Mặc nưa - thời xa vắng

10:04, 16/04/2021

Giữa trưa, tôi chạm vào mấy gốc mặc nưa, nghe trầm mặc lan sâu vào lòng. Chúng như lạc lõng giữa mảnh đất mặt tiền có giá trị cả chục tỷ đồng của phố thị.

Giữa trưa, tôi chạm vào mấy gốc mặc nưa, nghe trầm mặc lan sâu vào lòng. Chúng như lạc lõng giữa mảnh đất mặt tiền có giá trị cả chục tỷ đồng của phố thị.

Những khoảnh đất bạt ngàn mặc nưa ngày xưa giờ đã lùi vào dĩ vãng, kéo theo thời hoàng kim của mặc nưa. Mà thật ra, mặc nưa không mang ý nghĩa cho riêng mình. Nó là “linh hồn” của “nữ hoàng tơ lụa” lãnh Mỹ A huyền thoại. Không có lãnh Mỹ A, nó chỉ là gốc cây dại ven đường. Ngược lại, thiếu mặc nưa, lãnh Mỹ A chỉ là mảnh lụa đơn thuần, vắng hẳn nét đặc sắc được truyền tụng.

 Mặc nưa trái mùa ít ỏi trên cành
Mặc nưa trái mùa ít ỏi trên cành

Theo nhiều tài liệu, lãnh Mỹ A vang bóng một thời, niềm tự hào của xứ lụa Tân Châu (An Giang). Thời thịnh nhất của loại vải cao cấp này là những năm 1950-1960, chỉ có các quý bà, quý cô thuộc gia đình giàu sang mới đủ tiền để mua lãnh Mỹ A may áo dài. Lãnh Mỹ A không chỉ nổi tiếng khắp Nam kỳ lục tỉnh, mà còn được xuất sang Campuchia, Lào...

Lúc ấy, ở Tân Châu hầu như nhà nào cũng làm lãnh Mỹ A. Sau này, lãnh Mỹ A được “phục hưng” thành công, bằng việc được các nhà thiết kế nổi tiếng sử dụng trong nhiều bộ sưu tập các loại váy liền thân dáng suông, váy chữ A, áo vest, áo dài, trang phục dạ hội và váy cưới... làm sống lại thương hiệu lãnh Mỹ A, mang hồn quê ra khỏi phạm vi đất nước một lần nữa.

Quy trình dệt, nhuộm vô cùng phức tạp, được lưu truyền từ đời này sang đời khác, được dệt từ tơ tằm 100% bằng phương pháp dệt satin 8 và nhuộm từ trái mặc nưa. Mỗi cây hàng (25m) cần đến 90kg trái mặc nưa. Trái mặc nưa được ưa chuộng nhất là loại già vừa phải, màu xanh hơi ngả vàng. Màu vàng đậm hơn thì sẽ bớt mủ. Nhuộm mặc nưa kỳ công vô cùng, các quy trình được đúc kết từ trăm năm trước, từ những “bàn tay đen” lão luyện trong nghề.

Mặc nưa được nghiền thành bột, rây kỹ, pha với nước, tạo thành chất mủ đặc quánh, màu chuyển dần từ vàng sang đen. Vải được nhuộm, phơi, đập, nhuộm… liên tục trong ít nhất 1-2 tháng liên tục mới cho ra tấm vải nhuộm mặc nưa thành phẩm. Mỗi thước vải thấm đầy nắng gió, mặn mòi công sức của con người, chất chứa bao tinh hoa của quê nhà, trở thành tuyệt tác bền đẹp theo thời gian.

Cô Lê Thị Kiều Hạnh (sinh năm 1958, ngụ khóm Long Hưng, phường Long Châu, TX. Tân Châu) rời làng dệt Long Khánh (huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp), theo duyên nợ vợ chồng về xứ Tân Châu hơn 40 năm trước. Trong ngần ấy năm, xưởng dệt lãnh Mỹ A của ông nội chồng được truyền sang cha chồng, rồi đến phiên cô gánh vác. Thời hoàng kim của lãnh Mỹ A chỉ có thể hình dung bằng hình tượng “xóm bàn tay đen”.

Nhà nhà có xưởng, người người làm nghề dệt, nhuộm. Mặc nưa quấn quýt lấy đời họ, vào đôi bàn tay họ, đen từ bàn tay dài lên đến khuỷu. Nghỉ nhuộm cả chục năm, cánh tay vẫn còn in hằn màu sắc đặc trưng ấy. Qua bao thăng trầm, cơ sở Hồng Ngọc của cô bám trụ đến nay, là địa điểm khách du lịch xa gần tìm tới, là nơi hiếm hoi còn lãnh Mỹ A để khách được trải nghiệm chạm vào từng tấc lụa huyền bí.

Khúc lãnh Mỹ A sang trọng đắt tiền, được nhuộm từ mặc nưa
Khúc lãnh Mỹ A sang trọng đắt tiền, được nhuộm từ mặc nưa

Họ còn rất nhiều ý tưởng để duy trì và phát triển thương hiệu lãnh Mỹ A. Nhưng chính cô cũng không biết mình có thể bám trụ với nghề đến bao giờ, khi đầu ra cho sản phẩm thì thênh thang, mà đầu vào thì chắt chiu, ít ỏi. Cây mặc nưa giờ rải rác, thương lái tìm kiếm bẻ về, được chăng hay chớ. Chưa kể thời tiết thay đổi, nắng nóng phá vỡ quy luật tự nhiên, đến tháng 8 (âm lịch )mà mặc nưa chỉ có vài trái buồn hiu, không còn cảnh cho trái trĩu cành từ tháng 6. Nhu cầu là 10, mà khả năng cung ứng chỉ 1-2, nên sản lượng lãnh Mỹ A cũng theo đó bị hạn chế.

“Hồi tôi còn trẻ, nhà chồng có mấy mảnh đất, mặc nưa mọc đầy bên hông nhà, phía sau hè, hái thoải mái. Còn bây giờ, chỗ này có mấy cây, chỗ khi có vài trái. Thương lái đi mua ở vùng biên Campuchia, ngược xuôi khắp nơi mới có đủ mặc nưa để nhuộm. Chuyện dễ hiểu, giá trị của mặc nưa rất thấp, còn đất thì mắc lên từng ngày. Ai hơi đâu để mặc nưa mọc hoang phí!” - cô Hạnh tiếc nuối.

Ngộ lắm, dường như mặc nưa sinh ra chỉ để dành trọn vẹn nghĩa tình cho lãnh Mỹ A. Một loại thực vật dân dã, hầu như chẳng có giá trị về mặt kinh tế, không có công dụng nào khác, mà trăm năm ghi dấu một giá trị vượt bậc của xứ lụa. Lãnh Mỹ A có đặc tính mặc ấm vào mùa đông, mát vào mùa hè. Lãnh luôn có một mặt bóng và một mặt mờ. Bề mặt lãnh mịn màng, đen bóng, không phai theo thời gian, thậm chí dùng lâu càng trở nên bóng hơn. Người ta chưa tìm ra được loại nào có nhiều đặc tính riêng có như mủ của trái mặc nưa: vừa là chất dính tự nhiên, không có chất cầm màu mà vẫn bám rịt màu đen huyền bóng mượt cho vải. Nhiều nhà nghiên cứu cất công tìm ra loại nguyên liệu thay thế cho mặc nưa, nhưng kết quả chẳng khả quan.

Hôm ấy, anh Trần Minh Trung (con của cô Hạnh) dắt chúng tôi ra mảnh đất sau nhà, nơi họ cẩn thận trồng 10 gốc mặc nưa. Nghe có vẻ nhiều, nhưng nếu đến mùa, trái chỉ hái được chừng vài ký, bõ bèn gì đâu! Vậy mà, cứ nghĩ đến cảnh mảnh đất này rồi sẽ được bán đi, họ lại tiếc nuối. Chắc về sau, mấy cây mặc nưa lại bị chông chênh di chuyển một lần nữa, để lại những dấu lặng như tiếng thở dài của một thời xa vắng. Mặc nưa nhiều năm bị con người ruồng bỏ, để rồi con người lại bị mặc nưa quay lưng…

Theo Báo An Giang

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh