Trong những năm qua, được sự quan tâm đầu tư của Trung ương, nhiều công trình đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng của vùng ĐBSCL đã hoàn thành, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội cho vùng, góp phần củng cố quốc phòng - an ninh.
Trong những năm qua, được sự quan tâm đầu tư của Trung ương, nhiều công trình đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng của vùng ĐBSCL đã hoàn thành, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội cho vùng, góp phần củng cố quốc phòng - an ninh.
Giai đoạn 2021-2025, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã triển khai công tác chuẩn bị đầu tư mới 39 dự án trên 4 lĩnh vực: đường bộ, hàng hải, đường thủy nội địa và hàng không. Những dự án này được kỳ vọng tạo sức bật mới cho ĐBSCL, nhất là trong điều kiện vùng đang chịu các tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi. |
Sức bật cho vùng
Trong 20 năm qua, hàng loạt các dự án giao thông quan trọng của vùng đã đầu tư hoàn thành, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội, góp phần củng cố an ninh - quốc phòng.
Trong đó phải kể đến các công trình lớn trên tuyến quốc lộ, như: cầu Mỹ Thuận, cầu Cần Thơ, cầu Cao Lãnh, cầu Vàm Cống, cầu Rạch Miễu, cầu Cổ Chiên, cầu Hàm Luông, cầu Mỹ Lợi… giúp rút ngắn khoảng cách giữa các địa phương với TP Hồ Chí Minh và khu vực Đông Nam Bộ.
Tuyến N2, tuyến Cao Lãnh - Vàm Cống, tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi; tuyến Hành lang ven biển phía Nam kết nối Cà Mau với Campuchia, đường Nam Sông Hậu, Quản Lộ - Phụng Hiệp… đưa vào sử dụng đã kết nối giao thông nội vùng và liên vùng.
Nhận định về sự phát triển của hạ tầng giao thông, ông Mai Văn Tân, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Hậu Giang chia sẻ, cách đây 10 năm, chỉ có con đường duy nhất là quốc lộ 61 kết nối trung tâm tỉnh Hậu Giang. Từ TP Cần Thơ về Hậu Giang khoảng 60km nhưng lại mất gần 2 giờ di chuyển.
Còn hiện tại, quốc lộ đã có 6 tuyến qua tỉnh, với tổng chiều dài 158,7km. Một số tuyến được nâng cấp mặt đường thành 4 làn xe có dải phân cách giữa, đảm bảo an toàn cho các phương tiện tham gia giao thông.
Đặc biệt năm 2012, quốc lộ 61C đưa vào khai thác đã phá thế độc đạo của tỉnh, kết nối nhanh giữa địa phương và các tỉnh, thành trong khu vực.
Ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ cũng cho biết, trong 10 năm qua, Bộ GTVT và TP Cần Thơ đã huy động nhiều nguồn vốn khác nhau đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông theo hướng đồng bộ, hiện đại, kết nối Cần Thơ với các tỉnh khu vực và TP Hồ Chí Minh.
Các dự án giao thông kết nối đã rút ngắn thời gian lưu thông, vận chuyển hàng hóa của các địa phương với TP Hồ Chí Minh, chi phí vận chuyển giảm sẽ kéo theo giá thành sản phẩm giảm và tăng khả năng cạnh tranh.
Song song đó, dự án còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đô thị, nâng cao năng lực vận tải và đảm bảo an toàn giao thông, thúc đẩy liên kết hợp tác với các tỉnh trong vùng và hội nhập quốc tế.
Ưu tiên nguồn lực đầu tư
Theo Bộ GTVT, Bộ đang tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành và các địa phương vùng ĐBSCL nghiên cứu, đề xuất Quốc hội, Chính phủ ưu tiên nguồn lực để đầu tư các công trình giao thông trọng điểm của vùng, kết nối đồng bộ giao thông liên vùng, nhằm đảm bảo tính bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu cho ĐBSCL.
Bộ GTVT đang xây dựng kế hoạch đầu tư trung hạn, giai đoạn 2021-2025, đối với vùng ĐBSCL và đã triển khai công tác chuẩn bị đầu tư mới 39 dự án, với tổng mức đầu tư khoảng 118.209 tỉ đồng, nhu cầu vốn giai đoạn 2021-2025 là 98.764 tỉ đồng.
Sau khi được Quốc hội, Chính phủ giao tổng nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, Bộ GTVT sẽ phối hợp với các bộ ngành và địa phương rà soát thứ tự ưu tiên, sắp xếp, lựa chọn các dự án quan trọng, cấp bách để đầu tư trong giai đoạn này cho phù hợp.
Theo nhiều chuyên gia phân tích, hệ thống quốc lộ mặc dù đã hình thành mạng lưới kết nối đến các điểm chính trong vùng, nhưng quy mô và cấp kỹ thuật thấp, phần lớn chỉ đạt cấp III - IV đồng bằng và quy mô 2 làn xe cơ bản không đáp ứng được tốc độ gia tăng nhanh phương tiện xe cơ giới đường bộ, dẫn đến việc liên tục xuất hiện nhiều điểm nghẽn, thường xuyên ùn tắc giao thông, mất an toàn giao thông.
Chưa kể đến hiện nay, toàn khu vực ĐBSCL chỉ có 40km đường cao tốc (Trung Lương - TP Hồ Chí Minh). Tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã thông tuyến, nhưng vẫn còn đang hoàn thiện hạ tầng thiết yếu đi kèm nên hiện chưa cho xe lưu thông. Tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ mới khởi công đầu năm 2021.
Gỡ điểm nghẽn về hạ tầng giao thông, các địa phương đề xuất Bộ GTVT cần ưu tiên nguồn lực đầu tư cho vùng, kết nối liên hoàn các trục ngang, dọc để phát huy tiềm năng, thế mạnh của vùng.
Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, các địa phương mong muốn Trung ương đầu tư kết cấu giao thông nên thực hiện hài hòa, đồng bộ. Cụ thể là đường ven biển bắt buộc phải có vì giúp cho khai thác kinh tế biển của các địa phương ven biển ĐBSCL.
Vùng cần có cảng biển nước sâu để xuất khẩu hàng hóa, không phải lên TP Hồ Chí Minh. Ngoài trục dọc cao tốc kết nối TP Hồ Chí Minh với ĐBSCL, cũng cần có trục cao tốc ngang, Châu Đốc (An Giang) để kết nối An Giang - Sóc Trăng - Cần Thơ, nhằm không chia cắt sự phát triển đối với các địa phương nằm trong nội địa. Các trục cao tốc ngang, dọc sẽ kết nối ĐBSCL, tạo lợi thế khai thác tiềm năng của vùng.
Mạng lưới đường bộ khu vực ĐBSCL đã được đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, mở rộng khoảng 44.353km. Trong đó, quốc lộ dài 2.173km, đường tỉnh 3.450km, đường đô thị dài 2.211km và đường giao thông nông thôn khoảng 36.518km. Riêng quốc lộ 1 dài 334km từ TP Hồ Chí Minh tới Cà Mau được nâng cấp từ 2 lên 4 làn xe.
Theo GIA BẢO - HẢI ANH (Báo Cần Thơ)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin