Tháng 7 vừa qua, xã Trường Long Tây, huyện Châu Thành A, đã được hội đồng thẩm định của tỉnh công nhận đạt các tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao năm 2021. Vì vậy, địa phương đặc biệt quan tâm hỗ trợ nông dân vùng nông thôn mới duy trì sản xuất, nâng cao giá trị và đầu ra cho hàng nông sản.
Tháng 7 vừa qua, xã Trường Long Tây, huyện Châu Thành A, đã được hội đồng thẩm định của tỉnh công nhận đạt các tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao năm 2021. Vì vậy, địa phương đặc biệt quan tâm hỗ trợ nông dân vùng nông thôn mới duy trì sản xuất, nâng cao giá trị và đầu ra cho hàng nông sản.
Mô hình cam xoàn của anh Chánh. |
Bà Lê Thị Mỹ Trang, Phó Chủ tịch UBND xã Trường Long Tây, cho biết: Người dân trong xã đa số sống bằng nghề nông.
Ngoài diện tích cây trồng chủ lực là lúa thì địa phương đã và đang nhân rộng nhiều mô hình nông nghiệp có hiệu quả khác như trồng màu dưới ruộng, nuôi lươn, trồng thanh long, dưa hấu, dâu xanh, mít…
Đặc biệt, trong đợt dịch bệnh diễn ra phức tạp và thực hiện nghiêm giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, ngành chức năng địa phương đã hỗ trợ nông dân để tiêu thụ nông sản cũng như vững tâm sản xuất, ổn định thu nhập mà vẫn thực hiện tốt các chỉ thị của Nhà nước đưa ra.
Cũng nhờ sự đặc biệt quan tâm của địa phương mà nhiều nông dân vượt qua được khó khăn trong đợt dịch bệnh. Như ông Châu Chí Lèo, ở ấp Trường Thuận, xã Trường Long Tây, không còn lo đầu ra, đầu vào của cánh đồng lúa nhà mình.
Bởi từ vụ lúa Đông xuân năm 2020-2021, ông đã trở thành thành viên của HTX Nông nghiệp Trường Long Tây.
Vào HTX, ông được hướng dẫn thực hiện mô hình sản xuất lúa tiêu chuẩn an toàn, được liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản.
Bởi, HTX thực hiện được nhiều dịch vụ như bán phân, thuốc bảo vệ thực vật, cung ứng giống, tổ chức phun thuốc bằng thiết bị máy bay không người lái, hỗ trợ làm đất, thu hoạch với giá cả rẻ hơn bên ngoài. Từ những dịch vụ này, ông Lèo làm nông nhàn hơn, chi phí nhẹ hơn nên được lợi nhuận nhiều.
Bên cạnh cây lúa, mô hình trồng thanh long ruột đỏ cũng mang lại hiệu quả cao ở xã Trường Long Tây. Ông Đinh Công Giàu, ở ấp Trường Phước, đã thành công với mô hình này hơn 7 năm qua. Chỉ với 3 công đất, ông đã trồng được gần 400 gốc thanh long ruột đỏ.
Trung bình những năm trước, ông Giàu thu hoạch được hơn 10 tấn trái, giá bán từ 35.000-45.000 đồng/kg, thu lợi nhuận hơn 200 triệu đồng/năm.
Mô hình thanh long ruột đỏ đang mang lại hiệu quả kinh tế rất cao, đến nay, từ 3 công ban đầu, nhiều hộ dân lân cận nhân rộng lên 4ha.
Và tổng diện tích toàn xã đã nâng lên hơn 8ha với 13 hộ tham gia. Hiện tại, thanh long ruột đỏ đã trở thành một trong các cây trồng chủ lực của xã Trường Long Tây.
Năm nay, gặp dịch bệnh và giãn cách xã hội, thương lái mua thanh long đến từ tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh không đến mua được nên có ảnh hưởng, giá giảm còn 10.000 đồng/kg đối với trái loại 1.
Tuy nhiên, ông Giàu cũng bán được thanh long khi đến đợt thu hoạch nhờ cán bộ khuyến nông địa phương tìm đầu ra, tiêu thụ ổn định.
Cũng rơi vào vụ thu hoạch ngay đợt dịch bệnh, mô hình cam xoàn của anh Chánh, ở ấp Trường Phước, gặp không ít khó khăn trong tiêu thụ. Hơn 12 tấn cam xoàn sẽ không thể bán hết nếu không nhận được sự hỗ trợ tiêu thụ từ ngành nông nghiệp địa phương.
Anh Chánh bày tỏ: “Hồi trước, thương lái mua cam vào tận vườn, nhưng năm nay không đến được nên tôi cùng các cán bộ nông nghiệp xã, huyện hái trái chở từng chuyến xe Honda ra điểm tập kết để vận chuyển về các nơi tiêu thụ. Tuy có vất vả, giá không cao nhưng cũng thu hồi được vốn, tiền phân, tiền công cả năm bỏ ra.
Số lượng vật nuôi, thủy sản của xã Trường Long Tây cũng không ít. Vì vậy, địa phương cũng quan tâm hỗ trợ, hướng dẫn người dân chăn nuôi. Trong đó, phân chia giai đoạn, sản lượng thu hoạch để tránh ùn ứ, dội hàng trong tiêu thụ.
Như hộ ông Hồ Văn Giải Phóng, ở ấp Trường Thuận, đã biết chia nhỏ sản lượng lươn thịt nuôi từng đợt để cung ứng đều đặn cho thị trường.
Ông Giải Phóng thông tin: “Tôi nuôi lươn nhiều năm nay nhưng chưa bao giờ bị dội hàng, tuột giá vì tôi chia ra từng đợt nuôi trên nhiều bể. Mỗi đợt, tôi nuôi từ 7.000-10.000 con.
Hiện nay, đàn lươn của tôi đã được 6-7 tháng tuổi, thu hoạch không rơi vào lúc giãn cách nên không lo mất giá. Hơn nữa, được học kỹ thuật nuôi nên tôi cũng biết cho ăn thức ăn vừa phải, điều khiển trọng lượng để thu hoạch như thời gian mong muốn”.
Cán bộ khuyến nông xã Trường Long Tây Bùi Thị Kim Tiền cho biết: Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, đã có gần 30 tấn nông sản của bà con được hỗ trợ kết nối tiêu thụ.
Hiện tại, địa phương chỉ còn số lượng ít nông sản đến ngày thu hoạch và các loại vật nuôi thủy sản nhưng không lớn, bà con có điều kiện tiêu thụ do hết giãn cách.
Thực hiện theo chỉ đạo của các cấp, xã đang tiếp tục vận động người dân duy trì sản xuất theo hướng an toàn, chất lượng để phục vụ nhu cầu thị trường sau thời gian dài thiếu hụt vì dịch bệnh. Từ đó cũng giúp bà con phát triển nông nghiệp bền vững, tăng thu nhập cho xã nông thôn mới nâng cao.
Theo TRÚC LINH (Báo Hậu Giang)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin