Thông tin gạo lúa mùa của anh Tư Việt ở làng Cù Là (thị trấn Minh Lương, huyện Châu Thành- Kiên Giang) được đưa vào một hệ thống ẩm thực bếp ngon miền Tây. Một niềm vui cho cá nhân anh Tư "Lúa Mùa" là một thì những khoái cảm lâng lâng về một nông sản chất chứa đậm đặc nét văn hóa lúa gạo miền Tây nó lên đến mười phần.
Tát mương bằng gàu, bắt cá trong ruộng lúa mùa của anh Tư “Lúa Mùa” (Kiên Giang). |
Thông tin gạo lúa mùa của anh Tư Việt ở làng Cù Là (thị trấn Minh Lương, huyện Châu Thành- Kiên Giang) được đưa vào một hệ thống ẩm thực bếp ngon miền Tây. Một niềm vui cho cá nhân anh Tư “Lúa Mùa” là một thì những khoái cảm lâng lâng về một nông sản chất chứa đậm đặc nét văn hóa lúa gạo miền Tây nó lên đến mười phần. Điều này cũng đặt ra vấn đề chất lượng kỹ thuật và hàm lượng văn hóa trong nông phẩm Việt Nam; bên cạnh vấn đề xây dựng văn hóa ẩm thực trong du lịch đồng bằng.
Đây cũng là lời giải thích cho câu hỏi đâu là văn hóa trong nông sản Việt Nam. Những thông số kỹ thuật nhằm đáp ứng những tiêu chuẩn đo lường cho sản phẩm đáp ứng mức độ nào đó ở thị trường, thì văn hóa chính là cái gốc, cũng là cái bao trùm tạo nền tảng cho sự bền vững của giá trị thương hiệu.
Uống ly rượu vang hay bật nắp sâm banh nghe tiếng “bóc” kèm theo dòng bọt tuôn trào đầy hứng khởi, mọi người nghĩ ngay đến nền văn hóa ẩm thực phương Tây. Nhấp chén sake, thưởng thức rượu soochu sẽ nghĩ ngay đến văn hóa ẩm thực Nhật Bản. Và cái cách mà họ đưa văn hóa vào sản phẩm nó thực sự là rất đáng nể phục.
Đó cũng là mối quan hệ hỗ tương khi thương hiệu quốc gia đẩy mạnh sự thâm nhập thị trường cho sản phẩm; ngược lại cũng chính sản phẩm có nhiệm vụ truyền bá ra thế giới văn hóa dân tộc. Đơn cử trong chai sake Hakưshika của dòng họ Zen Juutaro là cả một câu chuyện dài hấp dẫn, lưu truyền về một thương hiệu ra đời từ năm 1662 và nó bắt đầu sứ mệnh chinh phục ẩm thực thế giới khi lần đầu tiên xuất hiện trong một quán ăn Tây dương vào năm 1888.
Sản phẩm rượu vang, sake giới thiệu văn hóa xứ người trên khắp thế giới. |
Đó là kinh nghiệm để chúng ta chiêm nghiệm và suy nghĩ tính hiệu quả trong việc đưa hàm lượng văn hóa vào trong sản phẩm. Ở đây chúng ta nói về nông sản, cũng là một câu hỏi của một trí thức trẻ Việt Nam đang làm trong ngành ngoại giao nước ngoài; anh đặt vấn đề nước mình có sản phẩm, nông sản nào có thể đưa ra thế giới vừa đáp ứng chất lượng, yêu cầu về các tiêu chuẩn kỹ thuật, vừa mang đậm chất văn hóa Việt Nam.
Câu chuyện gạo lúa mùa là điều chúng tôi nghĩ đến đầu tiên. Bản thân quá trình canh tác lúa mùa cũng đã chứng minh nông sản sạch tự nhiên, thuận thiên nhiên; đồng thời thương hiệu lúa mùa cũng là cả một câu chuyện dài hấp dẫn về văn hóa nông nghiệp và con đường kỳ thú của lúa gạo miền Tây. Cùng nhau vinh danh và truyền bá văn hóa lúa mùa cũng là trách nhiệm của những người con của đồng bằng, sinh ra và lớn lên từ những hạt gạo thấm đẫm bao mồ hôi, nước mắt của bao thế hệ nông dân, cũng là tiền nhân là ông bà, cha mẹ chúng ta.
Khi Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp- PTNT có một giấc mơ “thương hiệu Mekong Delta” thì trong tôi có một khát khao được nhìn thấy sự hồi sinh trên những cánh đồng miền Tây những tên gọi thân thương như máu thịt: Ba Bụi, Chim Rơi, Móng Chim Càng- những tên gọi nghe thiệt chất miền Tây và những tên gọi có chút văn chương mềm mại: Châu Hồng Vỏ, Tàu Hương, Nàng Ven, Nàng Thơm, Nàng Chệt...
Và làm sao trên mỗi túi gạo lúa mùa mai đây nếu có được con đường đi ra thế giới, thì nó gói ghém câu chuyện văn hóa nông nghiệp xứ mình trong đó. Đó là câu chuyện dài bắt đầu từ thế kỷ thứ VIII, giống lúa này đã xuất hiện ở các vùng thượng nguồn ven Biển Hồ, rồi đến khoảng 300 năm trước lúa mùa bắt đầu cặm rễ ở làng Vĩnh Lợi (xã Vĩnh Phước, huyện Tri Tôn- An Giang); còn giống lúa cao sản thần nông chỉ mới xuất hiện vào khoảng năm 1964 ở Cái Sắn (Kiên Giang).
Lúa mùa không chỉ là câu chuyện nông sản, mà nó chuyển tải cả một nền văn hóa nông nghiệp và văn hóa ứng xử của người đồng bằng đối với đồng ruộng, thiên nhiên. Đó chính là những giá trị bền vững và mang tính độc đáo, riêng biệt của hạt gạo xứ mình một mai được hồi sinh mạnh mẽ và bước ra thương trường cạnh tranh cùng thế giới. Khát vọng và giấc mơ đó đang dần hiện hữu, nó không còn độc đạo và xa xôi lắm, bởi những tấm lòng, những người con của đồng bằng đang lặng lẽ góp sức làm nên.
Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin