Với nhiều yếu tố tác động nên các vùng mía nguyên liệu trên địa bàn tỉnh phải trải qua những giai đoạn thăng trầm và làm cho đời sống người dân gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, với nhiều giải pháp đã và đang được triển khai đã mang lại những tín hiệu tích cực ban đầu cho bà con.
Với nhiều yếu tố tác động nên các vùng mía nguyên liệu trên địa bàn tỉnh phải trải qua những giai đoạn thăng trầm và làm cho đời sống người dân gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, với nhiều giải pháp đã và đang được triển khai đã mang lại những tín hiệu tích cực ban đầu cho bà con.
Nhiều cánh đồng mía của huyện Phụng Hiệp được chuyển đổi sang trồng cây có múi. |
Diện tích mía giảm mạnh
Nhờ điều kiện đất đai màu mỡ, thời tiết thuận lợi nên mía là một trong những cây trồng có lợi thế của tỉnh. Theo đó, vào thời điểm trước năm 2010, mía được xác định là cây trồng đặc thù và chiếm vị trí chủ lực thứ 2 của tỉnh (sau cây lúa), đồng thời có diện tích canh tác đứng đầu vùng ĐBSCL khi đạt gần 15.500ha vào năm 2008.
Không chỉ thế, cũng trong thời điểm trên, cây mía đã góp phần giúp cho nhiều hộ dân tại các vùng mía nguyên liệu chính của tỉnh như huyện Phụng Hiệp, thị xã Ngã Bảy (nay là thành phố Ngã Bảy) và thành phố Vị Thanh làm giàu nhờ nguồn thu nhập cao.
Ông Nguyễn Văn Hiền, nông dân trồng hơn 1ha mía ở ấp Quyết Thắng B, xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp, chia sẻ: “Đến nay, gia đình tôi gắn bó với cây mía được hơn 20 năm.
Còn nhớ vào thời điểm mới thành lập tỉnh (năm 2004) đến khoảng năm 2012, phong trào trồng mía rất phát triển, trong đó phấn khởi nhất là vào mỗi vụ thu hoạch đều có nhiều thương lái của nhà máy đường vùng ĐBSCL đến thu mua mía cho bà con, có năm giá đường ở mức cao nên nhà máy đường đến vùng mía nguyên liệu huyện Phụng Hiệp tranh nhau mua mía.
Nhờ vậy, tạo nguồn thu nhập cao và cuộc sống ổn định cho người dân trồng mía. Đặc biệt, vào năm 2006, có một nhà máy đường trên địa bàn tỉnh thành lập Câu lạc bộ trồng mía đạt 200 tấn/ha để chuyển giao khoa học kỹ thuật, giống mía mới; từ đó giúp bà con sản xuất đạt hiệu quả hơn.
Riêng gia đình tôi, cũng nhờ cây mía vào thời điểm trên mà có dư dả để xây dựng được căn nhà tường khang trang như hôm nay”.
Nhiều rẫy mía kém hiệu quả trong tỉnh được nông dân cải tạo lại trồng cây ăn trái. |
Thế nhưng, trong những năm gần đây, ngành mía đường gặp nhiều khó khăn do thiếu liên kết trong quy hoạch, chế biến và tiêu thụ, tình trạng đường ngoại nhập lậu vào Việt Nam đã tác động nhiều đến thị trường đường trong nước...
Đặc biệt, khi cam kết của Việt Nam về việc dần xóa bỏ rào cản thuế nhập khẩu cho các nước ASEAN khi gia nhập Khu vực mậu dịch tự do (AFTA) chính thức có hiệu lực từ đầu năm 2018 thì ngay lập tức từ thời gian này, ngành mía đường phải chịu sự cạnh tranh quyết liệt và luôn đối mặt với nhiều thách thức không chỉ riêng các nhà máy đường mà cả nông dân trồng mía.
Cụ thể, đường sản xuất ra khó tiêu thụ dẫn đến tồn kho với số lượng lớn, từ đó kéo theo giá đường trên thị trường và giá mía nguyên liệu giảm mạnh... Từ những lý do trên đã có sự tác động không nhỏ đến nghề trồng mía của người dân trong tỉnh.
Đặc biệt là nhiều vụ thu hoạch mía liên tiếp nông dân trong tỉnh chỉ huề vốn, thậm chí có hộ còn thua lỗ nên dẫn đến tình cảnh nợ nần và có không ít hộ phải rời quê đi làm công nhân tại các công ty ở thành phố lớn. Chính vì vậy, diện tích trồng mía của tỉnh đã giảm đáng kể, nhất là trong giai đoạn từ năm 2010 đến nay có xu hướng giảm ngày càng nhiều.
Theo đó, qua ghi nhận của ngành nông nghiệp tỉnh, vụ mía năm 2020 vừa qua, diện tích mía toàn tỉnh chỉ còn 5.909ha, giảm 5.681ha so với năm 2015, còn so với năm 2010 giảm khoảng 7.264ha. Do diện tích giảm nên sản lượng mía năm 2020 của tỉnh chỉ đạt 590.900 tấn, giảm bình quân 10,9%/năm.
Sang năm 2021 này, diện tích mía toàn tỉnh được nông dân xuống giống đến nay là 5.039ha (kế hoạch là 5.000ha). Như vậy, so với thời điểm có diện tích mía cao nhất của tỉnh thì diện tích mía hiện tại chỉ còn chưa được 1/3.
Đã chuyển hơn 1ha đất trồng mía của gia đình sang canh tác chanh không hạt được gần 3 tháng, ông Nguyễn Văn Minh, ở ấp Phương Thạnh, xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp, bộc bạch: “Sau nhiều năm bán mía liên tiếp chỉ huề vốn, thậm chí có năm còn thua lỗ nên gia đình tôi quyết định bỏ mía để chuyển sang trồng chanh không hạt dù đã gắn bó với cây mía được hơn 30 năm qua. Hiện không riêng gì tôi mà nhiều bà con ở đây đều làm tương tự.
Tận dụng đất liếp còn trống, tôi trồng xen một số loại rẫy dây và rau màu để kiếm thêm nguồn thu nhập. Hy vọng tới đây, mô hình chuyển đổi này sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với cây mía”.
Hiệu quả mô hình chuyển đổi
Thực tế trong những năm qua cho thấy, việc chuyển đổi từ diện tích đất trồng mía kém hiệu quả sang cây trồng khác tại nhiều vùng mía nguyên liệu trong tỉnh đã bước đầu mang lại những tín hiệu tích cực cho người dân. Điển hình như mô hình trồng khóm MD2 theo hướng nông nghiệp xanh tại ấp Phương Thạnh, xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp.
Hiện astại, mô hình này có tổng diện tích khoảng 82ha. Theo bà con nơi đây, khóm MD2 sau khi trồng 18 tháng sẽ tiến hành thu hoạch trái đợt đầu, sau đó 12 tháng sau sẽ xắn khóm lần 2. Trọng lượng mỗi trái khóm đạt từ 0,5-4,2kg (bình quân là 1,8kg), giá bán được công ty bao tiêu là 5.700 đồng/kg.
Ông Nguyễn Văn Sỹ, hộ có 4ha khóm MD2 ở ấp Phương Thạnh, xã Phương Bình, thông tin: “Ngày trước, vùng đất nơi đây bà con sống bằng nghề trồng mía.
Tuy nhiên, việc canh tác mía những năm gần đây không mang lại kinh tế cao do giá cả bấp bênh. Vì vậy, sau khi thỏa thuận về phương thức làm ăn với Công ty West Food (công ty) có trụ sở ở thành phố Cần Thơ, gia đình tôi quyết định chuyển toàn bộ đất mía sang trồng khóm MD2.
Hiện tại, khóm của tôi và bà con xứ này được công ty ký hợp đồng bao tiêu để thu mua lại toàn bộ sản phẩm xuất đi tiêu thụ ở thị trường châu Âu. Từ khi chuyển đổi sang trồng khóm MD2, nguồn thu nhập của gia đình được cải thiện, đời sống cũng từ đó đỡ khó khăn hơn và có dư dả”.
Là địa phương có diện tích trồng mía lớn nhất của tỉnh (thời điểm cao nhất gần 10.000ha) nên nhiều năm qua, phong trào chuyển đổi từ đất mía sang cây trồng khác được người dân huyện Phụng Hiệp thực hiện sôi nổi.
Ông Trần Văn Tuấn, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phụng Hiệp, cho biết: Phong trào chuyển đổi này được lãnh đạo huyện có chủ trương thực hiện từ năm 2013. Nhưng chỉ tính riêng từ năm 2018 đến nay, toàn huyện có 3.105ha đất mía ngoài vùng nguyên liệu và sản xuất kém hiệu quả được bà con chuyển đổi sang cây ăn trái (xoài, mít), cây có múi (cam sành, bưởi da xanh…) và một số loại cây trồng khác.
Ngoài ra, địa phương còn phối hợp với Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh hỗ trợ mô hình sản xuất tại vùng mía kém hiệu quả của xã Phụng Hiệp theo hình thức liên kết chuỗi để nâng cao hiệu quả sản xuất cho người dân với tổng diện tích 25ha (trồng bưởi da xanh), có 13 hộ tham gia.
Bên cạnh đó, UBND huyện còn triển khai hỗ trợ cho bà con chuyển đổi được 260ha từ cây mía sang trồng chanh không hạt tại các xã, thị trấn vùng mía nguyên liệu trong huyện.
“Nhìn chung, những mô hình chuyển đổi khi đến thời gian thu hoạch đều cho hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng mía.
Đặc biệt, hiện địa phương có Công ty TNHH MTV The Fruit Republic Cần Thơ ký kết bao tiêu được 22ha chanh không hạt đạt chuẩn GlobalGAP của bà con ở xã Hòa An, đồng thời tiếp tục phối hợp bao tiêu thêm 260ha tại nhiều địa phương khác trong huyện.
Kết quả trên cho thấy những tín hiệu tích cực về hướng đi mới trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp mà huyện Phụng Hiệp đã và đang thực hiện có hiệu quả trong thời gian qua; đồng thời cũng là minh chứng cụ thể bước đầu cho việc trả lời câu hỏi của người dân trong chuyển đổi đất mía sang trồng cây gì, con gì đạt hiệu quả.
Tới đây, địa phương tiếp tục nhân rộng những mô hình sản xuất hiệu quả đến các vùng mía kém hiệu quả khác trong huyện theo kế hoạch đề ra”, ông Trần Văn Tuấn, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phụng Hiệp, cho biết thêm.
Tương tự huyện Phụng Hiệp, thời gian qua, người dân thành phố Vị Thanh cũng đẩy mạnh chuyển đổi từ đất mía kém hiệu quả sang cây trồng khác; trong đó, bà con nơi đây tập trung vào những loại cây ngắn ngày và rau màu các loại, nhất là cây bắp.
Đang chăm sóc 1,1ha bắp (giống bắp Thái) trong giai đoạn cho trái, ông Huỳnh Văn Nhành, ở ấp Thạnh Lợi, xã Hỏa Lựu, thành phố Vị Thanh, bộc bạch: “Từ khi bỏ cây mía (năm 2018) chuyển sang trồng bắp đến nay, cuộc sống gia đình tôi trở nên khấm khá hơn nhờ có nguồn thu nhập thường xuyên.
Nếu trước đây khi trồng mía thì mỗi năm chỉ thu hoạch một lần nhưng lại không có lời do giá mía thấp. Còn trồng bắp chỉ mất 60-65 ngày là thu hoạch, tùy theo giá cả thị trường lên hoặc xuống nhưng bình quân mức lợi nhuận thu được là 3 triệu đồng/công bắp”.
Với những hiệu quả mang lại của mô hình chuyển đổi từ đất mía, đồng thời thực hiện theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai các giải pháp phát triển ngành mía đường Việt Nam trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh.
Hiện Sở NN&PTNT tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh về các giải pháp và định hướng phát triển đối với cây mía tại Hậu Giang. Cụ thể về diện tích trồng mía, sẽ duy trì đến năm 2025 khoảng 3.500ha, năng suất bình quân từ 110-120 tấn/ha, sản lượng đạt 350.000-400.000 tấn.
Bà Nguyễn Thị Giang, Phó Giám đố Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang, cho hay: Bên cạnh quy hoạch lại vùng sản xuất mía tập trung thì tỉnh cũng thực hiện việc chuyển dịch cơ cấu từ đất trồng mía kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác, trong đó ưu tiên một số loại cây trồng tiềm năng như: mít, chanh không hạt, mãng cầu, rau màu các loại và mô hình nuôi trồng thủy sản kết hợp.
Ngoài ra, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ phối hợp với các cơ quan chuyên môn, địa phương và nhà máy đường xây dựng mô hình cánh đồng mía lớn để hướng đến cơ giới hóa đồng bộ tại các vùng trồng mía tập trung gắn với phát triển hợp tác xã nông nghiệp. Trước mắt, sẽ xây dựng cánh đồng lớn trên cây mía với quy mô 200ha và dự kiến thực hiện tại huyện Phụng Hiệp…
Theo Báo Cà Mau
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin