ĐBSCL chủ động ứng phó hạn, mặn

06:02, 24/02/2021

Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia dự báo xâm nhập mặn vùng ÐBSCL năm nay ở mức cao hơn trung bình nhiều năm và đỉnh điểm từ ngày 26/2 đến 2/3. Ðể ứng phó, các tỉnh ÐBSCL đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm bảo vệ sản xuất, chủ động nước ngọt phục vụ sinh hoạt của người dân.

 

Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia dự báo xâm nhập mặn vùng ÐBSCL năm nay ở mức cao hơn trung bình nhiều năm và đỉnh điểm từ ngày 26/2 đến 2/3. Ðể ứng phó, các tỉnh ÐBSCL đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm bảo vệ sản xuất, chủ động nước ngọt phục vụ sinh hoạt của người dân.

 Tiền Giang thi công đập thép trên kênh Nguyễn Tấn Thành bảo vệ cây ăn trái.
Tiền Giang thi công đập thép trên kênh Nguyễn Tấn Thành bảo vệ cây ăn trái.

Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp

Rút kinh nghiệm hạn, mặn 2019-2020, ngành nông nghiệp các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre… đã và đang triển khai nhiều giải pháp ứng phó với hạn, xâm nhập mặn từ rất sớm, như: giải pháp công trình, giải pháp phi công trình bằng cách đắp đập tạm, đào ao, sử dụng túi trữ nước, giữ nước trong mương vườn... Tuyên truyền, vận động người dân áp dụng các tiến bộ kỹ thuật: phủ gốc, tưới tiết kiệm nước… để ứng phó hạn, xâm nhập mặn năm 2021.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Long An - ông Nguyễn Chí Thiện cho biết: “Ranh mặn 4gr/lít trên sông Vàm Cỏ Ðông, Vàm Cỏ Tây có khả năng xâm nhập sâu cách cửa biển 53-60km sẽ làm khoảng 3.000ha chanh và thanh long có khả năng thiếu nước tưới. Sở NN&PTNT tỉnh Long An đã triển khai nhiều giải pháp công trình, phi công trình, lắp đặt 2 trạm bơm điện, tuyên truyền vận động người dân áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất để giảm thiểu thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra. Ngành thủy lợi Long An đã lắp đặt 2 trạm bơm Cây Gáo, Rạch Ðào để bơm tích nước trong điều kiện thiếu nước. Ðối với vùng cây ăn trái, đã triển khai giải pháp hạn chế xử lý ra hoa trái vụ cũng như các giải pháp kỹ thuật, các giải pháp trữ nước trên ao và các túi đựng nước phục vụ sản xuất”.

Ðối với nước sinh hoạt nông thôn, ông Trần Tấn Lợi, Quản đốc Nhà máy nước Nhị Thành (huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An), cho biết: Ðể có nước sạch đạt Quy chuẩn 01 của Bộ Y tế phục vụ người dân TP Tân An, Thủ Thừa, Tân Trụ, Bến Lức, Cần Ðước và Cần Giuộc, nhà máy phải lấy nguồn nước mặt từ hệ thống thủy lợi Rạch Chanh tiếp giáp sông Vàm Cỏ Tây về xử lý, cấp cho bà con sử dụng. Với công xuất hiện tại của nhà máy là 35.000m3/ngày/đêm sẽ đảm bảo đủ nước sạch phục vụ cho người dân trong mùa hạn, xâm nhập mặn 2021.

Tuy nhiên, theo ông Lợi, vấn đề nhà máy đang rất lo là phía bên ngoài hệ thống thủy lợi Rạch Chanh tiếp giá với sông Vàm Cỏ Tây hiện đã nhiễm mặn nên việc vận hành cống và việc vận hành âu thuyền Rạch Chanh đang là mối nguy làm mặn xâm nhập vào hệ thống thủy lợi này. Trước tình hình đó, đơn vị đã cử lực lượng kiểm tra thông số mặn định kỳ 2 lần/ngày tại khu vực hệ thống thủy lợi Rạch Chanh để thông tin kịp thời với ngành thủy lợi trong việc vận hành lấy nước ngọt trên sông Vàm Cỏ Tây.

Tại tỉnh Bến Tre, ngành nông nghiệp và nông dân đang tập trung các giải pháp ứng phó nhằm đảm bảo nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Cụ thể, gia đình ông Nguyễn Văn Hùng ở ấp Vĩnh Phú, xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách, đã đầu tư 160 triệu đồng để làm hồ chứa nước ngọt với diện tích 1.200m2, đào sâu 6m để chứa khoảng 6.200m3 nước ngọt. Không chỉ gia đình ông mà hầu hết bà con ở khu vực này đều mua túi chứa hoặc đào hồ nổi rồi phủ bạt ni lông để chứa nước ngọt phục vụ sản xuất.

 Người dân Bến Tre trữ nước ngọt phục vụ sản xuất
Người dân Bến Tre trữ nước ngọt phục vụ sản xuất

Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Chợ Lách - ông Bùi Thanh Liêm cho biết: Ðể ứng phó với mặn năm 2021, các cấp, các ngành và người dân địa phương đã chuẩn bị phương án để ứng phó, như: đào ao, sử dụng túi trữ nước, giữ nước trong mương vườn... để có nước ngọt sử dụng. Ðồng thời, ngành nông nghiệp tập trung hướng dẫn nông dân kỹ thuật canh tác: phủ gốc, tưới tiết kiệm nước để ứng phó hạn mặn...

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre - ông Trần Ngọc Tam, địa phương đang tập trung các giải pháp ứng phó xâm nhập mặn, phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể trong việc tổ chức vận động người dân chủ động trữ nước ngọt. Hiện tại, đã hoàn thành việc rà soát các cống, hồ chứa nước phục vụ người dân. Ngoài ra, tỉnh đang tập trung công tác quan trắc, thông tin, dự báo kịp thời tình hình hạn mặn; quản lý đóng mở các cống ngăn mặn linh hoạt, sát thực tế, vận hành tốt các hệ thống lọc RO đã được đầu tư; tiếp tục hoàn chỉnh các công trình ngăn mặn, điều hành ngăn mặn tạm thời. Ðồng thời, các nhà máy nước sẵn sàng phương án cung cấp nước sinh hoạt cho người dân.

Chủ động trữ nước ngọt

Ông Nguyễn Thiện Pháp, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Tiền Giang, cho biết: Tuy mới bước vào mùa cao điểm của xâm nhập mặn nhưng tình hình đã diễn biến phức tạp và tăng nhanh bất thường. Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, thì xâm nhập mặn năm 2021 sẽ có khả năng cao hơn năm 2020.

Ðể bảo vệ nước ngọt phục vụ sinh hoạt của người dân và vườn cây ăn trái trên địa bàn, tỉnh Tiền Giang đã lên phương án đắp các đập ở khu vực cù lao Tân Phong, vùng chuyên canh sầu riêng thuộc xã Ngũ Hiệp và triển khai khoan 14 giếng dự phòng phục vụ sản xuất trên địa bàn huyện Cai Lậy. Ðối với các vùng cây ăn trái ở khu vực phía Tây của tỉnh Tiền Giang, đang củng cố lại toàn bộ hệ thống đê bao và khoan thêm giếng nước để người dân sinh hoạt cũng như sản xuất. Công ty TNHH MTV Cấp nước Tiền Giang đã hoàn chỉnh các thiết bị, hệ thống đường ống, trạm bơm kinh Sáu Ầu - Xoài Hột để đảm bảo nguồn nước cung cấp cho Nhà máy nước Bình Ðức. Trong trường hợp cần thiết, Công ty sẽ xin ý kiến UBND tỉnh Tiền Giang mở 12 giếng dự phòng trên địa bàn thành phố Mỹ Tho để tiếp tục cung cấp nước cho nhân dân.

Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang - ông Nguyễn Văn Mẫn cho biết: Ðể duy trì nguồn nước từ các trạm cấp nước trên địa bàn nông thôn các huyện, thị phía Ðông của tỉnh Tiền Giang, khi mặn tác động trực tiếp đến Nhà máy nước Ðồng Tâm và Nhà máy nước Bình Ðức (tỉnh Tiền Giang) sẽ vận hành 12 giếng khoan dự phòng; đồng thời bơm bổ cấp nguồn nước ngọt từ kinh Sáu Ầu - Xoài Hột đảm bảo lượng nước thô để 2 nhà máy này sản xuất nước sinh hoạt… Bên cạnh đó, tỉnh cũng sẽ tiến hành lắp đặt một số tuyến ống tiếp nhận nguồn nước từ Nhà máy nước Ðồng Tâm trên địa bàn huyện Chợ Gạo, huyện Gò Công Tây; đầu tư nâng cấp phát triển các tuyến ống trên địa bàn thị xã Gò Công, huyện Gò Công Ðông…

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), thông tin: Vụ đông xuân 2020-2021, nông dân ÐBSCL đã xuống giống trên 1,5 triệu héc-ta, đến cuối tháng 1, tại các vùng đã nhiễm mặn: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh và Sóc Trăng, đã chủ động xuống giống sớm, tổ chức sản xuất tập trung đã tránh được mặn xâm nhập. Các giải pháp xuống giống tập trung để phân bố sản lượng lúa cho thị trường trong nước và xuất khẩu đã cho kết quả rất tốt. Các trà lúa gieo sạ ở vùng bị hạn, mặn của năm 2020, nay đã vượt qua giai đoạn nguy hiểm. Ðối với các trà lúa chuẩn bị thu hoạch trong tháng 2 đang phát triển rất tốt, nước trên đồng đầy đủ, đảm bảo được năng suất và chất lượng.

“Tuy nhiên, tình hình hạn, mặn vẫn diễn biến phức tạp, Cục Trồng trọt khuyến cáo các địa phương sớm tích nước trong các kênh, mương thủy lợi nội đồng cũng như đưa nước lên đồng một cách đầy đủ trước khi nước mặn lấn sâu trên các sông chính. Ðối với vùng cây ăn trái ở khu vực ÐBSCL có khoảng 80.000ha trên tổng số 370.000ha cây ăn trái có khả năng chịu ảnh hưởng của hạn mặn. Phần diện tích có khả năng bị ảnh hưởng mặn nằm ở tỉnh Long An, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, một phần của Vĩnh Long và Hậu Giang. Do đó, các nhà vườn cần chủ động trữ nước bằng các túi ni lông, đào ao trong vườn để trữ nước ngọt, ngành thủy lợi địa phương có kế hoạch tích nước trong hệ thống thủy lợi nội đồng để tưới cho cây ăn trái” - ông Lê Thanh Tùng nói.

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia,  ranh mặn 4gr/lít trên sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây (tỉnh Long An) có khả năng xâm nhập sâu cách cửa biển 53-60km; sông Cửa Tiểu, Cửa Đại (tỉnh Tiền Giang) mặn xâm nhập từ 45-55km; sông Hàm Luông, Cổ Chiên (tỉnh Bến Tre, Trà Vinh) mặn đi sâu vào đất liền 50-57km; trên sông Hậu (tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh) mặn xâm nhập 45-53km.

 

Theo AN LONG/ Báo An Giang 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh