Hiện nay, bước vào cao điểm mùa khô tình hình nước sinh hoạt của người dân tỉnh Tiền Giang bắt đầu khan hiếm.
Hiện nay, bước vào cao điểm mùa khô tình hình nước sinh hoạt của người dân tỉnh Tiền Giang bắt đầu khan hiếm.
Huyện cù lao Tân Phú Đông - nằm giữa hạ nguồn của sông Tiền, thuộc tỉnh Tiền Giang, nước mặn bao vây, nước ngọt phục vụ sinh hoạt của người hiện nay rất cần thiết.
Người dân xã Bình Xuân, Thị xã Gò Công rất phấn khởi vì mùa khô này không thiếu nước sinh hoạt. |
Thời gian gần đây, nhờ tỉnh Tiền Giang lắp đặt đường ống dẫn nước với mỗi ngày có gần 10.000 m3 nước từ đất liền (thuộc huyện Gò Công Tây) vượt sông Tiền qua cù lao này; đồng thời tinh thần chủ động trữ nước mưa trong lu, hồ của người dân nên so với các năm trước vấn đề nước sinh hoạt mùa khô hiện nay đã giảm bớt khó khăn.
Bà Nguyễn Thị Lan - người dân xã Phú Tân, huyện Tân Phú Đông xây được hồ chứa nước mưa dùng để uống bày tỏ: "Trước khi có hồ nước, tôi gặp nhiều khó khăn… Khi có hồ nước rất tiện sử dụng, chỉ cần vặn nước ra uống”.
Ao trữ 10.000 m3 nước ngọt của nhà máy BOO Đồng Tâm |
Theo ông Nguyễn Văn Hải, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tân Phú Đông, đến thời điểm này, người dân cù lao Tân Phú Đông còn đủ nước ngọt sinh hoạt. Ở vùng sâu, xa đường ống nước huyện lắp đặt 10 điểm cấp nước cộng cộng phục vụ miễn phí cho người dân: "Bây giờ đang nước mặn nhưng nguồn nước sinh hoạt năm nay không gay gắt lắm.
Nước ngọt vẫn còn đang sử dụng, huyện đã mở 10 điểm vòi công cộng miễn phí cho dân. Có nước dự trữ nhưng thiếu dân đến lấy về. Nói chung nước sinh hoạt năm nay không thiếu bao nhiêu”.
Công ty TNHH Một thành viên Cấp nước Tiền Giang là đơn vị chủ lực cung cấp nước sạch cho sinh hoạt người dân ở tỉnh Tiền Giang. Đến thời điểm này, công ty quản lý, vận hành ổn định 2 nhà máy xử lý nước có quy mô lớn tại xã Bình Đức, huyện Châu Thành và phường 1, thành phố Mỹ Tho; 11/11 huyện, thị đều có trạm xử lý nước, 108 trạm cấp nước sinh hoạt nông thôn với hơn 220.000 khách hàng.
Dù nguồn nước nguyên liệu tại sông Tiền khu vực thành phố Mỹ Tho và huyện Châu Thành độ mặn dao động, nhưng các nhà máy tích cực lấy nước xử lý để mỗi ngày cung cấp cho hơn 110.000 m3 cho thành phố Mỹ Tho và các huyện phía Đông của tỉnh Tiền Giang, tăng 30% so với mùa mưa.
Các cỗ máy của nhà máy BOO Đồng Tâm hoạt động hết công sức |
Ông Huỳnh Công Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Một thành viên Cấp nước Tiền Giang cho biết, công ty đã có phương án ứng phó khi hạn mặn kéo dài, đảm bảo đủ lượng nước cung cấp cho người dân.
Ông Huỳnh Công Dũng khẳng định: “Chúng tôi đã chuẩn bị một số phương án ứng phó với hạn mặn. Trước mắt, ngay tại thành phố Mỹ Tho, những lúc nước triều mặn, nhà máy không hoạt động được, chúng tôi sẽ lấy nguồn nước ngầm từ 6 giếng dự phòng.
Phát huy nhà máy tại xã Bình Đức, lấy nguồn nước từ kênh Sáu Hầu phục vụ cho người dân đô thị Mỹ Tho và chuyển tải cho khu vực phía Đông. Hiện nay, chúng tôi vẫn đảm bảo được hệ thống cấp nước ổn định, đảm bảo về lượng và chất”.
Để phục vụ nước sinh hoạt cho các huyện phía Đông của tỉnh Tiền Giang, Nhà máy nước BOO Đống Tâm (tại xã Bình Đức, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) mỗi ngày/ đêm phải hoạt động với công suất gần 60.000 m3 nước, tăng gấp 2 lần so với mùa mưa.
Diện tích ao trữ nước nguyên liệu của nhà máy là 10 ha, chứa 450.000 m3 nước. Hiện nay, nhà máy có đủ nguồn nước ngọt cấp bổ từ sông Tiền và kênh Sáu Ầu với mỗi ngày là 80.000 m3 nước; đồng thời còn dự trữ 10.000 m3 nước ngọt từ 6 giếng khoan tầng sâu.
Với điều kiện hạn mặn như hiện nay, nhà máy nước BOO Đồng Tâm đủ khả năng cung ứng cho khoảng 80.000 hộ dân ở thành phố Mỹ Tho và vùng Gò Công của tỉnh Tiền Giang. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang còn có hơn 300 trạm cấp nước tập trung do các Tổ hợp tác, Hợp tác xã quản lý; 60 trạm do các doanh nghiệp tư nhân khai thác kinh doanh.
Đến thời điểm này, hầu hết các trạm cấp nước tập trung đều hoạt động ổn định; đơn vị quản lý, khai thác các trạm tăng cường công suất hoạt động, cải tạo đường ống, bễ lọc nước để đảm bảo nguồn nước đạt chất lượng cung cấp cho khách hàng.
Riêng ở các khu vực vùng sâu, vùng hẻo lánh, xa đường ống nước của huyện cù lao Tân Phú Đông, Gò Công Đông, chính quyền và ngành chức năng các địa phương trong tỉnh Tiền Giang đã mở gần 50 vòi nước công cộng phục vụ miễn phí cho người dân.
Tỉnh Tiền Giang kéo đường ống nước về tận vùng sâu |
Ở các vùng khó khăn, người dân đã làm thủ tục xin phép khoan nhiều giếng tầng sâu để phục vụ nước sinh hoạt cho gia đình và khu dân cư, nhiều hộ dân còn trang bị trong nhà các máy xử lý nước chủ động nguồn nước sạch cho sinh hoạt gia đình.
Anh Nguyễn Văn Mo, ở xã Bình Phan, huyện Chợ Gạo cho biết, cũng như nhiều hộ dân nơi đây, nhờ đầu tư khoan giếng nước tầng sâu chất lượng nước rất tốt, mùa khô này gia đình anh đủ nguồn nước sinh hoạt, không sợ thiếu nước ngọt: “Xã này khoan hơn 100 giếng nước, người nào khoan cũng đạt hết. Cây nước của tôi khoan có mấy chục triều đồng, tốt lắm. Mình cho chạy suốt, lúc nào cũng có nước. Tôi sử dụng nấu uống bình thường”.
Có thể nói, do có sự chủ động của các ngành, các cấp và người dân nên nước ngọt phục vụ người dân, doanh nghiệp trong mùa khô hạn này ở tỉnh Tiền Giang cơ bản đảm bảo, giá nước sạch vẫn không tăng. Mọi hoạt động sinh hoạt, sản xuất kinh doanh trên địa bàn đều bình thường dù nắng hạn đang diễn ra gay gắt./.
Theo Nhật Trường/VOV
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin