Hướng dẫn chúng tôi mắt thấy tai nghe về bộ sưu tập rất "đặc biệt" của mình, anh Nguyễn Tấn Hiếu (34 tuổi ngụ quận Bình Thủy- TP Cần Thơ) căn dặn rất chân tình: "Có sao thì nói vậy. Nhiều người đến đây về đưa tin quá cường điệu về số lượng lẫn chất lượng hiện vật tôi đang có. Đó là chưa kể đến việc họ thêm bớt nhiều câu chuyện quá "hớp"
Anh Hiếu bên gia sản radio “khủng” của mình. |
(VLO) Hướng dẫn chúng tôi mắt thấy tai nghe về bộ sưu tập rất “đặc biệt” của mình, anh Nguyễn Tấn Hiếu (34 tuổi ngụ quận Bình Thủy- TP Cần Thơ) căn dặn rất chân tình: “Có sao thì nói vậy. Nhiều người đến đây về đưa tin quá cường điệu về số lượng lẫn chất lượng hiện vật tôi đang có. Đó là chưa kể đến việc họ thêm bớt nhiều câu chuyện quá “hớp”. Cái chính là sự đam mê và tâm nguyện muốn giữ gìn những thiết bị xa xưa để lớp trẻ biết mà thôi”.
Niềm đam mê kỳ lạ
Anh Hiếu kể, không hiểu sao ngay từ tấm bé anh đã “mê” tìm hiểu những chiếc máy hát đĩa, Akai, cassette, radio, các loại tiền tệ đời xa xưa đến hiện đại, các loại gốm sứ, đèn cổ,…
Bên cạnh đó anh cũng rất “ghiền” nghe nhiều bài vọng cổ được phát ra từ cuộn băng xưa phát ra từ các loại máy “cổ lỗ sĩ”. Tuy nhiên, mãi đến năm 2018 anh mới có dịp thực hiện mơ ước của mình sau thời gian dài hành nghề xây dựng công trình.
Anh nói vui: “Có lẽ tôi có duyên với lĩnh vực “sưu tầm đồ cổ” nên đã có cơ hội tiếp cận với nhiều người đi trước vốn rất am hiểu sâu rộng về thú vui nghề nghiệp rất đặc biệt này. Tôi rất yêu thích việc tìm kiếm những loại radio, radio- cassette được sản xuất từ năm 1975 trở về trước.
Nhiều chiếc radio quý hiếm được anh tìm kiếm, săn lùng ở khắp nơi trên mọi miền đất nước thông qua các trang mạng xã hội; mối quan hệ với những người cùng sở thích; các đầu mối mua bán hiện vật xưa cổ…
Lý giải về sở thích này, anh Hiếu kể: Đại đa số những dòng máy này có nguồn gốc từ Mỹ, Đức, Nhật Bản, Liên Xô. Chất lượng về âm thanh rất tốt, mẫu mã bền, đẹp, khó hư hỏng.
Giá thành xuất xưởng rất cao, có chiếc trị giá nhiều chỉ vàng hoặc cả lượng vàng thời bấy giờ, như máy radio hiệu Panasonic, Samsung, Sony, Standar.
Điều rất lạ mà hiếm người có được là trên 200 chiếc radio anh đang sở hữu đều vẫn đang hoạt động rất tốt và được bảo quản rất chu đáo.
Càng lạ hơn khi nhiều hiện vật còn cả những tờ hóa đơn mua bán có trước năm 1975. Để chứng minh cho lời nói của mình, anh Hiếu đã cho tôi xem rất nhiều tờ hóa đơn được lưu trữ hầu như nguyên vẹn dù đã trải qua hàng chục năm.
Nhân tiện anh còn giới thiệu một chiếc radio được xem là độc nhất cả nước về niên đại sản xuất, độ bền, màu sắc, âm thanh.
Nhiều người đã đến trả giá hàng chục triệu đồng nhưng bất thành bởi anh muốn giữ lại cho mình chiếc radio quý hiếm này.
Chúng tôi quá ngạc nhiên và ngưỡng mộ trước “gia tài” radio của người thanh niên còn rất trẻ này; tất cả đều được bố trí thứ tự, ngăn nắp rất gọn gàng.
Anh Hiếu nói thêm: Tuy số lượng nhiều và ngày càng tăng cao, nhưng anh vẫn nhớ rành mạch, chi tiết xuất xứ từng máy trong khoảng thời gian nào; nước nào sản xuất; chất lượng lúc mua, chất lượng hiện nay sau khi sửa chữa; giá mua, giá bán hiện tại mà không hề có sự lầm lẫn nào.
Hiện tại toàn bộ radio của anh đều có giá bán từ 2 đến hàng chục triệu đồng và đều đang hoạt động với chất lượng cao.
Tiếp tục theo đuổi ước mơ
Tờ hóa đơn- xuất xứ hiện vật- mà anh đang lưu giữ. |
Thấy chúng tôi có vẻ lo ngại về lĩnh vực nghệ thuật độc, lạ đầy khó khăn này, anh Nguyễn Tấn Hiếu nói chân tình: “Đây là cái nghề vừa dễ lại vừa khó bởi người tham gia phải có sự đam mê, phải theo đuổi tận cùng những hiện vật mà mình phát hiện, phải tìm hiểu nhiều thông tin ở nhiều chiều, nhiều người, ở nhiều góc độ trên nhiều kênh thông tin để có sự hiểu biết toàn diện về những hiện vật mình sắp mua hay bán để không mắc sai lầm khi định giá hiện vật”.
Điều quan trọng cần có là phải có cái nhìn thận trọng với những người đã dày công nghiên cứu, sáng chế ra các thiết bị để phục vụ đời sống tinh thần cho cộng đồng.
Đó là những nghĩa cử đầy tính nhân văn của người tham gia lĩnh vực này, họ đang là những người đang ra sức gìn giữ hiện vật trong phạm vi cho phép, trong đó bản thân anh Hiếu là một trong những người như thế.
Anh Hiếu cũng rất chân tình kể về những khó khăn của mình như: việc phục hồi hoạt động các radio bị hư hỏng trở về trạng thái ban đầu rất nan giải bởi đòi hỏi những người thợ “chuyên trị” các thiết bị “xưa như Trái đất” này, đó là chưa kể tìm linh kiện thay thế cũng không dễ dàng.
Khó khăn tiếp theo là hiện vật sưu tầm ngày càng khan hiếm, khó tìm dù đã mở rộng rất nhiều kênh thông tin cả trong và ngoài nước.
Chưa dừng lại ở việc sưu tập những chiếc radio “cổ”, hiện tại anh Hiếu còn sở hữu trên 100 chiếc đèn cổ xưa, nhiều hiện vật gốm sứ từ nhiều địa phương như Lái Thiêu, Biên Hòa, ĐBSCL, các bộ tiền cổ Đông Dương, nhiều thiết bị nghe nhìn, âm thanh quý hiếm như: ti vi trắng đen, máy hát, đồng hồ, máy hát nhạc…
Tất cả hiện vật được anh trưng bày tại gia đình và đều được anh viết “lý lịch” cụ thể cho từng loại một cách chu đáo, chính xác.
Anh Hiếu khẳng định: “Tôi sẽ tiếp tục hành trình kỳ lạ với niềm đam mê bất tận của mình bất kể khó khăn trước mắt sẽ còn rất nhiều, rất lớn. Mấy anh biết gì về các loại hiện vật cổ đang có trong cộng đồng xin cứ thông tin giúp tôi. Dù xa xôi mấy, tôi cũng tìm đến cho bằng được. Đây là số điện thoại của tôi Nguyễn Tấn Hiếu- ĐT 0937899866 ”.
Bài, ảnh: PHAN THỊ ANH THƯ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin