Là trường học ở vùng rừng, nhưng với nhiều công trình, hoạt động ý nghĩa, Trường THCS và THPT Khánh An (xã Khánh An, huyện U Minh) đã tạo được môi trường dạy và học vui vẻ, thoải mái cho giáo viên và học sinh nơi vùng sâu, vùng xa.
Là trường học ở vùng rừng, nhưng với nhiều công trình, hoạt động ý nghĩa, Trường THCS và THPT Khánh An (xã Khánh An, huyện U Minh) đã tạo được môi trường dạy và học vui vẻ, thoải mái cho giáo viên và học sinh nơi vùng sâu, vùng xa.
Những minigame đầu tuần của lớp trực trong giờ chào cờ đã khuấy động không khí, giúp học sinh có thêm năng lượng khởi động tuần mới. |
Trường thành lập từ năm 2009, sau quá trình chia tách rồi sáp nhập, hiện nay trường có 2 cấp học. Nhờ sự quan tâm hỗ trợ từ chính quyền địa phương, hội cha mẹ học sinh, các thế hệ cựu học sinh, trực tiếp là tập thể giáo viên nhà trường, các em học sinh vùng rừng có môi trường học tập thuận lợi: nền nếp, kỷ luật nhưng cũng rất vui vẻ, tiện ích.
Từ công trình thiết thực...
Nằm khuất sâu bên trong, cách xa tuyến lộ chính về huyện U Minh (đoạn qua ấp An Phú, xã Khánh An) khoảng 300 m, nên Trường THCS và THPT Khánh An lâu nay ít được biết đến. Gần đây, nhờ xây dựng được nhà chờ xe buýt khang trang dành cho học sinh, ngay mé lộ lớn, nên nhiều người qua lại tuyến đường này dễ dàng nhận biết vị trí của trường hơn. Ðây cũng là công trình hoàn thành gần đây nhất, nhằm chăm lo cho học sinh có chỗ nơi an toàn, thoáng mát, có nước uống, ghế ngồi trong khi chờ đón xe buýt.
Trước đó, nhờ sự quan tâm của địa phương, sự chủ động của nhà trường, con đường bê-tông sạch sẽ dẫn vào trường được hình thành, không phải lầy lội mùa mưa. Rồi từ sự hợp sức, đóng góp nhiều ngày công của thầy trò mà khu vực trước và xung quanh cổng trường được lát gạch sạch sẽ, có bóng mát cho phụ huynh ngồi đợi đón con em.
Bước vào cổng trường, đã sẵn nước rửa tay sát khuẩn, bên trong có khu vực rửa tay sạch sẽ, phục vụ tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19. Khuôn viên nhiều bóng mát, khu tiểu cảnh với hồ cá, ghế, bàn cờ… để thầy trò thư giãn, chuyện trò; ghế đá bố trí trước các dãy phòng học, cho học sinh ngồi ôn bài, ăn sáng trước khi vào lớp; giỏ để các em có chỗ nơi bỏ rác, tránh vứt bừa bãi, nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh chung. Ngoài bóng chuyền, tại trường còn có bóng bàn và cả banh bàn để thầy trò rèn luyện thể chất, giải trí.
Ðặc biệt, trong khi tại nhiều trường học nhà vệ sinh chưa đảm bảo, khiến học sinh rất ngại vào thì tại đây, học sinh cảm thấy rất thoải mái khi cần dùng. Trường đầu tư gắn cảm biến chuyển động để khởi động đèn, quạt, nước và nhạc.
Từ nguồn xã hội hoá, trường mua cả giấy, băng vệ sinh, phòng khi các em nữ cần sử dụng đột xuất, khỏi phải xin về giữa chừng. Trong nhà vệ sinh lại có cả những dòng thơ nhắc khéo hóm hỉnh: “Xong rồi thì hãy đi ra/Bên ngoài có kẻ xót xa đợi chờ”, “Nơi đây nước chẳng tính tiền/Ði xong nhớ dội, chớ phiền người sau”.
Từng là giáo viên của trường, nay đã chuyển công tác, cô Trần Bích Thuỷ (hiện là giáo viên Trường THCS và THPT Lý Văn Lâm, TP Cà Mau), chia sẻ về trường cũ: “Nhà trường luôn cố gắng đem đến cho học sinh, giáo viên môi trường học tập và làm việc tốt nhất. Khi học sinh la cà trong giờ chơi, những em nhà xa phải ngồi lê hàng quán để chờ học chéo buổi, giáo viên phải chờ đợi khi trống tiết thì đã có thư viện xanh, vừa tạo được môi trường thoáng mát, sạch sẽ, vừa giúp giáo viên, học sinh có được kiến thức trong thời gian rảnh rỗi. Thấy một số em nghiện net, khó cấm đoán, trường lại cho học sinh riêng một phòng để chơi bóng bàn, đánh cờ tướng, cờ vua…, với hy vọng các em sẽ thay đổi cách giải trí”.
Ðến hoạt động ý nghĩa
Thầy Lê Thanh Giang, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Nhà trường phối hợp với Trung tâm Y tế huyện tư vấn sức khoẻ sinh sản cho học sinh. Ngoài ra, còn lồng ghép kiến thức chăm sóc sức khoẻ giới tính vào trong các môn học. Bên cạnh những nội dung thi đua bắt buộc, trường còn tổ chức các hoạt động cho học sinh lựa chọn môn vui chơi theo nhóm, sở thích; phân công thành viên Ban Giám hiệu thăm học sinh khi bị bệnh nặng nằm viện hoặc có cha mẹ qua đời. Hàng năm, vào đầu năm học, trường tổ chức quyên góp ủng hộ để giúp đỡ học sinh mua đồng phục, sách giáo khoa, bảo hiểm... Dịp Tết, trường tổ chức quyên góp ủng hộ học sinh vui Tết”.
Về xử lý học sinh vi phạm, trường luôn tìm nguyên nhân để hạn chế, tổ chức các hoạt động cho các em tham gia: làm vệ sinh trường lớp, sửa chữa bàn ghế, hiến máu tình nguyện... để xem xét tạo cơ hội cho các em; khen thưởng những học sinh tiến bộ. Ngoài ra, trường còn tổ chức cho học sinh tham gia các hoạt động xã hội.
“Tôn trọng sự khác biệt” là một trong những tiêu chí trong nội dung cam kết chất lượng của nhà trường với phụ huynh học sinh. Dù mọi quy định đều phải thực hiện rất nghiêm, nhưng học tại trường, học sinh sẽ cảm thấy không gò bó.
Về đồng phục, với học sinh nữ, nếu em nào cảm thấy điều kiện cơ thể không phù hợp, nhà trường sẽ xem xét miễn mặc áo dài. Năm học 2020-2021, trường quy định đồng phục cũng linh hoạt, do thông cảm với điều kiện đi lại, di chuyển khó khăn, số đông học sinh phải đi xe buýt, qua sông qua phà… Những lúc nước ngập, các em còn được mang dép và chọn trang phục phù hợp đi học. Hay khi mưa nhiều, trường thường lùi giờ vào lớp, để các em nhà xa không bị muộn học.
Chỉ với những việc làm nhỏ hàng ngày, nhưng thể hiện rõ tình yêu thương, sự chăm lo ân cần của các thầy cô, đặc biệt là thầy hiệu trưởng dành cho học sinh: Vào giờ học, khi các em đã yên vị trong lớp, các thầy lại ra nhà xe; chiếc xe đạp nào hỏng hóc sẽ được dắt ra, chỉ là sửa chữa nhỏ: bơm bánh, thay bàn đạp, siết ốc… âm thầm nhưng khiến học sinh ấm lòng, khi tan học đỡ phải dắt bộ xa, đỡ gặp sự cố dọc đường.
Lễ giáng sinh, thầy hiệu trưởng còn hoá thân thành ông già Noel đứng ở cổng trường, đi phát quà cho các em… Khi có trường hợp học sinh bệnh, xin về, trường luôn liên hệ gia đình đến đón; hoặc cử lực lượng trực Ðoàn trường đưa về.
Nhà trường cũng tổ chức các hoạt động chung: thi nữ sinh thanh lịch; rèn luyện kỹ năng sống; tri ân cha mẹ, thầy cô; giao lưu thể thao, văn nghệ - chương trình xuân yêu thương; dựng video - giới thiệu ảnh đẹp về trường; thi tên lửa nước, đấu trường 30...; tham gia các hoạt động trải nghiệm (trồng hoa Tết, rau sạch; thử làm thợ sửa chữa điện gia dụng...); tập và nhảy Cha cha cha xen kẽ với tập thể dục giữa giờ, tạo sự hứng khởi vận động cho các em. Qua đó, thầy trò gắn kết hơn, rèn cho các em về thẩm mỹ, quan niệm và kỹ năng sống.
Em Lâm Tấn Tài, cựu học sinh niên khoá 2013-2016, chia sẻ: “Nhờ những lần làm quản trò minigame đầu tuần tại trường cấp 3, giờ đây em đã biết cách tổ chức trò chơi, chuẩn bị kế hoạch và mạnh dạn hơn khi thuyết trình báo cáo đề tài trước đám đông. Thật hạnh phúc vì được rèn luyện từ khi là học sinh tại Trường THCS và THPT Khánh An, để giờ đây em là một trong những sinh viên 5 tốt, đoàn viên ưu tú”.
Còn với em Dương Thanh Mộng, học sinh lớp 10C3, năm học 2020-2021, thì: “Qua 2 năm học, em thấy môi trường học ở đây tốt, giáo viên tận tâm. Riêng bản thân em rất háo hức với cách học đi đôi với hành ở trường. Thông qua đó em cảm nhận được đi học rất thoải mái, không bị áp lực quá nhiều”.
Thầy Lê Thanh Giang, cho biết: “Trong thời gian thực hiện xây dựng hướng đến “trường học hạnh phúc”, kết quả chuyển biến rõ nhất là học sinh cảm thấy thoải mái khi tới trường, không bị áp lực bởi những quy định cứng. Phần lớn thầy cô cảm nhận môi trường làm việc dân chủ, công bằng”./.
Theo Báo Cà Mau
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin