia đình tui rất vất vả. Lúc còn giãn cách, không ra khỏi nhà nên khổ lắm. Giờ đi kiếm cá ăn được cũng đỡ hơn.

Tui định kiếm việc gì khác để làm nhưng dịch còn phức tạp quá nên không dám đi. Giờ sẵn có lưới, có xuồng nên đem ra kiếm mớ cá ăn, dính nhiều thì mình bán cho chòm xóm kiếm thêm 50.000-70.000 đồng/ngày cho vợ con đỡ lo”.

Trông cái dáng vẻ khắc khổ của anh Dần, người ta dễ liên tưởng đến cảnh tình chung của dân “bà cậu” trong mùa nước năm nay. Đây không phải là lần đầu tiên lũ nhỏ, nhưng mấy năm trước họ chỉ đối mặt với cái khó trong kế sinh nhai. Giờ đây, dịch bệnh ập đến khiến ngư dân đã khó càng thêm khó.

Từ chỗ là cơ hội giúp ngư dân tích lũy để sắm sửa trong gia đình hay chăm lo nhà cửa đón Tết, mùa lũ năm nay đã biến thành nỗi buồn và chỉ đủ cho họ đắp đỗi qua ngày.

“Tới giữa tháng 9 (âm lịch) nước phân đồng, hy vọng cá mắm sẽ khá lên. Giờ tui cũng ráng kiếm cá mỗi ngày nên đủ ăn trong nhà. Mấy tháng mùa khô, tui đi làm thuê nhưng giờ không có ai mướn nên đành chịu. Đâu chỉ mình tui khổ, anh em theo nghề này đều như vậy hết.

Chờ thời gian nữa, tui đi kiếm việc gì đó có thu nhập ổn định để làm, chứ đeo theo nghề “bà cậu” này riết không sống nổi. Tết tới nơi, mình phải ráng kiếm ít đồng dư để còn sửa soạn trong nhà cho ấm cúng mấy ngày đầu năm” - anh Dần trải lòng.

Thích nghi cùng lũ nhỏ

Mấy cánh đồng ven tuyến kênh 13 (xã Đào Hữu Cảnh, huyện Châu Phú) mùa này ràn rạt gió. Con nước đã vào đồng, nuốt chửng gốc rạ nhưng chưa cao quá đầu gối. Bởi thế, dân câu lưới chủ yếu đánh bắt cá dọc bờ kênh hoặc những chỗ ruộng sâu.

Thả chiếc xuồng bồng bềnh trôi giữa dòng kênh đầy nắng, anh Dương Văn Đặng (người dân xã Đào Hữu Cảnh) hào sảng trả lời theo mấy câu hỏi của tôi.

“Năm nay, nước nôi lẹt đẹt kiểu này thì cá mắm gì đâu. Tui chỉ thả ít tay lưới lúc rảnh để kiếm thêm, chứ hổm nay đi mần mướn cho người ta.

Thấy nước năm nay nhỏ, tui sắm sửa bộ đồ nghề xịt lúa mướn rồi rủ thêm mấy người trong xóm đi làm chung. Đồng gần cũng tới mà đồng xa cũng đi, miễn sao có tiền trang trải cuộc sống.

Hồi trước, tháng nước thì chỉ cần chiếc xuồng, mấy tay lưới, vài chục cái lờ cũng đủ sống. Bây giờ nước nhỏ quá, mình làm đủ thứ để có cái ăn, chứ không thể đeo theo nghề “bà cậu” hoài được”- anh Đặng cho hay.

Lũ về nhưng còn thấp nên dân câu lưới phải cố gắng thích nghi
Lũ về nhưng còn thấp nên dân câu lưới phải cố gắng thích nghi

Dù chỉ là kiếm thêm nhưng anh Đặng khá chú tâm vào mấy tay lưới của mình. Có lẽ, anh thay đổi là để thích nghi với cuộc sống khó khăn hiện nay, chứ nghề “bà cậu” đã thấm sâu vào máu của ngư dân này.

Anh Đặng chia sẻ, cứ thấy nước tràn đồng là tay chân ngứa ngáy, muốn xuống xuồng để kiếm con cá, con cua. Cái mùi hăng hăng gốc rạ của nước lũ và những cơn gió tới tấp giữa đồng xa đã gắn bó với anh từ nhỏ đến giờ.

Không kiếm thêm nghề tay trái như anh Đặng, anh Trần Văn Liệt (ngụ xã Ô Long Vĩ) lại thay đổi kế mưu sinh theo con nước. Thay vì giăng lưới bắt cá, anh chuyển sang ủ lươn. Cách làm này khá hiệu quả với mực nước thấp, vì đặc tính loài lươn thích chỗ ấm, gần bờ mà không quan trọng nước nông hay sâu.

Nhanh tay đắp cỏ cao lên thành từng ụ dọc theo bờ ruộng, anh Liệt cho biết, vài hôm nữa sẽ quay lại dùng chiếc vợt lớn luồn xuống phía dưới để xúc cả ụ cỏ lên.

Lươn trú trong ụ cỏ dính luôn vào vợt, rồi sau đó cho xuống dưới khoang xuồng. “Nếu may mắn, có ngày tui kiếm được vài ba ký lươn. Hôm nào yếu thì cũng được hơn ký.

Tùy lươn lớn hay nhỏ mà bạn hàng cân cho tui với giá 120.000-160.000 đồng/kg. Lươn đồng tươi ngon nên họ bán được lắm. Mình bắt dính bao nhiêu họ cũng mua toàn bộ. Có điều mấy nay gió nhiều, sóng lớn, lươn ít chịu vô ụ nên tui bắt được ít lắm” - anh Liệt thiệt tình.

Dù biết vẫn còn khó khăn, nhưng những người sống theo mùa lũ vẫn đang ngày đêm miệt mài mưu sinh. Có người tiếp tục gắn bó, có người kiếm thêm nghề “tay trái”, có người thay đổi cách đánh bắt… nhưng tất cả họ đều đang hy vọng tương lai tươi sáng khi đại dịch đi qua, để mọi người có thể yên tâm tìm kiếm nguồn sống cho mình.

Theo THANH TIẾN (Báo An Giang)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh