Từ "Tổ nghề" Chín Cốm Hà Văn Lầu ở cầu Vỹ (xã Hiếu Phụng- Vũng Liêm) đã truyền dạy cho cháu con nghề cốm lan tỏa khắp đồng bằng, giờ đến thế hệ thứ 3, xưởng cốm Hoàng Trang đang cố gắng tiếp nối, giữ gìn và phát triển nghề cốm trong thời buổi hiện đại. Đáng quý thật và cũng lắm nhọc nhằn trong thị trường cạnh tranh khốc liệt ngày nay.
Bà Hà Thị Lượng (phải) cùng con gái- chị Trần Thanh Trang- rất vui khi nhắc về nghề cốm gia đình. |
Từ “Tổ nghề” Chín Cốm Hà Văn Lầu ở cầu Vỹ (xã Hiếu Phụng- Vũng Liêm) đã truyền dạy cho cháu con nghề cốm lan tỏa khắp đồng bằng, giờ đến thế hệ thứ 3, xưởng cốm Hoàng Trang đang cố gắng tiếp nối, giữ gìn và phát triển nghề cốm trong thời buổi hiện đại. Đáng quý thật và cũng lắm nhọc nhằn trong thị trường cạnh tranh khốc liệt ngày nay.
Hương cốm ngày xưa
Ghé thăm xưởng cốm Hoàng Trang ngày cận tết, mai vàng rực rỡ đầy sân, chén trà ấm nồng nàn hương vị cốm ngọt ngào đưa ta về với những ngày thơ ấu xa xưa. Cốm không chỉ là món ăn, cốm chất chứa bao nhiêu hình ảnh thân thương với tình cảm mộc mạc, chân thành gói trong từng bao cốm. Nhưng tấm lòng của những con người đang đau đáu giữ nghề làm cho những chiếc bánh cốm trở nên đậm đà hồn cốt quê nhà.
Khi về cầu Vỹ, hỏi những người lớn tuổi thì ai cũng biết biệt danh “Chín Cốm”. Nhà Chín Cốm không giàu có, nhưng luôn rộng rãi và rộng lòng chào đón hàng chục người bất kể thân sơ, cứ ở đó, ăn uống thoải mái và cùng nhau làm cốm.
Từ những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, những thùng cốm theo chân người Vũng Liêm đi khắp miền Tây, những gói cốm đựng trong thùng thiếc thuở đầu còn gói bằng lá chuối, rồi gói bằng giấy “nhựt trình” cho đến gói ny lông, nhưng chẳng có thương hiệu gì ngoài tiếng đồn dân gian: “Chín Cốm cầu Vỹ”.
Ông Hà Văn Lầu có đến 10 người con, nhưng “chân truyền” chỉ có người con gái thứ Tám là bà Hà Thị Lượng (71 tuổi) cũng là mẹ của bà chủ xưởng cốm Hoàng Trang- chị Trần Thanh Trang (49 tuổi). Bà Lượng gắn bó với nghề của cha từ hồi 10 tuổi, cốm đã trở thành nguồn sống nuôi cả gia đình ngay cả trong thời loạn lạc chiến tranh, cốm đã trở thành tình yêu trong suốt cuộc đời mình.
Nhắc đến cốm, bà Lượng trở nên hồ hởi, gương mặt rạng rỡ và cứ nhắc đi, nhắc lại câu nói gan ruột: “Thấy con nó cũng đam mê với nghề cốm, tui mừng dữ lắm luôn. Phải ráng mà giữ cái nghề truyền thống của gia tộc. Mà phải làm cho tốt hơn ngày xưa, lớn hơn ngày xưa để lưu truyền tâm huyết một đời của ông ngoại”.
Bà Lượng không thể nào quên cái thùng thiếc đựng đầy cốm được quảy đi bán ở các bến đò dọc ngày xưa. Khi mà xưởng cốm gia đình phát triển thì mỗi ngày ra mấy thùng phuy đựng tầm 300 bịch cốm.
“Nhà có 2 ghe bự thay phiên nhau ăn đầy hàng rồi chở đi các nơi trong tỉnh. Thời thịnh, nhà nuôi hơn chục người làm mà ra cốm không kịp bán. Còn mấy ngày giáp tết thì làm chẳng ngơi tay. Vất vả lắm mà nó cũng vui dữ lắm”- bà Lượng nhớ lại. Dần dần ông Chín Cốm làm đủ các loại bánh kẹo, từ bánh phồng, bánh tráng đến kẹo, bánh bao mặn, bánh tiêu, bánh trung thu…
Bà nhắc: “Út Diệp (nguyên Chủ tịch UBND tỉnh- Nguyễn Văn Diệp) ở đây ăn học như con ruột trong nhà. Thấy thương lắm, sáng là dậy sớm nhào vô làm cốm tiếp một hồi mới xách cặp đi học, riết rồi rành hết. Tới giờ mỗi khi về ngang cũng dặn chị Tám chừa em mấy bịch cốm. Nghĩa tình một thời cùng nghề cốm của gia đình”.
Mà hồi xưa phải đâu yên ổn như giờ, đang làm cốm phải bỏ chạy trốn máy bay, ô buýt nó thụt, khi êm êm thì vô nhà làm tiếp. Rồi có đận chạy lên tận Long Xuyên ở hơn năm trời, rồi truyền nghề lại cho người bà con ở đó, giờ trở thành xưởng cốm lớn ở miệt An Giang.
Tiếp nối nghề cốm hôm nay
Chị Trang giới thiệu cơ sở vừa đầu tư hơn 200 triệu đồng, để phù hợp với những tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, riêng máy móc đã được mua sắm từ hơn 3 năm trước, giờ cũng phải trên 300 triệu đồng.
Để giữ được hồn cốt của hương cốm cầu Vỹ, mà phải đáp ứng được những yêu cầu và sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường, câu chuyện có lúc đã vượt quá tầm của một xưởng cốm gia đình.
Trong khi hàng trăm các loại bánh kẹo cao cấp trên thị trường, từ các công ty lớn trong nước cho đến hàng ngoại nhập, đẳng cấp của mẫu mã và những chiến lược quảng bá thương hiệu rầm rộ, thì liệu một xưởng cốm nhỏ nhoi Hoàng Trang có đủ sức “ra khơi” ở một sân chơi lớn hay không?
Chăm bình trà Shan tuyết, chậm rãi thưởng thức từng loại cốm chân truyền, từ cốm nếp, cốm gạo đến cốm mì có pha trộn chà bông, mời những người lớn tuổi dùng thử, tất cả đều chung một nhận xét: “Quá ngon!”.
Tôi cố nhớ cái vị cốm “thèm thuồng” của ngày xưa và xác tín một điều rằng: “Hương vị cốm tuyệt vời cầu Vỹ sẽ trở thành một tên tuổi được chú ý trong một ngày không xa”. Nhưng xưởng cốm truyền thống này rất cần sự hỗ trợ giúp sức từ nhiều phía. Làm sao để Vĩnh Long có một thương hiệu cốm đầy tự hào, “đứng sân” được ở thị trường ngày nay.
Nhìn thấy dáng bà Lượng xuống tận nơi rang bông gạo, bốc từng vốc lên xem và tỉ mẩn nhặt từng vỏ lụa còn sót, phân tích quá trình chi tiết làm ra hột cốm ngon tuyệt hảo, bỗng thấy thêm trân trọng những gói cốm quê nhà.
Bà Lượng dặn dò kỹ lưỡng khâu chế biến, không được cẩu thả, nó là cả tấm lòng gởi gắm vào trong đó để mang đến người dùng một hương vị độc đáo, riêng biệt so với tất cả các loại cốm trên thị trường. Nếp phải chọn lọc mua từ vùng nếp nguyên liệu thuần chủng của huyện Phú Tân (An Giang), gạo phải lựa ruộng gạo canh tác chuẩn, rang theo lối truyền thống bằng chảo sen lớn cùng với cát sông, mới cho ra được những bông gạo có vị bùi thơm chuẩn.
Đậu phộng rang phải đủ độ vàng mà không quá lửa, đặc biệt nước cốt dừa tẩm phải đủ độ béo đặc trưng… Một vị ngọt thanh vừa phải, hạt cốm giòn tan đọng lại vị bùi bùi của gạo, nếp, làm cho tiệc trà trở nên thanh khiết, tinh tế mà đậm đà hương sắc đồng bằng.
Khâu rang bông gạo theo lối truyền thống bằng chảo lá sen lớn cùng với cát sông. |
Đa dạng và nâng cấp phong vị cốm cầu Vỹ, chị Trang đang cho ra những sản phẩm cốm từ gạo nếp than, rồi đến gạo tím, gạo thảo dược từ HTX Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Tấn Đạt. Để “dọn mình” cho sân chơi lớn, xưởng cốm Hoàng Trang đã được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận OCOP.
Mẫu mã được cải tiến nhưng vẫn cần tiếp tục tốt hơn, dù sản phẩm cốm gạo Hoàng Trang đã thuyết phục được những người dùng khó tính nhất, nhưng chiến lược quảng bá thương hiệu mới là chuyện sống còn trong thị trường cạnh tranh khốc liệt ngày nay.
Trong những ngày Tết Tân Sửu này, nếu ai đó bắt gặp trên bàn trà sản phẩm cốm Hoàng Trang, hãy mở lòng đón nhận thử xem, sẽ thấy đậm đà thêm phong vị ngày xuân. Và cảm nhận niềm tự hào về hương vị tuyệt vời cốm gạo cầu Vỹ quê mình.
Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin