Vàm Nhựt Tảo là nơi ghi dấu chiến công hiển hách của Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực. Năm xưa, trên đoạn sông ấy, các nghĩa quân đã đốt cháy chiến hạm Hy Vọng của thực dân Pháp.
Vàm Nhựt Tảo là nơi ghi dấu chiến công hiển hách của Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực. Năm xưa, trên đoạn sông ấy, các nghĩa quân đã đốt cháy chiến hạm Hy Vọng của thực dân Pháp. Ngày nay, bên dòng nước lững lờ trôi, Khu di tích (KDT) Vàm Nhựt Tảo hứa hẹn là điểm đến tiềm năng cho tuyến du lịch đường sông từ TP.HCM về Long An.
Khu vực bờ kè tại Khu di tích vừa được xây lại, tạo không gian thoáng mát, bình yên cho du khách. Nơi đây cũng là địa điểm tiềm năng phát triển du lịch đường sông |
Điểm đến tiềm năng cho du lịch
Điểm đến đầu tiên trong tour du lịch Ký sự hàng cau do Công ty Cổ phần Phát triển Golden Smile triển khai về 2 huyện Bến Lức, Tân Trụ là viếng Vàm Nhựt Tảo (huyện Tân Trụ).
Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Phát triển Golden Smile - Nguyễn Trần Hoàng Phương từng chia sẻ, anh muốn đưa Vàm Nhựt Tảo vào tour du lịch vì đây là một nét văn hóa đặc trưng tại Long An. Việc đưa du khách đến viếng Vàm Nhựt Tảo giúp khách tham quan định hình về Long An và góp phần phát triển văn hóa địa phương, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”.
Trong chuyến khảo sát xây dựng tour, tuyến của Tổng công ty Du lịch Sài Gòn, Vàm Nhựt Tảo cũng được xem là một điểm đến hết sức tiềm năng cho tuyến du lịch đường sông từ TP.HCM về Long An. Với những giá trị to lớn đang lưu giữ và vị thế hiện tại, Vàm Nhựt Tảo trở thành một KDT lịch sử đầy tiềm năng thu hút du lịch.
Đến viếng Vàm Nhựt Tảo ngày nay, du khách sẽ có được giây phút nghỉ ngơi thư giãn dưới những vòm cây xanh lá, bên dòng sông êm ái lững lờ trôi.
Ngày nay, đứng trong khuôn viên KDT nhìn ra bờ sông, mấy ai có thể hình dung được cũng chính trên đoạn sông yên ả này từng bừng bừng khí thế, vang dội tiếng quân reo và một chiến hạm thuộc dạng hiện đại bậc nhất thời bấy giờ đã chìm xuống đáy sông sâu sau khi “đụng độ” với 2 chiếc ghe lúa thô sơ của anh dân chài người Việt.
Đền thờ Nguyễn Trung Trực được xây dựng theo kiến trúc truyền thống của đình làng Nam bộ, gian thờ chính thờ Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực với bức tượng bán thân đức ông bằng đồng với đầy đủ nét uy nghiêm, thần thái hùng dũng, khí tiết của một trang anh hùng vì nước quên mình
Đền thờ Nguyễn Trung Trực được xây dựng theo kiến trúc truyền thống của đền làng Nam bộ, bao gồm gian thờ chính và 2 gian thờ phụ. Gian thờ chính thờ Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực, gian phụ bên phải thờ các Tướng lĩnh, gian phụ bên trái thờ các nghĩa quân vong trận.
Bức tượng bán thân bằng đồng Nguyễn Trung Trực với đầy đủ nét uy nghiêm, khí tiết của một trang anh hùng vì nước quên mình.
Trong khuôn viên còn có nhà văn bia ghi lại chiến công tại Vàm Nhựt Tảo của ông nhằm lưu danh hậu thế. Mô hình chiến hạm Hy Vọng được đặt giữa sân KDT như một lời nhắc nhở hậu thế về chiến công oanh liệt năm xưa.
Mô hình chiến hạm Hy Vọng được đặt giữa sân khu di tích như một lời nhắc nhở hậu thế về chiến công oanh liệt năm xưa |
Hỏa hồng Nhựt Tảo oanh thiên địa
Nguyễn Trung Trực vốn xuất thân là chàng trai làng chài ở Xóm Nghề, nay thuộc xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức. Từ thuở thiếu niên, ông đã chứng tỏ bản thân là người giỏi võ nghệ, khiêm nhường lại có lòng căm thù giặc sâu sắc. Khi giặc Pháp từng bước xâm chiếm miền Nam, Nguyễn Trung Trực về đầu quân cho Trương Định. Ông đã chứng minh mình là một vị tướng tài ba, lập được nhiều chiến công được lưu danh hậu thế:
Hỏa hồng Nhựt Tảo oanh thiên địa
Kiếm bạt Kiên Giang khấp quỷ thần
Chàng trai làng chài Nguyễn Văn Lịch (Nguyễn Trung Trực) đã cùng với nghĩa quân đốt cháy chiến hạm Hy Vọng trên sông Vàm Cỏ Đông. Được sự giúp sức của người dân và các hương chức làng Nhựt Tảo, Nguyễn Trung Trực đã tiếp cận và nghiên cứu kỹ việc bố trí canh gác, hỏa lực trên tàu, vạch ra kế hoạch chi tiết cho trận đánh.
Ông và nghĩa quân giả làm người buôn lúa, áp sát tàu để xin giấy thông hành, sau đó bất ngờ tấn công đánh úp tàu, tiêu diệt gần như toàn bộ quân lính trên tàu và đốt cháy đồn binh cơ động của thực dân Pháp lúc bấy giờ.
Chiến công đó của ông đã làm nức lòng dân và tiếp thêm sức mạnh cho các phong trào khác ở 3 tỉnh miền Đông mà nổi bật là trận đánh tại Cần Giuộc đã đi vào áng văn chương bất tử Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu.
Cũng từ trận đánh đó, Nguyễn Trung Trực trở thành nỗi ám ảnh của địch thời bấy giờ. Đầu ông được treo giá 18 vạn quan tiền. Ông lui về Kiên Giang tiếp tục chiến đấu và lập thêm nhiều chiến công, trong đó có trận “Kiếm bạt Kiên Giang khấp quỷ thần”.
Nguyễn Trung Trực là một vị Anh hùng dân tộc, sự hy sinh của ông được hậu thế tri ân. Ngày nay, tại lễ giỗ ông hàng năm ở Vàm Nhựt Tảo có hàng ngàn người đến viếng. Có nhiều người đến vì muốn tìm về tận nơi quê quán đức ông, người đã vị quốc vong thân trong thời thế đất nước còn lắm điêu linh.
Theo việc binh nhung thuở trẻ trai,
Phong trần hăng hái tuốt gươm mài,
Anh hùng gặp phải hồi không đất,
Thù hận chang chang chẳng đội trời.
(bài thơ Tuyệt mệnh của Nguyễn Trung Trực theo bản dịch của Đông Hồ)
Theo QUẾ LÂM (Báo Long An)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin