Các tỉnh miền Tây đưa cán bộ chủ chốt xuống vùng dịch

05:09, 17/09/2021

Các tỉnh như Tiền Giang, Kiên Giang, An Giang... đang triển khai nhiều biện pháp quyết liệt để dập dịch.

Các tỉnh như Tiền Giang, Kiên Giang, An Giang... đang triển khai nhiều biện pháp quyết liệt để dập dịch.

Ngày 16/9, UBND tỉnh Tiền Giang đã có quyết định phân công 23 cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh về các xã, thị trấn thuộc huyện Châu Thành để tham gia chống dịch COVID-19. Động thái này được đưa ra sau cuộc họp trực tuyến với Thủ tướng Chính phủ về tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trên địa bàn.

3 tỉnh cùng vào chiến dịch

Hiện tại, Tiền Giang còn huyện Châu Thành, Chợ Gạo và TP Mỹ Tho là 3 địa phương đang áp dụng giãn cách xã hội theo chỉ thị 16, các địa phương còn lại của Tiền Giang đã áp dụng chỉ thị 15.

Còn tại Kiên Giang, ông Mai Văn Huỳnh - phó bí thư thường trực Tỉnh ủy - vừa ký văn bản yêu cầu lãnh đạo các huyện, TP thuộc diện nguy cơ cao (Hà Tiên, Giang Thành, Kiên Lương, Hòn Đất, Châu Thành và Rạch Giá) phân công ủy viên ban thường vụ, cấp ủy viên (là lãnh đạo chủ chốt) cùng lãnh đạo các xã, phường, thị trấn đảm nhận từng khu vực phong tỏa.

Bảo vệ thật nghiêm ngặt các địa điểm này với tinh thần "ai ở đâu ở đó", dứt khoát không để người dân tự phát rời khỏi khu vực làm lây lan dịch bệnh sang địa bàn khác.

Cùng ngày, tỉnh Kiên Giang cũng đón 600 tình nguyện viên là sinh viên Đại học Y dược Cần Thơ về các địa phương Châu Thành, Kiên Lương, Hòn Đất, Giang Thành tham gia lấy mẫu sàng lọc F0 trong cộng đồng.

Kiên Giang đang triển khai chiến dịch lấy mẫu sàng lọc cộng đồng từ ngày 17 tới 21/9 tại các địa phương thuộc diện nguy cơ cao với mục tiêu tách hết F0 ra khỏi cộng đồng, truy vết và cách ly triệt để F1, F2. Báo cáo trong 7 ngày gần đây cho thấy Kiên Giang có 8/15 huyện, TP số ca mắc mới giảm so với 7 ngày trước đó và có 3/15 địa phương không có ca mắc COVID-19 mới trong 15 ngày liên tục.

Riêng tại An Giang, huyện An Phú vừa được tăng cường 2 xe xét nghiệm RT-PCR lưu động. Ngoài ra tỉnh này cũng huy động gần 250 cán bộ, nhân viên y tế chia làm 80 tổ để lấy mẫu test nhanh tầm soát cộng đồng tại thị trấn Long Bình, xã Khánh An và một phần xã Quốc Thái.

Tổng số dân cần lấy mẫu hơn 23.000 người. Trường hợp dương tính COVID-19, ngành y tế huyện An Phú sẽ đưa vào "vùng đệm" là các điểm trường học để tiến hành lấy mẫu xét nghiệm PCR. Khi có kết quả PCR dương tính sẽ tiếp tục đưa đi thu dung điều trị và khẩn trương truy vết F1, F2.

Người tiêm 1 mũi được đi trong nội xã

Chiều 16/9, UBND tỉnh Đồng Tháp đã công bố các quy định cụ thể việc thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội để phòng chống dịch COVID-19. Trước đó, Đồng Tháp cũng đã có văn bản thực hiện tiếp tục giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 tại TP Sa Đéc và các huyện Châu Thành, Lai Vung, Lấp Vò, các địa phương còn lại tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 15 kể từ ngày 16/9.

Theo kế hoạch, mục tiêu của Đồng Tháp là đến ngày 30/9 chỉ còn dưới 10 ca mắc COVID-19 mỗi ngày, giảm tỉ lệ tử vong do COVID-19 dưới 2,2% và giảm số lượng bệnh nhân COVID-19 đang điều trị dưới 500 ca.

Để thực hiện mục tiêu này, Đồng Tháp yêu cầu các địa phương thực hiện chỉ thị 16 tiếp tục tầm soát, đến 30/9 xét nghiệm đủ 100% đại diện hộ gia đình, đồng thời tiếp tục duy trì các chốt kiểm soát dịch COVID-19 tại các cửa ngõ ra vào huyện, TP, hạn chế việc di chuyển của người dân từ các địa phương có dịch đến các địa phương khác.

Người dân khi di chuyển từ vùng giãn cách theo chỉ thị 16 sang vùng áp dụng chỉ thị 15 phải có giấy đi đường kèm theo giấy xét nghiệm COVID-19 âm tính trong vòng ba ngày hoặc có thể dùng giấy xác nhận đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin COVID-19 để thay giấy xét nghiệm.

Còn đối với các địa phương thực hiện chỉ thị 15, Đồng Tháp yêu cầu không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng.

Tuy nhiên, người đã tiêm từ 1 mũi vắc xin COVID-19 thì được di chuyển trong phạm vi của xã, phường, thị trấn. Người đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin được di chuyển trong phạm vi của huyện, TP.

Tại các vùng đang thực hiện chỉ thị 15 này, Đồng Tháp cũng quy định các chợ truyền thống đã đóng cửa có thể quay trở lại hoạt động, nhưng không quá 30% số gian hàng và ưu tiên các mặt hàng thiết yếu, chỉ được mở một buổi mỗi ngày... Còn các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống chỉ phục vụ mang đi.

Theo K.NAM - M.TRƯỜNG - B.ĐẤU - S.LÂM/Báo điện tử Tuổi trẻ

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh