Việc tìm đầu ra cho các mặt hàng nông sản trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch Covid-19 đang là vấn đề được các địa phương trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp triển khai quyết liệt.
Hỗ trợ tiêu thụ nông sản ở huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp |
Việc tìm đầu ra cho các mặt hàng nông sản trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch Covid-19 đang là vấn đề được các địa phương trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp triển khai quyết liệt.
Huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp đang vất vả tìm đầu ra cho các mặt hàng nông sản của địa phương. Huyện đã thành lập Tổ kết nối tiêu thụ nông sản cho người dân. Các thành viên trong tổ sẽ rà soát nắm tình hình sản xuất, sản lượng, thời gian thu hoạch, khả năng thu mua của thương lái. Sau khi có thông tin về các mặt hàng nông sản cần tiêu thụ, các thành viên sẽ đưa lên Fanpage của tổ và trên nhóm Zalo. Qua đó, sẽ nắm chính xác số lượng nông sản cần tiêu thụ và cân đối hàng hóa và nhu cầu của người tiêu dùng tại địa phương. Đối với những mặt hàng nông sản có số lượng lớn, địa phương sẽ cập nhật và nhờ sự hỗ trợ của tỉnh để tiêu thụ kịp thời cho người dân.
Điển hình, như ở xã Mỹ Hòa, huyện Tháp Mười, số lượng chanh của nông dân không nhiều như một số xã trên địa bàn nhưng cũng gặp khó khăn về đầu ra. Trước tình hình đó, đoàn thanh niên xã đã thu mua về chế biến thành các sản phẩm như: nước rửa chén, chanh muối… đã phần nào giúp người dân tiêu thụ nông sản trong lúc khó khăn.
“Xã đoàn đã làm nước rửa chén từ chanh để giúp bà con tiêu thụ, lấy tiền lời đó mua quà cho bà con khó khăn do ảnh hưởng Covid-19”, chị Đặng Hồng Ngọc Tú, Phó Bí thư Đoàn xã Mỹ Hòa, huyện Tháp Mười chia sẻ.
Đối với các nông sản dễ tiêu thụ, các đoàn thể sẽ chào hàng đến các nơi có nhu cầu, đăng bán trên các trang Facebook và nhận đơn hàng theo yêu cầu của người mua. Như đối với gà, cá, ếch được làm sẵn, các đoàn viên hoặc đội tình nguyện sẽ hỗ trợ đi giao hàng cho người tiêu dùng.
Theo bà Lê Thị Mỹ Tiên, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ An, huyện Tháp Mười, tổ tiêu thụ nông sản đã phần nào giải quyết được vấn đề ùn ứ nông sản: “Tìm cách để hỗ trợ cho người dân, đăng trên mạng để dân chia sẻ. Trong thời gian chờ tỉnh thì ở cơ sở, mình nắm được sự nóng ruột của người dân nên phải chủ động trước để giúp cho họ 1 phần nào đó”.
Tổ hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho người dân |
Theo ông Lê Văn Ngọt, Phó Chủ tịch UBND huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp, địa phương còn số lượng lớn chanh, ếch, cá trê vàng đang đến kỳ thu hoạch, tổ kết nối tiêu thụ nông sản của địa phương đang nỗ lực giúp các hộ dân tiêu thụ. Tuy nhiên, với số lượng lớn, cung vượt cầu nên địa phương đang nhờ sự hỗ trợ từ các sở, ngành trên địa bàn tỉnh kết nối, tiêu thụ thông qua các kênh phân phối siêu thị, cửa hàng tiện lợi. Ngoài ra, khâu vận chuyển đang là khó khăn chung hiện nay khi lưu thông hàng hóa, nhất là các mặt hàng nông sản của người dân đến thời điểm thu hoạch.
“Hiện nay, huyện cũng tạo mọi điều kiện tốt nhất cho người thu mua nông sản. Đến thời điểm này, người vận chuyển hàng hóa cũng được phép vào địa bàn để thu mua, vận chuyển nông sản. Tuy nhiên, phải đảm bảo phòng, chống dịch bệnh an toàn, huyện cũng hỗ trợ tiêm vaccine, test nhanh để đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh thì lực lượng này mới được xuống địa bàn thu mua, vận chuyển nông sản”, ông Lê Văn Ngọt cho biết.
Trước những khó khăn trong tiêu thụ nông sản, Đồng Tháp đã tổ chức kết nối tiêu thụ nhãn, sản phẩm OCOP với Hà Nội, bên cạnh đó, đã đưa các mặt hàng nông sản lên sàn thương mại điện tử nhằm hỗ trợ các hợp tác xã, tổ hợp tác, người nông dân quảng bá sản phẩm, kết nối tiêu thụ với các doanh nghiệp, hệ thống siêu thị.
Lãnh đạo huyện Tháp Mười kiểm tra nông sản của người dân |
Ông Võ Tiến Thành, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại, Du lịch và Đầu tư tỉnh Đồng Tháp cho biết, nông sản có số lượng lớn cần tiêu thụ hiện nay là nhãn, cam, chanh, cá tra, cá điêu hồng, ếch… Hiện nay, các địa phương đang rà soát tình hình nông sản tồn đọng, chưa tiêu thụ trên địa bàn để giới thiệu đến các nhà phân phối, thu mua nông sản. Đồng thời, chủ động nắm tình hình về sản xuất, tiêu thụ, chế biến nông sản để có hướng căn cơ, tránh bị động trong tiêu thụ nông sản trên địa bàn.
“Trung tâm xúc tiến với Sở Công Thương giới thiệu những hàng hóa đó và Sở Công Thương kết nối với các hệ thống siêu thị và trung tâm thương mại để mình có định hướng, bên cạnh đó, phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại Bộ Công Thương đưa mặt hàng đó lên, có kế hoạch kết nối trước, chứ không thể để như vừa qua là bị động. Cho nên chúng tôi sẽ có định hình là từng tháng, ví dụ như tháng 8, tháng 9, tháng 10, Đồng Tháp ở huyện nào có thu hoạch các loại sản phẩm gì, chủ lực của địa phương đó, chúng tôi sẽ có kế hoạch kết nối”, ông Võ Tiến Thành thông tin.
Để giải quyết vấn đề tiêu thụ nông sản cho người dân, ngành chức năng tỉnh Đồng Tháp đã kết nối chặt chẽ với Tổ công tác 970 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để cung ứng, tiêu thụ nông sản trên địa bàn. Đồng thời, kết nối với các doanh nghiệp, siêu thị, cửa hàng tiện lợi hay đưa nông sản lên các sàn thương mại điện tử để giúp người dân thúc đẩy tiêu thụ trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn phức tạp./.
Theo VOV
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin