Ngăn chặn dịch COVID-19 ở vùng biển, đảo Tây Nam

04:05, 12/05/2021

Vùng biển Tây Nam có nhiều đảo, trong đó một số đảo gần với nước bạn Campuchia. Mỗi ngày có hàng nghìn phương tiện hoạt động đánh bắt và lưu thông trên khu vực này. 

Vùng biển Tây Nam có nhiều đảo, trong đó một số đảo gần với nước bạn Campuchia. Mỗi ngày có hàng nghìn phương tiện hoạt động đánh bắt và lưu thông trên khu vực này. Ðể phòng ngừa dịch bệnh COVID-19, lực lượng Bộ đội biên phòng (BÐBP), Bộ Tư lệnh (BTL) Vùng Cảnh sát biển (CSB) 4, BTL Vùng 5 Hải quân tăng cường các biện pháp tuần tra, kiểm soát chặt chẽ nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các đối tượng xuất nhập cảnh trái phép bằng đường biển cũng như nâng cao nhận thức, kỹ năng phòng, chống dịch bệnh cho ngư dân.

 BĐBP Sông Đốc (Cà Mau) tuần tra trên tuyến biển.
BĐBP Sông Đốc (Cà Mau) tuần tra trên tuyến biển.

Trung úy Nguyễn Văn Tâm, Ðội trưởng - Ðồn Biên phòng đảo Nam Du (huyện đảo Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang), cho biết: “Nhiệm vụ của đội là tuần tra, kiểm soát và tuyên truyền về phòng, chống dịch COVID-19 tại khu vực Bãi Ngự, nơi có nhiều tàu cá neo đậu”. Trung úy Tâm cùng cùng 10 chiến sĩ đi dọc khu vực Bãi Ngự để kiểm tra khu vực neo đậu của hàng chục tàu cá từ khắp vùng biển tụ về. Theo Trung úy Tâm, quần đảo Nam Du có 21 đảo, hơn 6.000 dân sinh sống, chủ yếu trên 2 đảo thuộc xã An Sơn và Nam Du. Người dân sống chủ yếu bằng nghề đi biển. Vì vậy, hơn 1 năm qua dù trời nắng hay mưa bão, anh em đều phải đi tuần tra, cắm chốt, theo tàu ngư dân ra biển kiểm tra, giám sát lượng tàu cá, tàu buôn các nơi và cả tàu nước ngoài ghé vào đảo tránh bão, tiếp tế xăng dầu. “Khó khăn, vất vả nhưng chưa bao giờ các anh cho phép mình được lơ là. Bởi chỉ cần lơi lỏng một chút là nguy cơ dịch COVID-19 lây lan ra đảo ngay” - Trung úy Tâm bộc bạch.

Ở Trạm Kiểm soát biên phòng Sông Ðốc, nơi có lưu lượng tàu đánh cá của ngư dân ra vào nhiều nhất tỉnh Cà Mau, sự căng thẳng, mệt mỏi cũng thể hiện rõ trên từng khuôn mặt của cán bộ, chiến sĩ vì thiếu ngủ và làm việc quá tải. Ðại uý Ðỗ Văn Lanh, Trạm trưởng trạm Kiểm soát biên phòng Sông Ðốc, cho biết: Từ lúc dịch COVID-19 bùng phát, cán bộ, chiến sĩ ở trạm phải làm việc gấp đôi, gấp ba ngày bình thường. Vào lúc cao điểm, hết con nước đánh bắt trên biển, ngư dân vào bờ, bình quân mỗi ngày có gần 100 phương tiện, với trên 500 người ra vào cửa biển. Thế nên, công tác kiểm tra, kiểm soát kết hợp phòng, chống dịch COVID-19 phải duy trì nghiêm ngặt theo quy định. Ðối với phương tiện trong tỉnh thì kiểm tra đối chiếu qua thiết bị giám sát hành trình để biết phương tiện hoạt động ở khu vực nào, các thuyền viên có thay đổi so với ngày xuất bến. Ðối với phương tiện ngoài tỉnh vào địa bàn, công tác kiểm tra phải chặt chẽ hơn, sau đó kiểm tra thân nhiệt, khai báo y tế từng người… Ðồng thời kiểm tra, kiểm soát, đăng ký, đăng kiểm thủ tục hành chính để phương tiện và người được ra vào đúng quy định. “Việc ra vào cửa biển của ngư dân không theo giờ giấc cố định, hoặc những vụ việc xảy ra trên biển hằng ngày như tai nạn, rủi ro trong lao động, tranh chấp ngư trường giữa các ngư dân… nên chuyện thức xuyên đêm để làm thủ tục và giải quyết vụ việc cho bà con là chuyện hằng ngày của đơn vị” - Ðại úy Ðỗ Văn Lanh chia sẻ.

Cùng với lực lượng BÐBP, kể từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, để ngăn chặn tình trạng xuất nhập cảnh trái phép bằng đường biển, những chuyến tuần tra đêm được BTL Vùng CSB 4 tổ chức thường xuyên hơn. Ngoài ra để góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch, lực lượng CSB 4 đã điều động Tàu Cảnh sát biển 2001 và Tàu Cảnh sát biển 3008 tăng cường phối hợp với các lực lượng Vùng 5 Hải quân và BÐBP tỉnh Kiên Giang để nắm tình hình; tuyên truyền phòng, chống dịch; tuần tra, kiểm soát ngăn chặn, phòng chống xuất nhập cảnh trái phép bằng đường biển, phòng chống dịch; đấu tranh phòng, chống tội phạm… trên vùng biển Tây Nam.

Bên cạnh công tác tuần tra, kiểm soát, việc nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh cho ngư dân cũng được đơn vị chú trọng. Với phương châm “đón từng ghe, ghé từng nhà”, các cán bộ, chiến sĩ BTL Vùng CSB 4 đã tuyên truyền cho ngư dân về khuyến cáo 5K trong phòng dịch; không tổ chức móc nối, tiếp tay cho các đối tượng xuất nhập cảnh trái phép, thông báo ngay cho lực lượng chức năng khi phát hiện dấu hiệu khả nghi...

“Vùng biển rộng lớn, có những lúc không thể bao quát hết nên việc nâng cao ý thức, kỹ năng phòng, chống dịch bệnh và phát huy tai mắt trong dân là điều cần thiết nhất.  Chỉ tính riêng từ tháng 3 đến nay, đơn vị đã tuyên truyền cho hàng trăm tàu cá, phát hàng nghìn tờ rơi và tặng khẩu trang y tế, dung dịch rửa tay sát khuẩn cho ngư dân. Các lực lượng làm nhiệm vụ trên các đảo cũng có nhiều hỗ trợ người dân về đời sống, sinh hoạt và những khó khăn để bà con yên tâm bám biển, bám đảo, phòng, chống dịch COVID-19 cũng như giữ vững sự bình yên, bảo vệ vững chắc chủ quyền trên vùng biển Tây Nam của Tổ quốc. Nhờ đó, từ tháng 3 đến nay, bằng nguồn tin từ phía nhân dân BTL Vùng CSB 4 đã ngăn chặn kịp thời hàng chục người vượt biển trái phép bằng đường biển, tránh nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 cho đất liền” - Thượng tá Lê Văn Tú, Phó Chính ủy, BTL Vùng CSB 4, cho biết.

Theo Báo Cần Thơ

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh