Bộ mặt đô thị ở Thới An, Cần Thơ đang dần đổi thay từng ngày, những cây cầu khỉ rồi cầu ván tạm bợ đã dần được thay "áo mới" bằng những nhịp bêtông cốt thép, kiên cố.
Bộ mặt đô thị ở Thới An, Cần Thơ đang dần đổi thay từng ngày, những cây cầu khỉ rồi cầu ván tạm bợ đã dần được thay "áo mới" bằng những nhịp bêtông cốt thép, kiên cố.
Các thành viên Tổ vận động xây cầu, đường Thới Hòa tích cực góp công sức tham gia xây cầu từ thiện. (Ảnh: Thu Hiền/TTXVN) |
Gần 20 năm qua, những con đường đất bụi mù mịt, ổ gà ổ vịt, những cây cầu khỉ rồi cầu ván tạm bợ ở phường Thới An, quận Ô Môn (Cần Thơ), đã dần được thay "áo mới" bằng những nhịp bêtông cốt thép, kiên cố. Bộ mặt đô thị ở Thới An đang dần đổi thay từng ngày.
Có được như hôm nay là nhờ sự đầu tư của Nhà nước, sự chung tay, góp sức của người dân và không kém phần quan trọng là những tấm lòng thiện nguyện của những "chuyên gia" xây cầu, làm đường tay ngang - Tổ vận động xây cầu, đường Thới Hòa (Cần Thơ).
Ba tháng, 5 chiếc cầu được làm mới
Tháng Sáu - tháng của tiết trời oi bức vì những ngày nắng nóng và những cơn mưa bất chợt, thế nhưng các thành viên của Tổ vận động xây cầu, đường Thới Hòa vẫn miệt mài cùng nhau hoàn thành công đoạn cột vỉ sắt đan cầu cho cây cầu Năm Nhiệm, ấp Thới Hòa.
Tại công trường, hình hài chiếc cầu bêtông 40m đang dần hình thành nhờ những đôi tay khéo léo cột vỉ sắt.
Ở tuổi 73, ông Hứa Văn Khoảnh vẫn thường xuyên tham gia xây cầu cùng Tổ vận động xây cầu đường Thới Hòa với mong muốn góp chút sức để chiếc cầu sớm được hoàn thiện.
Theo ông Khoảnh, chỉ khi cây cầu mới được làm xong thì mấy đứa nhỏ trong ấp đi học mới không sợ rớt sông, ai đau ốm cần đi bệnh viện thì xe cấp cứu cũng đến đưa đi được chứ không bị ngăn cách vì cây cầu.
"Vợ tôi và các con tôi đều ủng hộ tôi đi làm cầu từ thiện. Con gái tôi cũng theo tôi đi làm. Tôi thấy đi làm vừa vui, vừa khỏe lại có ích cho đời," ông Khoảnh đưa tay quẹt những giọt mồ hôi trên gương mặt rám nắng chia sẻ.
Tổ vận động xây cầu, đường Thới Hòa đang hoàn thành cầu ông Nhiệm, ấp Thới Hòa, phường Thới An. (Ảnh: Thu Hiền/TTXVN) |
Thấy việc làm của Tổ vận động xây cầu đường có nhiều ý nghĩa, chị Hứa Thị Cẩm Tuyết (con gái ông Khoảnh) cũng tranh thủ thời gian tham gia lo "vòng ngoài" từ việc mua lương thực, thực phẩm tiếp sức đội xây cầu, vận động người dân góp tiền, góp của để có đủ kinh phí làm cầu.
"Chạy như con thoi, đi xin tiền suốt cũng ngại nhưng mà làm hoài cũng quen. Mấy năm nay, ai thấy tôi đến nhà đều biết đi xin tiền xây cầu nên họ ủng hộ vui vẻ lắm. Người vài ba chục, vài trăm, có người vài triệu," chị Tuyết vui vẻ bảo.
Mỗi người một việc, vậy mà công việc làm đường, vá đường, sửa đường, xây cầu trôi qua thấm thoát mấy chục năm không ai nhớ. Từ một nhóm chỉ vài ba người thì nay Tổ cũng có gần 20 thành viên tham gia xuyên suốt.
Ông Nguyễn Văn Bi (tên thân mật là ông Tám Bi), Tổ trưởng Tổ vận động xây dựng cầu, đường Thới Hòa, nhớ hồi những năm đất nước mới đổi mới, thời điểm đó rất khó khăn, để có thể sửa được con đường đất hư hỏng thì ông phải tự chạy ghe lên miệt An Giang xin gạch đá về đổ đường, rồi rủ vài anh em trong xóm góp tiền mua ít đá đổ lên cho đỡ bụi, mọi người đi lại dễ hơn.
"Dần dần từ đó, hễ thấy đường hỏng thì rủ nhau góp kinh phí để cùng sửa, cùng làm. Làm hoài thành quen, thành 'nghiện.' Tháng nào chưa đủ kinh phí để làm là thấy nhớ, thấy thiếu vắng.
Đường lớn, cầu lớn đòi hỏi vốn lớn thì đã có Nhà nước lo nhưng không thể để Nhà nước lo cả việc 'sửa đường, vá đường' nên Tổ vận động xây dựng cầu, đường Thới Hòa xin ý kiến chính quyền địa phương cho Tổ vận động người dân đóng góp làm đường bêtông hoặc trải nhựa.
Làm đường đẹp, sử dụng bền, nhiều người ủng hộ kinh phí, niềm vui, niềm tin của người dân cộng với sự thay đổi của các tuyến đường tạo động lực cho Tổ vận động xây cầu, đường Thới Hòa tiếp tục làm," ông Nguyễn Văn Bi tâm sự.
Ông Nguyễn Văn Chúng, thành viên Tổ vận động xây cầu đường Thới Hòa, cho biết vì trong đội phần lớn là anh em làm nông, lúc nào rảnh rỗi thì mới rủ nhau sửa đường, nên không có ai có kinh nghiệm xây cầu.
Nhưng có một số anh em đi làm phụ hồ quen với người này người kia biết kỹ thuật thì nhờ họ hướng dẫn, nhờ người giỏi thiết kế giúp rồi về cùng nhau bàn bạc xây.
"Cây cầu đầu tiên, chúng tôi phải hỏi mỗi người chỉ dẫn một ít, cũng lúng túng sai sót phải sửa lại nhưng đến cây cầu thứ hai, thứ ba thì chúng tôi đã tích lũy được kinh nghiệm.
Cầu xây dù chỉ dài 20-30m nhưng phải đảm bảo an toàn, chắc chắn, có lan can hai bên để tránh tai nạn cho trẻ em và phải có chiều ngang từ 3m trở lên để thuận tiện cho xe qua lại. Cơ bản nhất là cầu mới phải khắc phục được những nhược điểm của cầu cũ," ông Chúng chia sẻ.
Đến bây giờ, ông Tám Bi, Tổ trưởng vận động xây cầu, đường Thới Hòa, cũng không nhớ bao nhiêu "chiếc áo mới" từ gạch đá, sang bêtông rồi trải nhựa đã được thay cho các con đường lắm ổ gà, ổ vịt bụi bay mù mịt ở xóm, ấp.
"Đường hư thì sửa, cầu cũ thì vận động mọi người hỗ trợ góp kinh phí, góp công sức cùng làm. Làm được cây cầu nào thì mừng cho người dân chứ không đếm, không ghi sổ nên không nhớ để thống kê. Nếu tính riêng đầu năm đến nay đã làm được 5 cây cầu bê tông kiên cố, chưa kể mấy đoạn đường được trải nhựa mới," ông Tám Bi nhẩm tính.
Lan tỏa việc làm ý nghĩa
Cách cây cầu Năm Nhiệm đang thi công khoảng 1km là cây cầu Hợp tác xã 7/5 vừa hoàn thành cách đây một tháng.
Cầu dài 80m, bề ngang 3,6m với kinh phí gần 200 triệu đồng được Hội Liên hiệp thanh niên thành phố Cần Thơ vận động tài trợ và người dân đóng góp. Cây cầu sáng cả một khúc sông, tạo điều kiện cho người dân đi lại dễ dàng hơn.
Cầu ông Năm Nhiệm (ấp Thới Hòa) là cây cầu thứ 5 trong năm 2021 được Tổ vận động xây cầu, đường Thới Hòa xây dựng. (Ảnh: Thu Hiền/TTXVN) |
Nhà sát cây cầu Hợp tác xã 7/5, bà Lê Thị Út cho biết cây cầu mới được xây lên ai cũng vui. Cầu do Tổ vận động xây cầu, đường Thới Hòa làm ai cũng yên tâm vì bền lâu, kiên cố, an toàn. Ở đây ai cũng ủng hộ, người có tiền góp tiền, nấu cơm cho mọi người làm cầu, người không có tiền thì góp công, góp sức.
Những cây cầu bêtông kiên cố ra đời, xóa bỏ những cây cầu ván, cầu sắt xuống cấp, những tuyến đường đất được bê tông, trải nhựa sạch, đẹp là bằng chứng thiết thực để người dân tin tưởng vào Tổ vận động xây cầu, đường Thới Hòa.
Chính vì thế, lời ngỏ ý "xây cầu tiếp tục" đến và nhiều tổ chức, đơn vị lại góp sức, chung tay cùng Tổ xây cầu, tô mới cho hệ thống hạ tầng giao thông ở các cung đường của phường Thới An.
Dẫn chúng tôi đến các cây cầu đã xây từ vài năm trước, ông Tám Bi chỉ vào bảng ghi danh bên cầu cho biết: "Xây cầu từ thiện, các anh em trong đội góp công, góp sức nhưng mọi kinh phí là từ các tổ chức, doanh nghiệp, người dân đóng góp nên tất cả đều phải minh bạch. Tại mỗi cây cầu, chúng tôi đều lập bảng danh sách công khai mức đóng góp của từng hộ, từng cá nhân, tổ chức rõ ràng."
Để làm được những cây cầu trong suốt những năm tháng qua là nhờ anh em trong tổ luôn cùng chí hướng và hơn nữa là người dân cùng đồng lòng ủng hộ, động viên, tiếp sức. Chính vì ai cũng thấy đóng góp của mình trong mỗi mét đường, cây cầu mình thụ hưởng nên nhà nhà ủng hộ Tổ vận động xây cầu, đường Thới Hòa.
Việc làm ý nghĩa của Tổ vận động xây cầu, đường Thới Hòa đã truyền cảm hứng cho nhiều người muốn đóng góp xây dựng quê hương. Hiện nay, ở phường Thới An có 3 tổ xây dựng cầu, đường từ thiện: Thới Hòa, Thới Lợi, Thới Thạnh cùng hoạt động, chung tay cùng nhà nước làm đường, làm cầu.
Thời gian qua, tổ xây dựng cầu, đường từ thiện ở địa phương đã triển khai xây dựng hàng chục cây cầu, sửa hàng nghìn mét đường giao thông góp phần với chính quyền địa phương nâng cấp hạ tầng giao thông thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội.
Theo ông Đào Minh Huy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường Thới An, mỗi năm, Tổ vận động xây cầu, đường Thới Hòa vận động người dân đóng góp kinh phí khoảng 1,5-1,7 tỷ đồng để sửa chữa, nâng cấp cầu, đường giao thông trên địa bàn phường. Mặc dù, không phải là kỹ sư, thợ chuyên nghiệp nhưng cầu mà Tổ làm rất kiên cố, chắc chắn, an toàn và được người dân tin tưởng.
"Trên địa bàn phường Thới An có rất nhiều tuyến đường liên thông trong khu vực. Ngoài việc Nhà nước đầu tư tuyến đường lớn thì các tuyến đường nhỏ, người dân phường góp sức, chung tay cùng chính quyền xây dựng. Trên 95% các tuyến đường trên địa bàn phường Thới An đều được bêtông hoặc trải nhựa, còn các cầu đều được làm bê tông cốt thép kiên cố," Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường Thới An cho biết./.
Theo Thu Hiền (TTXVN/Vietnam+)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin