Giữ bình yên vùng biển Tây Nam

01:07, 05/07/2021

Trước tình hình buôn lậu xăng dầu có chiều hướng phức tạp trên vùng biển Tây Nam, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 quán triệt chỉ đạo các đơn vị tăng cường tuần tra, kiểm soát, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn trên vùng biển này

Trước tình hình buôn lậu xăng dầu có chiều hướng phức tạp trên vùng biển Tây Nam, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 quán triệt chỉ đạo các đơn vị tăng cường tuần tra, kiểm soát, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn trên vùng biển này

 Lực lượng Cảnh sát biển bắt giữ một tàu vận chuyển 100.000 lít dầu DO không hóa đơn chứng từ vào ngày 17-6
Lực lượng Cảnh sát biển bắt giữ một tàu vận chuyển 100.000 lít dầu DO không hóa đơn chứng từ vào ngày 17/6

Vùng biển Tây Nam, nơi tiếp giáp với Thái Lan, Campuchia có đông tàu cá hành nghề, với khoảng hơn 16.000 chiếc. Đây cũng là khu vực biển có tình trạng mua bán, vận chuyển, sang mạn trái phép xăng dầu diễn ra nhộn nhịp trong thời gian qua.

Buôn lậu ngày càng tinh vi

Theo thống kê của Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã xử lý 74 vụ/77 lượt tàu vi phạm, trong đó lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính 71 vụ tàu vi phạm kinh doanh dầu với số tiền gần 1,5 tỉ đồng, tịch thu 1.484.364 lít dầu DO, phát mãi tài sản vi phạm hơn 15 tỉ đồng. Riêng tháng hành động cao điểm (tháng 6) về phòng chống tội phạm, lực lượng chức năng của Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 bắt giữ 3 vụ vận chuyển trái phép với khoảng gần 200.000 lít dầu DO.

Đại tá Nguyễn Văn Tranh, Phó Tư lệnh Pháp luật - Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4, cho biết thời gian gần đây dù đường biên giới trên biển được siết chặt để phòng chống dịch Covid-19 nhưng tình trạng buôn lậu dầu trên vùng biển Tây Nam có chiều hướng gia tăng, đặc biệt tại các khu vực biển giáp ranh với Thái Lan, Campuchia.

Các đối tượng sử dụng nhiều chiêu trò, thủ đoạn và hình thức hoạt động ngày càng tinh vi, như cải hoán tàu cá, lắp đặt thêm các trang bị phát hiện các tàu từ xa, ngụy trang dụng cụ trên tàu giả hoạt động khai thác thủy sản… hòng che đậy việc mua bán dầu trái phép, qua mặt lực lượng chức năng.

Trước tình hình trên, cán bộ, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 tích cực triển khai các kế hoạch nghiệp vụ, tuần tra, kiểm soát trên vùng biển để kịp thời bắt giữ tàu vi phạm. Gần đây nhất, ngày 2-7, tại khu vực biển cách đảo Thổ Chu (tỉnh Kiên Giang) khoảng 29 hải lý, Đoàn Trinh sát số 2 thuộc Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 phát hiện tàu cá số hiệu KG 91283 TS có biểu hiện nghi vấn.

Qua kiểm tra, trên tàu có 4 thuyền viên do ông Phạm Quang Vinh (ngụ Kiên Giang) làm thuyền trưởng. Các thuyền viên không đủ bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn theo quy định. Đáng nói, tàu vận chuyển khoảng 70.000 lít dầu DO và tại thời điểm kiểm tra, thuyền trưởng không xuất trình được hóa đơn, chứng từ hợp pháp. Đoàn Trinh sát số 2 đã tiến hành lập biên bản, tạm giữ tang vật và phương tiện để tiếp tục điều tra.

Trước đó, trong các ngày 11, 16 và 17/6, tại vùng biển Tây Nam, lực lượng Cảnh sát biển bắt giữ 3 tàu cá đang vận chuyển lậu 190.000 lít dầu DO.

Tăng cường tuần tra, kiểm soát

Đại úy Nguyễn Trần Đăng Hưng, Đội trưởng Đội Chống buôn lậu thuộc Phòng Trinh sát - Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4, nhận định tình hình buôn lậu xăng dầu trên vùng biển Tây Nam rất phức tạp, chia thành ba nhóm đối tượng. Thứ nhất là chủ tàu cá mua dầu từ tàu nước ngoài với giá rẻ rồi bán ngay cho các tàu cá khác. Thứ hai là chủ tàu, doanh nghiệp tư nhân gom mua dầu từ các tàu vận tải rồi bán cho các tàu cá hoặc các đại lý xăng dầu trên bờ. Thứ ba là các tàu được phép bán lẻ dầu thay vì mua dầu từ đất liền thì họ mua ngay của các tàu chở dầu trên biển để bán lại.

"Để đánh lạc hướng điều tra của lực lượng chức năng, các tàu vi phạm thường neo đậu ở vùng biển giáp ranh đường phân định rồi lợi dụng đêm tối chuyển tải hàng hóa sang các tàu nhỏ; thay đổi tên và số hiệu phương tiện, tuyến hành trình, cho phương tiện chạy lòng vòng trên biển khi không có nghi vấn mới nhanh chóng vận chuyển qua khu vực sang mạn cho các tàu cá. Trên tàu thường chuẩn bị các bộ hồ sơ giả để hợp thức hóa, sẵn sàng đối phó với cơ quan chức năng" - đại úy Hưng chỉ ra mánh khóe buôn lậu dầu.

Theo đại tá Nguyễn Văn Tranh, trong thời gian tới, nhằm tiếp tục đấu tranh ngăn chặn buôn lậu xăng dầu, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 đã chỉ đạo các đơn vị tăng cường tuần tra, kiểm soát chặt chẽ trên vùng biển đơn vị quản lý. Đồng thời, thường xuyên tổ chức tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành quy định của pháp luật cho ngư dân để họ không tham gia, bao che, tiếp tay buôn lậu. Bên cạnh đó, cán bộ, chiến sĩ cảnh sát biển quyết liệt phối hợp với các lực lượng chức năng trong đấu tranh phòng chống tội phạm trên biển, xử lý nghiêm minh mọi hành vi vi phạm.

Góp phần bảo đảm an ninh trật tự trên biển

Theo đại tá Nguyễn Văn Tranh, mặt trận đấu tranh phòng chống tội phạm trên biển luôn rất cam go, đòi hỏi nỗ lực rất lớn của toàn lực lượng Cảnh sát biển. "Dù tình hình dịch Covid-19 và thời tiết diễn biến phức tạp, điều kiện thực hiện nhiệm vụ còn nhiều khó khăn, song với tinh thần trách nhiệm và ý chí quyết tâm cao trong thực thi pháp luật, cán bộ, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 luôn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần bảo đảm an ninh trật tự, an toàn trên vùng biển, đảo Tây Nam của Tổ quốc" - đại tá Tranh nhấn mạnh.

 Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn).

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh