Các địa phương trong vùng ĐBSCL từng bước nới lỏng và đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine để tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động quay trở lại làm việc. Đây là những tín hiệu tích cực để doanh nghiệp trở lại sản xuất sau một thời gian dài "ngủ đông", với muôn vàn khó khăn.
Các địa phương trong vùng ĐBSCL từng bước nới lỏng và đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine để tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động quay trở lại làm việc. Đây là những tín hiệu tích cực để doanh nghiệp trở lại sản xuất sau một thời gian dài “ngủ đông”, với muôn vàn khó khăn.
Cần nới lỏng kịp thời hơn để phục hồi kinh tế
Theo Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thành, Trường Chính sách công và Quản lý, Đại Học Fulbright Việt Nam, vừa qua, trong cơ cấu các ngành, chỉ riêng nông nghiệp tăng trưởng dương, còn lại tất cả các ngành đều tăng trưởng âm. Từ đó, dẫn đến GDP của nước ta Quý III giảm đến 6,17% so với Quý II.
Ông Thành cũng cho rằng, việc tập trung nỗ lực hồi phục trong Quý IV là cứu cánh trong phục hồi kinh tế. Do vậy, cần phải nới lỏng kịp thời hơn nữa và phải “mở” bền vững.
Mở cửa thời điểm này cũng có thêm kỳ vọng từ “sức cầu của thị trường toàn cầu”, khi nhiều thị trường lớn đã mở cửa trở lại, đặc biệt là các thị trường nước ta có tham gia hiệp định thương mại.
Phải rõ vai trò liên kết vùng ĐBSCL trong phát triển kinh tế, xã hội |
Nêu quan điểm về vai trò liên kết vùng trong phục hồi, phát triển kinh tế sau dịch Covid-19, ông Nguyễn Xuân Thành cho rằng: “Từng địa phương thấy nhu cầu thiết yếu có thể từng vùng như duyên hải Nam trung bộ, Tây Nguyên hay Tây Nam bộ nếu như các lãnh đạo địa phương tự thấy được quyền lợi, thì sẽ tự liên kết với nhau, nhưng tôi không hy vọng tự thấy để hợp tác với nhau bởi như thế chuyển biến vẫn rất lâu”.
Tạo điều kiện để khôi phục sản xuất kinh doanh
Tại ĐBSCL, sau 3 tháng tập trung phòng, chống dịch Covid-19, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, đến nay, tình hình dịch bệnh trên toàn vùng cơ bản được kiểm soát. Trong đó, riêng ở tỉnh Đồng Tháp, hiện có hơn 200 doanh nghiệp đã dần sản xuất trở lại.
Giao thông kết nối nội vùng, liên vùng để thúc đẩy lưu thông hàng hóa |
Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, doanh nghiệp trong tỉnh đã có sự chuyển biến và chuẩn bị các điều kiện để tái hoạt động, sản xuất, kinh doanh.
Cộng đồng doanh nghiệp chính là nhân tố thiết yếu, doanh nghiệp mạnh thì kinh tế sẽ mạnh. Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Đồng Tháp đã thành lập Ban hỗ trợ để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và sẽ có chính sách ưu tiên để doanh nghiệp tái hoạt động, sản xuất.
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho rằng, vấn đề yếu nhất của vùng ĐBSCL chính là sự thiếu liên kết vùng, Nghị quyết 120 của Chính phủ đã chỉ rõ vấn đề liên kết vùng và thời gian qua cũng đã đặt ra rất nhiều nhưng sự gắn kết vẫn chưa đạt hiệu quả.
Lấy ví dụ về sự liên kết, ông Phạm Thiện Nghĩa cho rằng, “muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì phải đi cùng nhau”, cho thấy vai trò liên kết vùng đặc biệt quan trọng.
Trong bối cảnh phòng chống dịch bệnh Covid-19 vừa có những tín hiệu tốt và đẩy mạnh phục hồi sau dịch thì càng phải có sự chung sức, đồng lòng để thực hiện. Đối với Đồng Tháp đã xây dựng được những kịch bản để phục hồi kinh tế sau dịch và từng bước thích nghi và sống chung với dịch Covid-19.
“Tỉnh cũng đã xây dựng được những kịch bản để phục hồi, phát triển kinh tế trong những tháng cuối năm. Trong tình hình hiện nay chúng ta cũng phải từng bước để thích nghi và sống chung với dịch.
Đồng Tháp cũng đã tập trung, hướng tới mở những hội nghị để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp để thực hiện, khôi phục lại. Tuy nhiên, sau một thời gian đã ngưng nghỉ, các doanh nghiệp không thể nào khôi phục, trở lại đồng loạt ngay được mà phải có lộ trình”, ông Phạm Thiện Nghĩa cho biết.
Vai trò của liên kết vùng trong phục hồi kinh tế
Trong cao điểm gần 3 tháng phòng chống dịch bệnh vừa qua, thực tế cho thấy, mỗi địa phương trong vùng đưa ra những quy định khác nhau trong công tác phòng, chống dịch.
Trong đó, nổi lên nhất là vấn đề giao thông vận tải đã khiến cho nhiều mặt hàng nông sản bị đứt gãy do khâu lưu thông vận chuyển bị tắc; doanh nghiệp không có nguồn nguyên liệu để sản xuất trong khi người dân chật vật tìm đầu ra cho nông sản.
Qua đó cho thấy, chính sự thiếu liên kết giữa các địa phương, doanh nghiệp đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng của nhiều ngành hàng. Đây là điều các địa phương ĐBSCL cũng thấy rõ, nhưng để tạo sự liên kết thì có quá nhiều bất cập.
Vấn đề yếu nhất của vùng ĐBSCL chính là sự thiếu liên kết vùng |
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, liên kết vùng ĐBSCL trước giờ được nhắc đến rất nhiều.
Tuy nhiên, nhìn lại về liên kết trong suốt thời gian qua thì vẫn chưa đủ, mặc dù Nghị quyết 120 về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu đã đề cập nhưng sự liên kết này chưa được thể hiện hiệu quả.
Trong đó, vẫn còn lúng túng khi thực hiện, nhất là trong nhiều tháng qua, khi các địa phương tập trung phòng chống dịch bệnh.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, không gian kinh tế vùng là sự hội tụ của 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL để cùng nhau xây dựng chiến lược để phát triển.
Nếu tách rời từng thực thể thì rất khó bền vững, nhất là xây dựng các chuỗi ngành hàng, cung ứng. Vì vậy, theo người đứng đầu ngành nông nghiệp đất nước, vai trò liên kết rất quan trọng trong quá trình phục hồi của các doanh nghiệp khi bắt tay vào tái sản xuất, kinh doanh sau dịch không chỉ giải quyết vấn đề tiêu thụ nội địa, mà còn giải quyết vấn đề xuất khẩu.
Bên cạnh đó, nông nghiệp và công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ phải được gắn kết chặt chẽ bằng các mô hình “Cụm liên kết ngành trong nông nghiệp”.
“Không gian phát triển và tích hợp đa giá trị phải chăng chính là cái để chúng ta thay đổi cái cũ, vượt lên cái cũ, nó không phải trở lại bình thường mà hơn cái bình thường để chúng ta vừa phục hồi mà vừa có mục tiêu phát triển mạnh mẽ hơn, nó tạo ra những giá trị hơn. Đối với ĐBSCL, trong chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn của Bộ thì chúng tôi chú trọng đến kinh tế nông thôn”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu rõ.
Chính sự thiếu liên kết giữa các địa phương, doanh nghiệp đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng của nhiều ngành hàng và người dân chịu thiệt thòi |
Còn theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, nền kinh tế của Việt Nam trong nền kinh tế thị trường, không thể là phép cộng của các nền kinh tế của các địa phương. Và việc liên kết vùng chính là các doanh nghiệp, các chuỗi cung ứng được thiết lập, các doanh nghiệp sẽ đóng vai trò liên kết, lan tỏa.
“Các nền kinh tế trong nền kinh tế của chúng ta chính là các chuỗi cung ứng trong nền kinh tế. Mỗi chuỗi cung ứng như là một nền kinh tế.
Cũng giống như tập đoàn xuyên quốc gia bản thân họ là những nền kinh tế trong nền kinh tế toàn cầu, chứ không phải nền kinh tế trong phạm vi biên giới từng quốc gia, các chuỗi cung ứng không có biên giới, không có địa giới hành chính”, ông Vũ Tiến Lộc nêu quan điểm.
Khi các địa phương vùng ĐBSCL dần kiểm soát dịch bệnh, nới lỏng giãn cách, chính là cơ hội “vàng” để khởi động, phục hồi nền kinh tế, các doanh nghiệp đang từng bước hoàn thiện kịch bản, kế hoạch để thích nghi và phục hồi trong giai đoạn tới.
Trong đó, để thực hiện hóa được mục tiêu, rõ ràng vấn đề liên kết vùng đóng vai trò quan trọng không chỉ tạo ra không gian phát triển của ngành hàng mà sự liên kết này chặt chẽ sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phục hồi tăng trưởng sau dịch./.
Theo Nhóm PV/VOV
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin