Giới trẻ ĐBSCL hành động vì nông nghiệp thuận tự nhiên

12:04, 11/04/2021

Câu chuyện là vầy, tháng 10/2018, tôi có chuyến khảo sát các doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân trồng lúa, lúa- tôm hữu cơ và tiêu thụ lúa sinh thái từ TP Hồ Chí Minh về đến Cà Mau.

 

TS. Nguyễn Văn Kiền (bìa trái) trên ruộng lúa của ông Peter Randall- nông dân Úc có 35 năm trồng lúa hữu cơ ở làng Murami- bang NSW (Úc).Ảnh: Tác giả cung cấp
TS. Nguyễn Văn Kiền (bìa trái) trên ruộng lúa của ông Peter Randall- nông dân Úc có 35 năm trồng lúa hữu cơ ở làng Murami- bang NSW (Úc).Ảnh: Tác giả cung cấp

(VLO) Câu chuyện là vầy, tháng 10/2018, tôi có chuyến khảo sát các doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân trồng lúa, lúa- tôm hữu cơ và tiêu thụ lúa sinh thái từ TP Hồ Chí Minh về đến Cà Mau.

Tôi gặp được nhiều người trẻ tâm huyết trong đó có doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ, DN đã âm thầm chọn hướng đi sinh thái từ hơn 10 năm, đó là gạo Ông Thọ- đơn vị đầu tiên sản xuất lúa sinh thái trên ruộng tôm của bà con ở Cà Mau.

Tôi rất ngạc nhiên khi nghe một DN nhỏ mà đầu tư vào lĩnh vực này, lại là đơn vị hiểu rất rõ người tiêu dùng gạo cần gì, mà phần lớn là người tiêu dùng tại TP Hồ Chí Minh, từ đó, DN ưu tiên sản xuất những sản phẩm đáp ứng người tiêu dùng.

Từ cái duyên đó, nhóm anh em nghiên cứu trẻ của Mekong Organics tại ĐH An Giang đã xin được một quỹ Small Grant từ Đại sứ quán Úc để triển khai diễn đàn nông nghiệp hữu cơ đầu tiên tại ĐBSCL kết nối Việt- Úc.

Với cái duyên đó, chúng tôi đã mời được nhiều anh em nông dân và DN trẻ tham gia chia sẻ việc làm của mình vào tháng 1/2019 tại ĐH An Giang. Trong đó, DN gạo Ông Thọ là đơn vị được mời làm diễn giả chia sẻ kinh nghiệm làm lúa sinh thái ở Cà Mau.

Rồi chưa hết, chúng tôi lại được quỹ nghiên cứu thách thức toàn cầu UK tài trợ tiếp tục phát triển nông nghiệp hữu cơ cho ĐBSCL và cái duyên cũng đến với DN gạo Ông Thọ, đơn vị sẵn sàng tham gia tiêu thụ nông sản của bà con để bán thị trường nội địa và tiềm năng xuất khẩu.

Chúng tôi luôn lắng nghe ý kiến của DN để lựa chọn nên sản xuất theo giống gì, số lượng bao nhiêu, làm theo tiêu chuẩn gì mà người tiêu dùng cần.

Tôi cũng gặp nhiều nhóm trẻ tại An Giang, như Rau Ếch Ộp do kỹ sư Trương Thành Đạt thành lập, nhằm minh bạch quy trình sản xuất và xây dựng lòng tin từ nhãn hiệu Ếch Ộp, không dùng bất kỳ giấy chứng nhận gì mà khách mua ào ào; rồi đến Cần Thơ tôi thấy nhóm Abavina liên kết với người nông dân nhỏ bé để trồng rau thiên nhiên cung cấp thị trường TP Cần Thơ.

Và còn nhiều nhóm, như Thật Dưỡng Sài Gòn, nông dân Võ Văn Tiếng… những người đã thực hành nông nghiệp hữu cơ từ 2014.

Muốn hành động nông nghiệp thuận tự nhiên thành công thì không thể thiếu vai trò của các DN vừa và nhỏ, liên kết với hợp tác xã và các nhóm nông dân.

Người nông dân đơn lẻ rất cần đội ngũ DN vừa và nhỏ, các DN này làm việc trực tiếp với nông dân bằng tâm hồn, bằng cảm xúc, bằng quan hệ hỗ tương, hiểu nhau như bạn, thì việc sản xuất nông nghiệp thuận tự nhiên chắc chắn sẽ thành công.

TS. NGUYỄN VĂN KIỀN (Úc)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh