Khi tôi lớn lên, những ngày đầu tiên đến trường trên chiếc xuồng ba lá theo má đi chợ vào mỗi sớm mai, là đã thấy hai dãy phố chợ Thới Bình nằm dưới tán những cây còng mới lớn đã có từ bao giờ rồi. Sau này, khi tìm đọc các tài liệu ghi lại việc hình thành phố chợ Thới Bình, tôi mới biết rõ hơn chiều dài lịch sử hàng trăm năm của dãy phố nằm bên ngã ba sông Trẹm.
Thị trấn Thới Bình đang chuyển mình xây dựng đô thị văn minh. Ảnh: VĂN ÐUM |
Khi tôi lớn lên, những ngày đầu tiên đến trường trên chiếc xuồng ba lá theo má đi chợ vào mỗi sớm mai, là đã thấy hai dãy phố chợ Thới Bình nằm dưới tán những cây còng mới lớn đã có từ bao giờ rồi. Sau này, khi tìm đọc các tài liệu ghi lại việc hình thành phố chợ Thới Bình, tôi mới biết rõ hơn chiều dài lịch sử hàng trăm năm của dãy phố nằm bên ngã ba sông Trẹm.
Theo tài liệu lịch sử ghi lại, vào những năm 20 của thế kỷ trước, làng Thới Bình khi ấy chỉ là một vùng đất hoang sơ, khắc nghiệt, nên ít dân cư sinh sống. Là vùng đất mới nên ngày càng có nhiều người dân từ vùng trên xuống giao thương, lập nghiệp. Dần dần, Thới Bình trở nên đông đúc, nhộn nhịp. Ngã ba sông Trẹm là vị thế thuận lợi cho giao thương, buôn bán, nên quan lại phong kiến tranh nhau cất phố, lập chợ và hình thành nên chợ Thới Bình.
Ban đầu, dãy phố được cất tạm bợ. Ðến năm 1940, thực dân Pháp đã cất lại dãy phố bằng gỗ dầu, lợp ngói. Khu phố có khoảng 100 căn, chia hành hai dãy. Sau khi cất xong, các căn phố được bán lại cho người Việt, người Hoa để ở và buôn bán. Ðó có lẽ là mốc thời gian về sự ra đời hai dãy phố của thị trấn Thới Bình ngày nay. Khu phố được cất theo hai dãy nơi ngã ba sông, từ đầu con rạch Bà Ðặng cho đến vàm kênh Chắc Băng, giáp với sông Trẹm. Ðây là ngã ba sông, rất thuận lợi cho giao thương, cả trên bộ lẫn dưới sông. Vào năm 1946, khu chợ đã từng bị cháy một lần trong chiến tranh, sau đó đã được cất lại. Nếu tính thời gian hình thành, thì dãy phố chợ Thới Bình đã trải qua gần một thế kỷ. Còn nếu tính từ thời gian thực dân Pháp cất nên hai dãy phố, thì phố chợ Thới Bình đã có tuổi đời hơn 80 năm.
Khi tôi lớn lên là đã thấy hai dãy phố làm bằng gỗ dầu, lợp ngói âm dương, nằm dưới tán những cây còng chạy dài từ đầu vàm Bà Ðặng đến vàm kênh Chắc Băng. Dưới thời Việt Nam Cộng hoà, khu phố chợ Thới Bình thuộc đơn vị hành chính cấp xã, gọi là xã Thới Bình, và là nơi đặt quận lỵ Thới Bình. Phố chia làm hai dãy, dãy trên bờ và dãy phía mé sông. Hai dãy phố cách nhau một con đường trải đá. Ðường chỉ để đi bộ, hiếm khi thấy có chiếc xe đạp xuất hiện trên con đường này, chứ đừng nói đến xe gắn máy. Sau này, con đường được tráng xi-măng nên nhìn có vẻ đẹp và khang trang hơn. Con đường dẫn lên chiếc cầu bắc qua kênh Chắc Băng ở gần ngã ba sông chia dãy phố làm hai đoạn gần bằng nhau. Khoảng giữa của dãy phía trên là nhà làm việc của chính quyền xã, còn ở phía ven sông là khu nhà lồng chợ. Dãy phố trên được cất liền kề, hiên trước mỗi căn liền nhau tạo thành lối đi cho người dân, rất thuận lợi cho việc đi lại, mua bán, dù thời tiết nắng, mưa. Ðoạn giữa hai dãy phố này có thể gọi là trung tâm của chợ Thới Bình ngày xưa. Hầu hết những căn phố ở đoạn này đều là những cửa tiệm của người Hoa. Dãy phố phía ven sông thì không cất liền kề. Cách vài căn phố có chừa một khoảng trống, chiều ngang bằng một căn phố, để làm lối đi từ trên phố xuống bờ sông. Ngày xưa, bà con ở quê ra chợ chủ yếu bằng đường sông, nên những khoảng trống dành cho lối đi như vậy là rất thiết thực. Bà con khi chèo xuồng ra chợ, cột xuồng lại ở một bến nào trống rồi lên chợ mua bán, xong buổi chợ lại xuống xuồng chèo về. Ðoạn phố gần nhà lồng chợ thì tấp nập hơn cả trên phố lẫn bến sông vào mỗi phiên chợ sáng.
Khu phố chợ Thới Bình ngày xưa rất nhỏ, hẹp so với ngày nay. Người cũng không đông, vả lại trong thời chiến, nên phố chợ có vẻ thưa vắng người hơn. Các cửa hàng thì chủ yếu là buôn bán tạp hoá. Quán ăn và giải khát chỉ vài ba cửa tiệm, như quán Lâm Trường Minh luôn đông khách cà phê và ăn sáng với món bánh tằm bì, xíu mại, giò chéo quẩy, và cà phê “xây chừng” hay “xây nại” pha bằng vợt. Quán Khá Lém thì cao cấp hơn một chút, ngoài cà phê và những món ăn, thức uống thông thường, còn có những món ăn của người Hoa, như cháo Tiều, mì Quảng... Ở đầu cầu có quán cà phê của dì Ba Họn. Nơi đây khách thường là lính tráng bên chi khu sang ngồi tán gẫu với con gái bà chủ… Ngoài ra, còn có một vài quầy cà phê, ăn sáng bình dân ở quanh nhà lồng chợ. Quán xá ở Thới Bình ngày xưa chỉ có vậy, quán ăn, quán nhậu không nhiều như ngày nay…
Tôi quên, chưa nhắc đến chuyện điện đóm ở khu phố chợ. Dĩ nhiên là thị trấn thời ấy không có điện lưới. Và phố không có đèn đường, không có tiếng xe, mà chỉ có tiếng ghe hay xuồng máy dưới sông. Ðêm, khoảng 6-7 giờ tối cho đến khoảng 10 giờ là có máy phát điện chạy để thắp đèn chiếu sáng cho cả khu phố chợ và cả bên chi khu. Chiếc máy đèn già cỗi tải không nổi mô-tơ điện, dù chỉ cho nhu cầu thắp sáng, ánh sáng những ngọn đèn cứ chập chờn, không đủ sáng. Ông Sáu Thẹo là người phụ trách chuyện điện đóm, nghĩa là vừa chạy máy đèn, vừa sửa chữa đường điện, vừa kiểm tra người dùng điện, vừa thu tiền điện. Ông luôn nhắc nhở mọi nhà nên xài bóng đèn dài, không cho xài bóng tròn, nhưng điện cứ chập chờn thì đèn dài chỉ vài ba bữa là hư, nên bà con cứ lắp bóng tròn mà xài. Cái vòng luẩn quẩn ấy cứ mãi là chuyện không dứt về điện. Nhưng mỗi tối, bà con vẫn chờ chiếc máy đèn đặt ở đầu cầu Bà Ðặng lên tiếng sau những vòng quay hì hục của ông Sáu Thẹo. Nghe tiếng máy đèn, người ta không khỏi hình dung như một cụ già hom hem đang cố sức để làm một công việc nặng nhọc so với sức lực và tuổi của mình…
Phố chợ bên này nối với bên kia vàm kênh Chắc Băng là nơi đặt Chi khu Thới Bình thời chính quyền cũ bằng một chiếc cầu. Có một thời, khoảng năm 1960, chiếc cầu này là cầu quay, quay bằng thủ công. Mỗi khi có tàu ghe lớn qua lại, là những người phụ trách dùng tay quay cho nhịp giữa cầu nằm xuôi theo dòng sông, mở ra khoảng trống cho ghe tàu qua. Về sau chiếc cầu quay hư, chính quyền cũ làm cầu bằng gỗ, có độ thông thuyền cao để thay thế.
Sau ngày miền Nam giải phóng, quận Thới Bình đổi thành huyện Thới Bình, đồng thời chính quyền tách một phần diện tích và dân số của xã Thới Bình để thành lập thị trấn Thới Bình, là thị trấn huyện lỵ Thới Bình. Sau gần nửa thế kỷ từng bước thay da đổi thịt, hai dãy phố của thị trấn Thới Bình nay đã khác xưa rất nhiều. Một sự thay đổi để vươn lên phát triển không ngừng, nhất là từ khi bước vào thời kỳ đổi mới. Thay đổi đến nỗi, có những người xa quê lâu ngày về thăm không nhận ra góc phố hay con đường quen thuộc khi xưa.
Trước hết là hai dãy phố nay đã mang bộ mặt khác. Con đường nằm giữa hai dãy phố, cũng như những con đường chung quanh thị trấn, nay đã được tráng nhựa phẳng phiu. Xe gắn máy đã là phương tiện đi lại, và không ít người dân ở thị trấn đã có xe hơi. Phố được nối dài thêm ở cả hai đầu và mở rộng thêm với một con đường hai chiều song song phía sau hai dãy phố cũ. Ðầu phố phía ngã ba sông ngày nay là phố chợ đông đúc với một đoạn lộ hai chiều khang trang, chạy ngang phía trước nhà lồng chợ mới xây sau này. Phía đầu phố còn lại thì nối dài bên kia cầu Bà Ðặng, lên tới khu vực đồn trú của lính ngày xưa. Nhiều căn phố đã được bà con xây lại nhà tầng sau nhiều năm xuống cấp, hư hỏng. Dãy phố phía mé sông đã được xây cất liền kề, không còn những chỗ làm lối đi từ sông lên phố, bởi ngày nay bà con đi chợ bằng xe gắn máy, chứ đâu còn xuồng chèo tấp nập dưới sông như ngày xưa. Bờ kênh dọc theo con phố được xây kè thẳng tắp, đẹp, sạch sẽ và nhìn ngăn nắp vô cùng! Còn nhiều mặt thay da đổi thịt của dãy phố ngày xưa sau nửa thế kỷ mà tôi không thể ghi lại hết…
Bên cạnh sự chuyển mình phát triển nhanh chóng của thị trấn Thới Bình ngày nay, vẫn còn lại những dấu tích của một dãy phố chợ đã được hình thành gần một thế kỷ đã qua. Những căn phố lợp ngói âm dương còn lại nay đã rêu phong, xô lệch, xuống cấp... nằm im lìm dưới tán cây còng đại thụ, xen lẫn bên những căn phố mới xây, có lầu và thiết kế hiện đại. Có lẽ, hình ảnh ít thay đổi nhất của phố chợ Thới Bình chính là hàng còng phủ bóng trên con phố qua thời gian. Có chăng là những cây còng đã già cỗi, đội chăm sóc cây xanh phải cắt tỉa bớt cành, nên nhìn có vẻ như thưa thớt, đơn độc hơn… Sự pha trộn giữa những dấu tích cũ vẫn còn lại theo thời gian, và những thay đổi theo đà phát triển của cuộc sống đã tạo cho khu phố chợ Thới Bình những nét riêng, vừa lặng lẽ và cũng vừa hoà mình với nhịp sống nhộn nhịp của một thị trấn huyện lỵ đang trên đà phát triển và xây dựng thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị./.
Theo NGUYỄN SÔNG TRẸM (Báo Cà Mau)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin