Tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp tại các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam, trong đó có tỉnh An Giang. Song, nhờ sự vào cuộc tích cực của toàn thể hệ thống chính trị và sự đồng lòng của nhân dân, đến nay, An Giang vẫn kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh.
Tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp tại các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam, trong đó có tỉnh An Giang. Song, nhờ sự vào cuộc tích cực của toàn thể hệ thống chính trị và sự đồng lòng của nhân dân, đến nay, An Giang vẫn kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh.
Thực hiện quyết liệt, nhanh chóng công tác xét nghiệm sàng lọc “bóc tách” F0 ra khỏi cộng đồng. Ảnh: THU THẢO |
Nỗ lực đưa tỉnh trở lại trạng thái bình thường mới
Tại An Giang, số ca mắc từ đợt dịch thứ 4 (ngày 27-4-2021) đến trước khi thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ (ngày 19-7-2021) là 171 trường hợp. Từ khi thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg, tranh thủ “thời gian vàng” giãn cách xã hội, tỉnh thực hiện chiến dịch xét nghiệm sàng lọc cộng đồng trên quy mô toàn tỉnh. Tính từ ngày 15-4 đến sáng 31-8-2021, trên địa bàn tỉnh có 1.995 trường hợp mắc COVID-19.
Điều này nói lên rằng, việc thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg rất đúng lúc và kịp thời, nếu không thì số ca mắc sẽ tăng nhiều và dịch có thể bùng phát, lây lan trong cộng đồng. Quá trình triển khai công tác phòng, chống dịch, tỉnh gặp khó khăn, như: một bộ phận người dân còn lơ là, chủ quan, chưa thực hiện nghiêm biện pháp chống dịch của ngành chức năng, nhất là ở các vùng quê vẫn còn hiện tượng tụ tập đông người...
Theo Giám đốc Sở Y tế Trần Quang Hiền, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh sẽ tận dụng thời gian còn lại của giãn cách xã hội, thực hiện quyết liệt, nhanh chóng xét nghiệm sàng lọc, “bóc tách” F0 ra khỏi cộng đồng, bảo vệ vững chắc “vùng xanh”, xanh hóa “vùng vàng” và thu hẹp “vùng đỏ”, sớm đưa tỉnh trở lại trạng thái bình thường mới.
Đẩy mạnh thực hiện một số giải pháp có ý nghĩa quan trọng, như: xây dựng kế hoạch đảm bảo về cơ sở vật chất, nhân sự, vật tư và trang thiết bị y tế, sẵn sàng tiếp nhận 5.000 ca mắc COVID-19 và 30.000 trường hợp phải cách ly tập trung, nhằm hạn chế số ca tử vong do quá tải hệ thống và tránh lây nhiễm chéo trong các khu cách ly tập trung F1. Thực hiện tốt mô hình “Tháp 3 tầng” điều trị COVID-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế, để phân phối nguồn lực hợp lý, phân tầng điều trị thích hợp và làm giảm số ca tử vong.
Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình yêu cầu các địa phương tiếp tục tuyên truyền người dân thực hiện nghiêm Chỉ thị 16/CT-TTg, đảm bảo nguyên tắc giãn cách người với người, gia đình với gia đình, “Ai ở đâu ở đó” trong thời gian còn lại thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg. Tập trung mọi nguồn lực bảo vệ “vùng xanh” để giảm mức độ giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15/CT-TTg hoặc Chỉ thị 19/CT-TTg và tiến tới tiếp tục kiểm soát chặt các vùng nguy cơ, không để xảy ra ca mắc mới trong 14 ngày để chuyển sang trạng thái bình thường mới (vùng xanh) đi đôi với việc loại bỏ F0, làm sạch ổ dịch tại vùng nguy cơ cao và nguy cơ rất cao. Kiểm soát chặt chẽ người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, đường thủy, đặc biệt là các tài xế vận chuyển hàng hóa đường dài.
Đảm bảo công tác phòng, chống dịch tại cơ sở sản xuất - kinh doanh đang thực hiện phương án “3 tại chỗ” hoặc “2 điểm đến 1 cung đường”. Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong khai báo y tế bằng QR Code; ứng dụng nền tảng số trong điều tra, truy vết F0, F1, F2; sổ sức khỏe điện tử trong tiêm chủng; luồng xanh giao thông bằng QR Code; xây dựng biểu đồ đi kèm đánh giá nguy cơ và an toàn COVID-19; thành lập tổng đài, “đường dây nóng” để tư vấn sức khỏe và trả lời thông tin có liên quan đến dịch bệnh cho người dân. Đẩy nhanh chiến dịch tiêm vaccine trong cộng đồng nhằm sớm đạt mục tiêu: “Tối thiểu 50% người từ 18 tuổi trở lên được tiêm vaccine phòng COVID-19 trong năm 2021. Trên 70% dân số được tiêm vaccine phòng COVID-19 đến hết quý I-2022” để đạt miễn dịch cộng đồng, xem đây là mục tiêu có ý nghĩa quyết định trong khống chế đại dịch đi đôi với phát triển kinh tế - xã hội.
Hạn chế lây nhiễm chéo trong khu cách ly
Theo ông Trần Quang Hiền, để hạn chế tình trạng lây nhiễm chéo tại các khu cách ly tập trung cũng như đảm bảo an toàn cho đội ngũ y, bác sĩ làm việc tại khu điều trị và khu cách ly, ngành y tế tham mưu cho Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh tập trung chỉ đạo Ban Chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố giao nhiệm vụ rõ ràng, cụ thể cho từng thành viên tham gia tại khu cách ly F1. Có quy định bắt buộc trong sử dụng phương tiện bảo hộ, thực hiện đúng nhiệm vụ được giao. Không được phép tiếp xúc với F1 bất kể hình thức nào, như: mua đồ, vật chất, không cho phép mua bán trong khu vực cách ly… Thường xuyên nhắc nhở F1 tuân thủ nội quy cách ly, theo dõi, trích xuất camera để nhắc nhở và phân tích đánh giá tình hình tại khu cách ly.
Trường hợp ở khu cách ly có hiện tượng lây nhiễm chéo, Trung tâm Y tế huyện nghiên cứu, kết luận hiện tượng, nguyên nhân và đưa ra hướng xử lý để xin ý kiến Ban Chỉ đạo huyện, thị xã, thành phố; nhanh chóng khắc phục ngay trong thời gian sớm nhất có thể. Tiến hành tầm soát và xét nghiệm đối tượng có liên quan trong khu vực bị ảnh hưởng và có nguy cơ. Nâng tần suất phun khử khuẩn lên mức cao hơn các phòng cách ly, thực hiện theo hướng dẫn của ngành y tế. Giáo dục ý thức tự giác cho công dân F1; lực lượng làm nhiệm vụ không được về gia đình hoặc tiếp xúc trong và sau kết thúc cách ly ít nhất 14 ngày kể từ khi hoàn thành nhiệm vụ. Chủ động tính toán, cố gắng bố trí lực lượng làm nhiệm vụ tại khu cách ly đã được tiêm ngừa… để tránh lây nhiễm chéo, đảm bảo an toàn cho đội ngũ y, bác sĩ làm việc tại các khu điều trị và khu cách ly.
Theo THU THẢO (Báo An Giang)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin