Những năm qua, tỉnh An Giang luôn quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng xã hội trên địa bàn, đặc biệt là các công trình hạ tầng giao thông, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Những năm qua, tỉnh An Giang luôn quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng xã hội trên địa bàn, đặc biệt là các công trình hạ tầng giao thông, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Việc đầu tư cầu Nguyễn Thái Học đã tạo thuận lợi cho giao thông từ phường Mỹ Bình - trung tâm hành chính tỉnh, qua phường Mỹ Hòa- khu hành chính TP. Long Xuyên và ngược lại. Năm 2009, do nguồn vốn ngân sách tỉnh còn nhiều khó khăn, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã cho xây dựng cầu sắt tại vị trí này, nhằm đáp ứng nhu cầu giao thông qua khu vực trong khoảng 10 năm.
Với quyết tâm đầu tư các công trình hạ tầng giao thông, năm 2013, Tỉnh ủy, UBND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư xây dựng cầu Nguyễn Thái Học với kết cấu bê-tông cốt thép, từ nguồn vốn ngân sách tỉnh, tổng mức đầu tư hơn 200 tỷ đồng. Đây là công trình cầu đầu tiên trên địa bàn tỉnh được thi tuyển thiết kế kiến trúc. Sau hơn 24 tháng thi công, công trình hoàn thành, đưa vào sử dụng vào cuối tháng 4-2021.
Quá trình thi công công trình, địa phương gặp không ít khó khăn từ việc giải phóng mặt bằng, xử lý kỹ thuật… Nhưng với sự nỗ lực của các sở, ngành, chủ đầu tư, đơn vị thi công, tư vấn giám sát, chính quyền địa phương, sự hỗ trợ của người dân phường Mỹ Bình và Mỹ Hòa, công trình hoàn thành, đưa vào sử dụng trước kế hoạch hơn 12 tháng.
Cầu Nguyễn Thái Học nhanh chóng trở thành một trong những điểm nhấn về kiến trúc cảnh quan tiêu biểu cho TP. Long Xuyên, với thiết kế tương tự một công viên nổi trên sông. Từ năm 2017, tỉnh đã tổ chức cuộc thi thiết kế, với giải nhất thuộc về thiết kế của kiến trúc sư Salvador Arroyo Perez.
Vận dụng kinh nghiệm ngành kiến trúc, đặc biệt là đề án quy hoạch thủ đô Madrid (Tây Ban Nha), kiến trúc sư Salvador đã thiết kế cầu Nguyễn Thái Học với những điểm nhấn uyển chuyển. Đặc biệt, biểu tượng bông lúa thoáng qua trên cây cầu, mang đậm nét văn hóa của Việt Nam, là biểu trưng của vùng ĐBSCL - vựa lúa lớn nhất Việt Nam.
Cầu có chiều dài hơn 120m, được thiết kế với 2 phần: cầu dành cho xe ôtô và bộ hành, cầu dành cho bộ hành và cảnh quan. Cầu bộ hành có kết cấu kiến trúc rất đặc biệt, tất cả các chi tiết kết cấu không định hình, mỗi chi tiết có kích thước khác nhau thay đổi theo chiều rộng mặt cầu từ 5,7m - 9,5m, dầm dọc uốn lượn, dầm ngang thay đổi theo chiều rộng mặt cầu. Tất cả các chi tiết phải thay đổi để kết nối với nhau từ phần bên dưới đến phần bên trên.
Vì những nét đặc biệt đó, từ lúc khởi công đến khi hoàn thành, cầu Nguyễn Thái Học nhận được sự quan tâm rất lớn từ người dân. Sau thời điểm khánh thành, cầu được đông đảo người dân xa gần đến tham quan, chụp ảnh lưu niệm, kèm theo nhiều phản hồi tích cực. Những ngày nghỉ lễ 30-4, 1-5, cầu Nguyễn Thái Học trở thành địa điểm “check-in”, nơi nhất định phải đến của các bạn trẻ khi ghé TP. Long Xuyên, bất kể thời gian, thời tiết. Giữa lòng thành phố sôi động, cây cầu vừa mang nét hiện đại pha lẫn thi vị, nằm yên ả bên dòng Long Xuyên, đánh thức cảm quan của mọi người. Thậm chí, nhiều cặp đôi đã chọn nơi đây thực hiện bộ ảnh cưới, lưu giữ nét đẹp thanh xuân của mình, gắn với hình ảnh quê hương.
Niềm vui khi đưa công trình cầu Nguyễn Thái Học vào sử dụng sẽ gắn liền với trách nhiệm giữ gìn. “Để công trình sử dụng hiệu quả, lâu dài, Sở Giao thông - Vận tải phải quản lý công trình theo quy định, thường xuyên hỗ trợ đơn vị quản lý sử dụng các vấn đề về kỹ thuật trong quá trình vận hành. UBND TP. Long Xuyên có trách nhiệm quản lý, sử dụng, bảo trì, bảo dưỡng để công trình được sử dụng lâu bền. UBND các phường vận động nhân dân nâng cao ý thức bảo vệ, giữ gìn cảnh quan trên cầu xanh, sạch, sáng, đẹp và an toàn” - Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình đề nghị.
Đồng thời, UBND tỉnh còn đề nghị sắp tới đây, TP. Long Xuyên phối hợp sở, ban, ngành tỉnh tiếp tục nghiên cứu, đề xuất đầu tư các cầu còn lại, như: cầu Lê Hồng Phong (bắc qua rạch Long Xuyên) theo phương án và lộ trình hợp lý; phối hợp Bộ Giao thông - Vận tải để nâng cấp, đầu tư cầu Hoàng Diệu, cầu Nguyễn Trung Trực, nhằm giải tỏa giao thông trong nội ô và tạo vẻ mỹ quan, điểm nhấn cho đô thị Long Xuyên, góp phần xứng đáng hơn nữa với danh xưng “đô thị loại I”.
Theo TTMT
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin