Giá trị của "0 đồng"

01:08, 26/08/2021

Có những gian hàng được mở ra, bán đủ mọi thứ. Tiền vốn, tiền lãi quy thành nụ cười và lời cám ơn. Có những chuyến giao hàng tận nhà, tiền công chuyên chở được tính bằng ly nước, bằng bữa cơm chay đạm bạc. Mọi người sẵn sàng trút cạn ruột gan để giúp đỡ người khác, thể hiện tình yêu thương đồng bào bằng hành động thiết thực.

Có những gian hàng được mở ra, bán đủ mọi thứ. Tiền vốn, tiền lãi quy thành nụ cười và lời cám ơn. Có những chuyến giao hàng tận nhà, tiền công chuyên chở được tính bằng ly nước, bằng bữa cơm chay đạm bạc. Mọi người sẵn sàng trút cạn ruột gan để giúp đỡ người khác, thể hiện tình yêu thương đồng bào bằng hành động thiết thực.

Người dân trong các khu nhà trọ rất vui mừng khi nhận được quà hỗ trợ
Người dân trong các khu nhà trọ rất vui mừng khi nhận được quà hỗ trợ

Những gian hàng “đắt như tôm tươi”

Hơn 1 tháng thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, cũng là ngần ấy thời gian toàn tỉnh tất bật với những quầy hàng đặc biệt.

Đúng như tên gọi “0 đồng”, tất cả đều miễn phí khi đến tay người cần. Dĩ nhiên, chẳng đủ đầy như ngoài chợ, nhưng lại chất chứa tấm lòng. Đó là sự phối hợp nhịp nhàng giữa người cho và người nhận, giữa người thừa và người thiếu, giữa chính quyền địa phương, đoàn thể, doanh nghiệp và người dân.

Mỗi ngày, UBND các phường, xã phát hàng trăm phần quà cho hộ nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 trên địa bàn, thông qua “Gian hàng 0 đồng”.

Ngày nào cũng vậy, từ sáng sớm, cán bộ công chức, đoàn viên, thanh niên đã tất bật chuẩn bị cho gian hàng. Rất nhiều công việc "không tên" phải làm, từ vận động nguồn hàng hóa, phân chia theo từng suất… mới có thể duy trì được các phần quà hỗ trợ định kỳ cho người dân.

Bà Trần Thị Thêm (ngụ tổ 50, khóm Đông An 4, phường Mỹ Xuyên, TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang) chầm chậm dắt chiếc xe đạp trĩu nặng vì bao gạo, mớ rau củ quả lỉnh kỉnh về nhà.

Bà sống một mình, con cháu có cảnh khổ riêng. “Mỗi đợt nhận thực phẩm, nhu yếu phẩm, tôi cố gắng sử dụng trong 3-4 ngày. Nhờ mấy phần quà này mà tôi yên tâm ở nhà, chờ mong dịch bệnh qua đi, để trở lại cuộc sống bình thường” - bà Thêm chia sẻ.

Không chỉ chính quyền địa phương, mà nhiều ngành, đoàn thể cũng vào cuộc, mở “Gian hàng 0 đồng” của đơn vị mình.

“Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, UBMTTQVN TP. Long Xuyên phối hợp thực hiện, qua 7 ngày hoạt động gian hàng trao hơn 2.500 suất quà, tổng kinh phí gần 1,2 tỷ đồng.

Qua đó thắt chặt mối quan hệ đoàn kết quân - dân, góp phần cùng với địa phương chăm lo, ổn định đời sống nhân dân trên địa bàn tỉnh, làm ngời sáng thêm hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời điểm dịch bệnh” - đại tá Nguyễn Văn Hiền, Chủ nhiệm Chính trị, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cho biết.

Hàng trăm “Gian hàng 0 đồng” được mở ra khắp tỉnh, chia sẻ khó khăn đến từng hộ gia đình ở địa phương.

Ai có gì cho nấy, tất cả đều là tấm lòng thơm thảo, cùng chung tay chăm lo cho người khó khăn hơn mình. Sau 1-2 giờ “mở cửa”, người dân đến nhận liên tục, gian hàng vơi dần rồi hết sạch. “Người mua” rất vui, “người bán” còn vui gấp bội, khi mô hình đem lại hiệu quả thiết thực, nhân văn.

Những chuyến xe nghĩa tình

Để quà đến tận tay người khó khăn không thể đến gian hàng nhận được, để giảm bớt lượng người ra khỏi nhà trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg, mô hình “Chuyến xe 0 đồng” ra đời.

“Tài xế” là cán bộ, công chức, viên chức ở địa phương, đơn vị; là chiến sĩ công an, quân sự, biên phòng; bất kỳ người dân nào có điều kiện giúp công, giúp của. Xe máy, xe tải, xe công vụ, xe cá nhân… đều được trưng dụng vận chuyển hàng hóa từ “Gian hàng 0 đồng” đến tận nhà dân.

Điển hình như ở biên giới, các Đồn Biên phòng phối hợp với địa phương tổ chức “Chuyến xe 0 đồng, chia sẻ yêu thương” đi đến từng hộ gia đình chính sách, hộ nghèo bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, kinh phí trích từ nguồn quỹ tăng gia sản xuất của đơn vị.

Tuy giá trị mỗi phần quà không lớn về vật chất, nhưng phần nào chia sẻ, giảm bớt áp lực cuộc sống của người dân khu vực biên giới trong thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

Trung tá Phạm Thị Thu Hoài, Đội trưởng Đội xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc (Công an TP. Long Xuyên) bận rộn chuẩn bị cho những chuyến xe nghĩa tình hàng ngày, cho biết: “Chia sẻ khó khăn với người dân, liên tục nhiều ngày qua, đơn vị phối hợp các nhà hảo tâm hỗ trợ quà, nhu yếu phẩm cho các hộ dân trên địa bàn, khu vực bị cách ly, phong tỏa.

Chúng tôi cố gắng duy trì luân phiên hỗ trợ thực phẩm cho người dân 13 phường, xã trên địa bàn thành phố trong những ngày giãn cách xã hội”.

Ông Võ Văn Tính (sinh năm 1948) và Huỳnh Ngọc Hải Đăng (sinh năm 1995, cùng ngụ huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp) phải đến Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang lọc thận 3 lần/tuần. Để tiện việc đi lại trong thời gian giãn cách xã hội, 2 gia đình cùng thuê phòng trọ ở khóm Mỹ Thọ (phường Mỹ Quý, TP. Long Xuyên).

“Dịch bệnh ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của chúng tôi, do không có thu nhập, lại tốn kém chi phí điều trị, sinh hoạt, cũng không thể trở về địa phương sinh sống. Khi Công an TP. Long Xuyên đến thăm, hỗ trợ 5 triệu đồng, cùng thực phẩm và nhu yếu phẩm, chúng tôi mừng lắm!” - ông Tính bày tỏ.

Theo UBMTTQVN tỉnh An Giang, từ tháng 5 đến giữa tháng 8-2021, toàn tỉnh tiếp nhận trên 35,2 tỷ đồng của tổ chức, cá nhân; tiếp nhận bằng hàng hóa ước tính trên 67,3 tỷ đồng; vận động, tiếp nhận nông sản và nhu yếu phẩm để hỗ trợ tỉnh Bình Dương và TP. Hồ Chí Minh... được 225 tấn hàng hóa, ước tính trên 2,14 tỷ đồng. Các hoạt động “ATM gạo”, “Gian hàng 0 đồng”, “Chuyến xe 0 đồng” và phát quà tại các xã, phường, thị trấn đã hỗ trợ cho 411.807 lượt hộ nghèo, cận nghèo, hộ đặc biệt khó khăn và đối tượng bán vé số, mua bán nhỏ lẻ, xe đẩy… bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Mô hình gắn liền với tên gọi “0 đồng”, nhưng thật sự vô giá, không thể đong đếm được tình nghĩa đồng bào chất chứa suốt nhiều ngày qua.


Theo GIA KHÁNH (Báo An Giang)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh