"Bếp ăn yêu thương" ngày đêm đỏ lửa phục vụ tuyến đầu ở Cần Thơ

02:08, 02/08/2021

Hoạt động của "Bếp ăn yêu thương" hay những mô hình khác như: Gian hàng 0 đồng; Siêu thị san sẻ yêu thương… sẽ tạo nên nguồn lực nội sinh, đẩy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc lên cao, nhanh chóng chiến thắng dịch bệnh Covid-19.

 

 Từ 4-5 giờ sáng mỗi ngày, thầy cô, sinh viên tình nguyện đã có mặt tại
Từ 4-5 giờ sáng mỗi ngày, thầy cô, sinh viên tình nguyện đã có mặt tại "Bếp ăn yêu thương".

Hoạt động của “Bếp ăn yêu thương” hay những mô hình khác như: Gian hàng 0 đồng; Siêu thị san sẻ yêu thương… sẽ tạo nên nguồn lực nội sinh, đẩy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc lên cao, nhanh chóng chiến thắng dịch bệnh Covid-19.

Với tinh thần là hậu phương vững chắc, hơn 1 tuần nay, “Bếp ăn yêu thương” – Trường Đại học Y Dược Cần Thơ luôn đỏ lửa từ sáng sớm đến tối để cung cấp những bữa ăn dinh dưỡng cho các bạn sinh viên, cán bộ trực tại các chốt kiểm dịch, truy vết, lấy mẫu cộng đồng.

Tấm lòng của thầy trò Trường Đại học Y dược đã tiếp thêm ngọn lửa yêu thương cho thành phố trong những ngày giãn cách xã hội.

Cứ 4 - 5 giờ sáng mỗi ngày, “Bếp ăn yêu thương” hay còn gọi với tên thân mật là “bếp nuôi quân” của Trường Đại học Y Dược Cần Thơ đã đón gần như đầy đủ các thầy cô, các bạn sinh viên đều là những tình nguyện viên để chuẩn bị bữa sáng cho hơn 400 cán bộ, sinh viên của Trường đang tham gia truy vết, lấy mẫu, phun khử khuẩn tại nơi tuyến đầu. Rau củ, thịt cá cứ theo thực đơn có sẵn, mỗi người mỗi việc với tinh thần hăng hái, trách nhiệm cao, nên chỉ trong chốc lát bữa sáng nóng hổi đã chuẩn bị xong và chuyển đến nơi cần.

Bạn Danh Quý, sinh viên khóa 43, ngành Dược, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ chia sẻ: "Em cảm thấy rất vui và tự hào khi mình đóng góp công sức nhỏ của mình trong công cuộc phòng chống dịch chung của nhà trường. Em làm công việc hậu cần, sẽ là hậu phương vững chắc cho thầy cô và các bạn nơi tuyến đầu chống dịch".

Buổi sáng xong, mọi người lại bắt tay nấu buổi ăn trưa, ăn chiều và ăn tối. Theo Ban vận động “Bếp ăn yêu thương”, kế hoạch ban đầu chỉ khoảng 15 sinh viên và cán bộ cho mỗi ca trực, nhưng con số thực lên đến hàng chục người do nhiều sinh viên thấy việc làm ý nghĩa tự nguyện vào phụ bếp.

Đông người nhưng ai cũng tuân thủ nghiêm khuyến cáo 5K, nhất là rửa tay sát khuẩn và đeo khẩu trang thường xuyên, nhờ vậy mà các khâu từ sơ chế đến chế biến đều thực hiện nhanh hơn thời gian quy định.

 Lực lượng tình nguyện phục vụ bếp ăn đều tuân thủ nguyên tắc phòng chống dịch.
Lực lượng tình nguyện phục vụ bếp ăn đều tuân thủ nguyên tắc phòng chống dịch.

Hơn một tuần qua, “bếp nuôi quân” đều đặn tiếp nhận tình cảm thân thương thông qua những bao gạo, bó rau, tiền mặt… của các nhà tài trợ trong và ngoài nhà trường như: Nhóm từ thiện Lan Chi; Câu lạc bộ thiện nguyện Nối vòng tay lớn; Nhóm nhà vườn Ô Môn, Phong Điền; Công ty kiếng Hải Đăng Trúc;… tất cả đều một lòng chung tay góp sức, hỗ trợ lực lượng tuyến đầu trong cuộc chiến chống dịch bệnh Covid-19.

Thầy Nguyễn Phục Hưng, Giảng viên Trường Đại học Y Dược Cần Thơ, người phụ trách vận động cho “Bếp ăn yêu thương” cho biết, mặc dù thời tiết nắng mưa thất thường, nhưng bếp ăn vẫn luôn đỏ lửa, từng đôi tay tình nguyện không ngơi nghỉ, bởi họ tin rằng, với tình yêu thương và tinh thần trách nhiệm sẽ mang về chiến thắng cho cuộc chiến đầy khó khăn này.

"Trường thành lập bếp ăn để đảm bảo phục vụ tốt nhất cho các bạn, đảm bảo bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng, ngoài ra còn là nguồn cổ vũ tinh thần cho các bạn tham gia tuyến đầu chống dịch, cho các bạn biết rằng thầy cô luôn là hậu phương vững chắc", thầy Hưng nói.

Lực lượng tuyến đầu, nhất là những bạn sinh viên, cán bộ đang làm nhiệm vụ ở các chốt kiểm soát dịch, đội lấy mẫu, truy vết cộng đồng, luôn phải đối mặt với nguy cơ nhiễm bệnh. Sự dũng cảm đó đã tạo thêm nhiệt huyết cho những tình nguyện viên “Bếp ăn yêu thương” hoạt động mạnh mẽ hơn.

"Bếp ăn yêu thương" sẽ hoạt động cho đến khi TP Cần Thơ hết giãn cách xã hội.

Đặc biệt, trước khi khởi động bếp ăn, Trường Đại học Y dược Cần Thơ cũng đã thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19, tập huấn cho 100% cán bộ, viên chức, người lao động, nên cũng phần nào đảm bảo an toàn cho tình nguyện viên.

Cô Nguyễn Thị Thu Hiền, cán bộ khoa Dược, Trường Đại học Y dược Cần Thơ, tham gia “Bếp ăn yêu thương” từ những ngày đầu chia sẻ, sắp tới mỗi ngày bếp vẫn có những suất ăn vào sáng, trưa, chiều, tối.

"Chúng tôi luôn luôn mong muốn sức khỏe, an toàn và sự đoàn kết đối với các bạn ở tuyến đầu. Mong các bạn vững chí để làm tốt công tác, nhiệm vụ được giao", cô Hiền cho biết.

Trong khi chính quyền và các cơ quan chức năng TP Cần Thơ đang tích cực triển khai gói cứu trợ tới tận tay các hộ gia đình, cá nhân gặp khó khăn thì trong cộng đồng, nhiều tổ chức, cá nhân, tùy theo điều kiện, khả năng cũng đã có những việc làm thiết thực để tương trợ lẫn nhau.

Hoạt động của “Bếp ăn yêu thương” hay những mô hình khác như: Gian hàng 0 đồng; Siêu thị san sẻ yêu thương… sẽ tạo nên nguồn lực nội sinh, đẩy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc lên cao, nhanh chóng chiến thắng dịch bệnh Covid-19./.

Theo Hồng Phương/VOV

 

 

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh